Chương 13. Ban chữ

25 3 0
                                    

Bịn rịn tiễn bạn đi xa, bọn họ mang vẻ mặt buồn rầu trở vào thành. Viên Thủ Trung cưỡi ngựa đi bên cạnh Từ Diễm, khẽ khàng bảo: "Anh ấy đi rồi tôi lại nghĩ thế cũng là phần phước. Với tính cách đó của anh, tôi sợ rằng anh sẽ sớm ngày gặp họa."

"Y đã nói hết những lời cần nói." Từ Diễm thủ thỉ, nghĩ về một thoáng mơ hồ như trút được gánh nặng của Tằng Kính Viêm, hắn tin là y đã tính đến bước đường này khi quyết tâm can gián Thiên tử.

Chút lăn tăn đó tạm nằm xuống khi sang ngày chót của năm. Từ lúc trăng còn treo tót trên đỉnh trời, Từ Diễm đã dậy tắm táp gột rửa để chuẩn bị vào cung cử hành lễ tế ở Thái Miếu. Thường ngày các quan luôn mặc công phục gọn nhẹ lên triều, sau đó có thể thay sang thường phục để đến các bộ, các ban làm việc. Song, vào những dịp lễ lạt và triều hội hằng tháng thì chế định quan viên phải mặc triều bào: áo này được may từ gấm, trên thân thêu hoa văn cầu kỳ sặc sỡ, trước ngực đính bổ tử*; mão đi với áo được đính trang sức vàng hoặc bạc, tùy vào phẩm hàm của quan viên.

* Miếng vải hình vuông thể hiện cấp hiệu, phẩm hàm đính trên trang phục quan lại.

Từ Diễm giương đèn lồng soi trước đầu ngựa khi xuống phố, càng đến gần Đông Hoa Môn, lửa đèn càng đông đúc rạng rỡ, xếp từ trên xuống dưới theo thứ bậc quan lại, từ xa nhìn vào chỉ thấy một dải lung linh vắt ngang thành đêm như ngân hà.

Các quan đợi gọi tên để qua cổng, gửi ngựa rồi đi đến điện Kim Loan. Quanh sân cờ xí rợp trời, đèn đuốc vây trăng. Quan viên xếp hàng dựa theo bục đá phân cấp thứ bậc trên sân. Lễ quan phát lệnh, nhã nhạc nổi lên, bá quan triều bái nghênh đón Thiên tử bận áo Cổn đen, đội mũ Bình Thiên mười hai xâu, long trọng ngồi kiệu rồng tiến vào đại điện.

Tiếp theo, Thái tử bận áo Đại triều đỏ thẫm, đội mũ chín xâu, dẫn đầu các hoàng thân và công khanh hầu tướng vào điện hành lễ với Thiên tử. Bá quan ở ngoài sân nghe hiệu lệnh của chủ tế mà hành lễ ba quỳ chín lạy. Sau đó, Thiên tử được quần thần theo hầu di giá đến Thái Miếu cúng tế thần linh và các vị Tiên đế. Lễ nghi xong phải quá trưa trật, Thiên tử ban rượu ngự và mâm cỗ cho bá quan rồi về cung Càn Thành nghỉ ngơi, đến chiều ngài sẽ dùng tiệc với Thái hậu và các tần ngự, tối muộn tiếp tục thết yến với con cháu. Sau đó, ngài và các hoàng thân sẽ cùng đón đêm giao thừa.

Còn các quan sẽ luân phiên túc trực ở công thự* đến rạng sáng mồng Một.

* Các bộ, các ban mà quan làm việc.

Trừ tịch thuận lợi trôi qua là điềm lành, khắp kinh vui mừng đón Tết. Sang mồng Một, trên mão của quan viên thường sẽ cài thêm một đóa hoa xuân. Tuy đây không phải phong tục chính thức nhưng bổn triều thịnh hành lệ này, phát xuất từ đời Thái Tổ, truyền rằng: sau khi bình định thiên hạ, Thái Tổ và hoàng hậu chủ trương tiết kiệm vàng bạc để phục hưng đất nước nên đức bà thường lấy hoa tươi để trang trí búi tóc thay vì châu ngọc. Ban đầu chỉ có nữ quyến học theo hoàng hậu hái hoa làm đẹp. Sau đó trong một dịp Tết, Thái Tổ thấy vui mắt nên bảo hoàng hậu cài hoa cho ngài. Hoàng hậu bèn lấy luôn đóa hoa trên tóc cài cho Thái Tổ. Chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp kinh, các phu nhân quyền quý bắt chước theo cài hoa cho chồng để biểu lộ ân ái. Từ đó, nam giới vào dịp năm mới cũng sẽ cài hoa lên búi tóc và mão, vợ chồng thường cài cùng một loại hoa.

[Tình trai/Ongoing] Chỉ Trách Người Quá Ung DungNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ