05. Dỗ dành

565 57 22
                                    

Cái Tết của Hưởng nhìn chung trôi qua cũng khá là êm ấm - ngoại trừ việc chiều mồng năm phải bắt xe lên thành phố rồi mà hoa đào mới chịu nở gần hết. Âu cũng vì tàn dư của mùa đông nán lại quá dai dẳng, nó cuốn theo cả hơi thở rét buốt trên vùng cao về tận từng ngõ ngách của đồng bằng; âm u đến độ suốt mấy ngày nghỉ chẳng ai tìm được một giọt sương xuân đúng nghĩa. Anh đi mà thở dài thườn thượt, vốn định chụp một bức ảnh cùng chậu đào nở rộ để khoe cậu Hách lấy lòng - thế mà giờ chỉ chụp được đúng mấy bức lèo tèo ở những cành nhiều hoa nhất.

Đường lên thành phố đi mất khoảng năm tiếng đồng hồ, không nhanh cũng không lâu nhưng tương đối bất tiện - vì thế mà anh ít khi về quê lắm, Tết về một lần rồi hè về một lần là hết. Có những năm Hưởng còn không tiện về quê nghỉ hè vì phải ở lại thành phố hoàn thiện giáo án cũng như tập huấn nghiệp vụ sư phạm, thành ra quê nhà bây giờ cứ như một nơi chốn tạm bợ; mà anh bỗng nhiên trở thành khách trong nhà khi nào không hay.

Lớn lên rồi, có một giai đoạn mà con người đi đâu cũng là khách; về nhà cũng là khách mà đến trọ cũng là khách. Thủa mới ra trường Hưởng cũng buồn mãi vì suy nghĩ này, mỗi lần về nhà là trong nhà lại có thêm cái gì đó mới mẻ hoặc thay đổi một vài đặc điểm nào đó khiến anh thấy xa lạ. Duy chỉ có tình cảm mới là điều duy nhất có thể an ủi trái tim nhạy cảm của Hưởng, mang lại cho anh cảm giác được ở nhà; mà anh lại thấy may mắn thay khi mình đi đâu cũng nhận được rất nhiều tình cảm từ những người gần gũi xung quanh. Bởi thế nên những người bạn xa quê của anh đều tự nói với nhau rằng: bốn bể là nhà.

Lên xe được nửa tiếng đồng hồ đã thấy cậu Hách inh ỏi gọi đến, Hưởng mới đau đầu thoát ra khỏi dòng suy nghĩ ủy mị của bản thân. "Bao giờ thầy về đến nhà", cậu Hách hỏi như thế, khiến anh trong nửa giây lại một lần nữa nhầm lẫn khái niệm về "nhà".

"Chắc là trước giờ ăn tối tôi sẽ về đến nơi. Cậu Hách không đi làm à, tự dưng lại gọi điện cho tôi vào giờ này?"

"Làm sao? Cứ đi làm là không được gọi điện cho thầy trong giờ hành chính à? Thế thầy về đây có mang theo quà quê không?"

"Có chứ, năm mươi quả trứng gà", Hưởng đáp, và Hưởng biết thể nào cậu Hách cũng chê cho mà xem.

Thế là y như rằng:

"Sao thầy không mang cái khác cho dễ xách! Mang trứng lên lỡ vỡ hết thì sao? Với cả tôi đâu có thích ăn trứng! Thầy Hưởng cái gì cũng có, mỗi tấm lòng là không có!"

Ngày xưa Hưởng mà phải nghe ba câu trêu chọc thế này là Hưởng tức lắm. Chứ giờ thì anh quen rồi, toàn nói tào lao, kệ.

"Cô Thục thích ăn mà cậu Hách! Hôm nọ cô Thục vừa nhắn tin mách tôi là cậu làm trứng hấp dở lắm, cô Thục nhờ tôi mang trứng gà quê lên cho cô Thục tự hấp."

"Con ranh con này, giờ nó còn dám nói xấu cả thằng anh nó nữa", cậu Hách thở phì phò, tức không biết vứt đi đâu mới hết, "Thầy cứ chiều cái mồm của nó cho lắm vào, nó lại sinh hư! Thế tôi thì sao, sao thầy không mang gì lên cho tôi? Thầy bên trọng bên khinh thế mà coi được à?"

"Tôi có biết cậu Hách thích gì đâu, tôi cứ tưởng mang mỗi cái thân này lên là cậu Hách vui lắm rồi."

"Chẳng vui tí nào hết, nhá! Thầy xem lại thái độ của thầy đi, tôi là tôi thấy thầy chẳng coi trọng tôi như xưa nữa!"

MARKHYUCK • Giọt xuân tròng trành mái hiên nhàNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ