Ngoại Truyện 2: Là Ai Trồng Cây, Là Ai Chăm Bẵm (2)

332 19 2
                                    

Những ngày bận tối mắt tối mũi với đống tấu chương, tháng đầu tiên ta quên mất phải về thăm nàng. Nàng gửi cho ta mấy thứ đặc sản nơi thái ấp, gối mềm có thảo dược giúp ngủ ngon, tuy vụng về nhưng lại chứa đầy tinh tế.

Lúc đó Chiêu Hiến xoa bóp vai cho ta, ở bên cạnh giúp ta vỗ về giấc ngủ, mấy thứ đặc sản mà nàng gửi rốt cuộc có đến miệng ta hay không thì ta cũng không hay.

Thậm chí có lần suốt ba bốn tháng không ghé thăm, ta lại còn cảm thấy có một thứ áp lực nào đó đè nặng lên vai, dù tất cả mọi thứ đều là do mình tự biên tự diễn chứ nàng chẳng hề đề nghị hay đòi hỏi một thứ gì. Sau đó Quốc Chẩn nhắc ta, ta lại còn cáu gắt với chú ấy.

Lúc này ta bỗng nhiên nảy ra một ý. Dù sao Quốc Chẩn cũng nhàn rỗi hơn ta, mà nhà nàng cũng còn con bé Phùng, liệu có nên một tên trúng hai đích hay không?

Quốc Chẩn trước giờ chưa từng trái ý ta, ngoại trừ lần còn thơ bé chú ấy mách ta với phụ hoàng khiến ta phải quỳ gối hai ngày một đêm thì sau đó chẳng có lần nữa.

Quốc Chẩn vẫn luôn hết mực giúp đỡ ta, chưa từng thấy tranh giành với ta bất cứ thứ gì.

Có bọn bạn xấu đàn hặc với ta về Quốc Chẩn, nhưng cho dù ta thân thiết với chúng tới cỡ nào, ăn chơi nhiệt tình ra làm sao thì riêng những chuyện về Quốc Chẩn ta chưa từng bỏ vào tai. Không chỉ ta tin tưởng nhân phẩm của Quốc Chẩn, hơn hết ta tin cách dạy con của Thái hậu.

Không phụ lòng ta, Quốc Chẩn trở thành kẻ truyền tin bất đắc dĩ.

Trong một hai năm đầu, chú ta vẫn còn cằn nhằn cau có với ta. Quốc Chẩn vẫn luôn khuyên ta mọi việc quý ở tấm lòng, dù là bận rộn đến mức nửa năm hay mỗi năm một lần cũng không nên nhờ người làm hộ. Bây giờ quan gia bận rộn đến mức nào, tại sao thỉnh thoảng có thể uống rượu vui chơi nhưng lại không nhín ra được một vài canh giờ để đến thăm nom nàng ấy hay sao?

Ta lại không cho là phải. Cái chữ tín hảo trong người ta lại cảm thấy thà không hứa thì thôi, chứ mà đã nhỡ hứa mỗi tháng thì phải là mỗi tháng, cho dù là nhờ người khác thay thế đi chăng nữa. Dù sao cũng chỉ là đưa đồ truyền tin, nay ta công vụ bộn bề, há lại được rảnh rỗi như khi còn làm trữ?

Quốc Chẩn lần nào về cũng tay xách nách mang. Nhìn mấy món đồ thêu của Duyệt càng ngày càng thêm tinh xảo thì ta cũng càng lúc càng thấy vui trong lòng, thầm nghĩ cái cây mình trồng cũng đương lúc ra hoa, cách ngày có quả ngọt cũng không còn xa nữa.

Năm đó ta nhờ Quốc Chẩn đi thay mình, chú ấy mới mười lăm. Thắm thoắt lại thêm bốn mùa lá rụng, sự nhiệt huyết tuổi trẻ của ta sớm đã bị thời cuộc mài mòn. Trong bốn bức tường cao của cung Quan Triều và mùi trầm ngột ngạt, ta cũng đã nhận ra ngày xưa mình từng bồng bột đến nhường nào.

Quốc Chẩn mười chín, tuổi trẻ của chú ấy bất chợt làm ta ghen tỵ.

Mọi chuyện trên đời vẫn tiếp diễn theo cái guồng quay vô hạn của đó, cũng như mọi người đàn ông khác ta cũng bắt đầu làm cha.

Bởi những lần trước con ta đều chết yểu khi chưa kịp chào đời nên lần này niềm vui sướng của ta khi hoàng tử Mạnh bình an hạ sinh phải nói là gấp bốn. Ta cảm tưởng mình đã bật khóc trong tẩm cung của Chiêu Hiến, suốt mấy ngày gần như thức trắng. Thế mà có ai thấu nỗi lòng ta, công việc từ khắp cõi Đại Việt vẫn ào ào tuôn về Thăng Long như nước sông Nhị Hà chảy hoài không dứt.

[Dã Sử Việt] Nào Hay Xuân Mênh MôngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ