Hoàng Hùng đã mơ một giấc mơ.
Bước chân ngựa hoang băng qua cánh rừng, phía sau là xuân huyên từ lâu chẳng còn thân quen như những ngày còn bé. Chiến trường trước mắt nảy lửa bao nhiêu, móng ngựa hàn chặt vào da thịt nóng rẫy, một thân lao thẳng lên phía trước mặc cho bùn đất xung quanh vấy bẩn cả chiếc đuôi đẹp đẽ.
Con ngựa đó, chính là Huỳnh Hoàng Hùng.
Năm đó sau khi Hoàng Hùng biến mất, Hải Đăng cùng một vài người trong giới cũng ảnh hưởng không ít bởi các bài phỏng vấn bị thêu dệt.
Hoàng Hùng là người duy nhất tự mình bước chân vào cạm bẫy.
Khi tin nhắn giữa anh và tên phóng viên lộ ra, Hải Đăng vẫn nhớ mình thậm chí không còn nghe thấy tiếng gọi hớt hải của Đăng Dương, khi nó cố gắng ngăn cản cậu lao vào đánh phóng viên một trận ngay tại buổi họp kín.
Bởi vì những dòng tin nhắn đó không những tác động lên tinh thần của Hoàng Hùng.
Hắn còn lấy Hải Đăng ra để đe doạ anh.
Mà Hoàng Hùng, chính xác là một con ngựa hoang mang trên lưng những vết roi in hằn. Dù có đau đớn đến nhường nào vẫn không màng thân thể rỉ máu, gót chân vẫn nện xuống nền cát những sải bước đầy đơn độc.
Phòng trọ lại trở về dáng vẻ tĩnh lặng của nó, khi không còn sự hiện diện của Hải Đăng.
Hoàng Hùng nằm trên giường, ngón tay đặt trên tiêu đề của một bài báo cũ, đã được đăng tải và thảo luận rôm rả từ ba tháng trước.
Gió đêm lùa qua khe cửa sổ, bé mèo nhỏ vì lạnh mà cuộn tròn nép vào chân anh, vô tình giúp Hoàng Hùng sưởi ấm một chút.
Hoàng Hùng vẫn nhìn thật lâu vào tên của nhân vật chính trong bài báo, dù đã được viết tắt còn hai chữ, nhưng vẫn đủ để Hoàng Hùng đối diện với một phần ký ức vốn dĩ anh luôn muốn lãng quên.
Nóng: Nam phóng viên nói gì sau khi bị ca sĩ Hải Đăng Doo tung bằng chứng chèn ép nghệ sĩ?
Hoàng Hùng thở dài, cảm thấy đầu hơi ong ong, trong lòng thật sự chỉ muốn đánh một giấc cho khuây khoả.
Nhưng mỗi lần Hoàng Hùng nhắm mắt lại, tâm trí anh cứ nghĩ mãi về bài báo ban nãy, đồng thời hiện lên viễn cảnh người phóng viên kia bị khí phách lẫn sự đanh thép của Hải Đăng ép buộc phải nói ra sự thật.
Huỳnh Hoàng Hùng cảm thấy, có lẽ ông trời thật sự không nỡ làm phụ lòng một ai.
Vốn dĩ không mưu cầu nhận lại bất cứ thứ gì, an phận sống một đời cô độc là quá đủ.
Không ngờ phẩm hạnh chìm sâu giữa bùn lầy năm ấy, cuối cùng cũng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Tháng mười hai.
Năm ba đại học trôi qua nhanh như một cái chớp mắt, chẳng mấy chốc Hoàng Hùng đã tốt nghiệp.
Vì học vượt mấy học phần liền nên Hoàng Hùng mới dám nói với Hải Đăng rằng cuối năm anh sẽ về nước.
Nếu nói Trung Quốc chỉ là nơi ở trọ của người con xa xứ như Hoàng Hùng, anh thật sự không chắc chắn. Mãi đến hôm cuối cùng ở lại đây, Hoàng Hùng vẫn lưu luyến tiệm mì đã cưu mang anh từ những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất phồn hoa này.