1

350 49 0
                                    

Số mệnh luôn là thứ vừa kỳ diệu vừa lạ lùng. Chẳng hạn như cái cách mà số phận đã đưa đẩy ba mảnh đời, ba con người không chung tên họ, không chung huyết thống nào này được gặp gỡ và cuối cùng được sống chung dưới một mái nhà không khác nào ba anh em ruột trong một gia đình.
Trường Sơn, Minh Phúc, Anh Khoa ngày đó vốn chỉ là ba đứa trẻ, gặp nhau trong một đám cưới với những thân phận nghe thì như thân thiết nhưng thực chất lại cực kỳ xa lạ.
Là anh em?
Ngày đó ba của Trường Sơn và mẹ của Minh Phúc mang theo hai đứa con riêng của mình để kết hợp thành một gia đình mới. Họ tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mời một vài người thân thiết, trong đó có gia đình của Anh Khoa. Mang tiếng là anh em họ nhưng thực chất mẹ của Anh Khoa và Minh Phúc không chung một dòng máu. Người chị gái cũng là mẹ của Minh Phúc vốn là con nuôi trong gia đình khi bọn họ tưởng rằng mình cả đời không sinh được con, nhưng rồi khi mới nhận nuôi đứa trẻ được hơn một năm, gia đình ấy đã chào đón một cô con gái. Có lẽ vì thế mà tình cảm của mẹ Minh Phúc đối với mẹ của Anh Khoa có gì đó không ổn lắm. Nhưng nó không liên can đến hai đứa trẻ, hai đứa khi gặp nhau vẫn rất thân thiết. Năm ấy Trường Sơn và Minh Phúc 10 tuổi, đứa em nhỏ thì chỉ mới 6 tuổi thôi.
Bốn năm sau cuộc tái hôn giữa hai con người có con riêng. Cuộc hôn nhân lại không tốt đẹp như những gì họ từng tưởng tượng, không cãi vã ồn ào nhưng lại im lặng chán ghét. Một người đào hoa lịch thiệp với mọi người khi về nhà lại lạnh lùng, lãnh đạm và có cảm giác gì đó thật gia trưởng. Một người muốn được yêu thương, thỏa mãn cả tiền lẫn tình. Bước vào cuộc sống hôn nhân, khi những mặt trái xấu xí được bộc lộ, hai người họ dường như chẳng có cách nào cho nhau cái đối phương cần mà chỉ muốn cái họ muốn có. Có lẽ cố nhân xưa nói đúng: "tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Và rồi vào một ngày nọ, người phụ nữ trong gia đình đó đã ôm theo một khối tài sản trong nhà và bỏ đi, bỏ lại cả đứa con trai còn chưa kịp trưởng thành thật sự của mình ở lại trong căn nhà xa lạ đó.
Ngày đó, đứa trẻ nhút nhát và yếu đuối như Minh Phúc chỉ biết khóc. Nước mắt thấm đảm hai gò má nó, nó muốn ngưng khi nhìn thấy con thịnh nộ của người cha không chung huyết thống kia nhưng lại không thể nào ngưng được. Tiếng đồ đạc và những mảnh vỡ vang trên mặt đất khiến nó sợ hãi và ám ảnh, khiến nó nhớ lại cái quá khứ khi ba mẹ ruột và nó vẫn còn là một gia đình. Họ từng cãi nhau thậm chí là đánh nhau, tuy chưa từng tổn thương đến thân thể nó nhưng trái tim và tâm hồn nó lại đau đớn đến cùng cực. Nó liều mạng che tai, nhắm mắt lại để không nghe không thấy những cảnh hỗn độn, chửi rủa đang diễn ra trong căn nhà rộng lớn này. Có một vòng tay ôm nó vào lòng, nhẹ nhàng xoa đầu nó, vuốt lưng vỗ về nó. Minh Phúc ngẫng đầu, bắt gặp sự mệt mỏi và u sầu trong đáy mắt của Trường Sơn - người mà nó chưa bao giờ gọi một tiếng anh hay anh hai dù bị bắt ép. Vốn dĩ Minh Phúc thấy người này giống như một bản sao chép của cha dượng thậm chí còn hơn thế, lạnh lẽo và ảm đạm. Nhưng mà bây giờ Minh Phúc thấy khác rồi, Trường Sơn vốn cũng là người ấm áp dịu dàng chỉ là sống dưới mái nhà này đã khiến con người đó phải che đi những cảm xúc đó, hóa thân thành một kẻ yên tĩnh, lạnh lùng và khó gần.
"Anh hai." - Lần đầu tiên sau bốn năm phải sống chung dưới một mái nhà, Minh Phúc cũng chịu gọi người cùng tuổi nhưng lớn tháng hơn này một tiếng anh hai.
Người cha trong gia đình này có thể là một trụ cột tài chính tốt nhưng tuyệt đối không phải là một người cha tốt. Đừng nói đến con riêng của người vợ kế, đến cả con trai ông ta, ông ta cũng cảm thấy chán ghét nó. Nhìn hai đứa nhóc đang trong tuổi dậy thì lúc nào cũng mặt chau mày rũ, lầm lỳ ít nói ông ta cảm thấy chướng mắt kinh khủng. Dứt khoát cho người đem hai đứa nhỏ sang một cái nhà khác vì ông ta không muốn đối diện với hai gương mặt đều giống với gương mặt của mẹ ruột chúng nó mỗi ngày.
Cứ ngỡ ràng từ đây hai anh em khác cha khác mẹ này phải nương tựa nhau, tự thân mà sống thì bỗng dưng người dì không ruột thịt huyết thống của Minh Phúc lại xuất hiện. Bà nghe tin chị bà ôm tiền bỏ trốn, khiến cháu trai nhỏ bị đưa đi chỗ khác thì bà lo lắm, cầm lòng không đặng mà tới thăm. Thấy hai đứa nhỏ bơ vơ không cách nào chăm sóc bản thân mình, cuối cùng bà đành tìm một chỗ trọ gần đó, cùng với con trai mình lưu lại để tiện chăm sóc cho hai anh em kia.
Vận mệnh lại khiến ba đứa trẻ tái hợp sau bốn năm trong một hoàn cảnh thật sự éo le. Năm ấy Trường Sơn, Minh Phúc 14 tuổi, Anh Khoa 10 tuổi rồi.
Lần đầu tiên Trường Sơn cảm giác được mình có một gia đình thật sự. Nơi luôn chào đón cậu bằng nụ cười niềm nở và mùi thức ăn giản dị mà thơm lừng khi cậu quay trở về chứ không phải là cái cảm giác lạnh lẽo cứng nhắc ở một căn nhà xa hoa nào đó. Không chung một dòng máu nhưng người dì đó rất thương cậu như thương chính đứa con trai của mình. Đôi lúc bà hậu đậu vụng về nhưng không lúc nào là không hết lòng vì ba đứa trẻ. So với người mẹ đã rời đi và người cha chỉ biết chu cấp tiền hàng tháng thì Trường Sơn cảm giác mẹ của Anh Khoa còn ra dáng mẹ của cậu hơn cả. Cứ ngỡ rằng niềm hạnh phúc của một gia đình chắp ghép rời rạc đó vẫn sẽ được tiếp tục kéo dài thì một ngày nọ, bệnh tình của mẹ Anh Khoa đột nhiên trở nặng. Bà vốn yếu ớt từ nhỏ, mỗi ngày phải uống hết không biết bao nhiêu thang thuốc lại còn mang trong mình khối u. Nhà của bà vì thế mà từ khá giả cũng trở nên nghèo túng đến độ chỉ thuê được một căn nhà ọp ẹp, chồng bà cũng thương bà mà liều mạng làm việc kiếm tiền cuối cùng là mất mạng khi Anh Khoa mới tròn 5 tuổi.
Giờ đây căn bệnh tưởng chừng như đã ngủ sâu đó lại trở lại hành hạ thân thể bà. Ngày nào đứa nhỏ Anh Khoa cũng rửa mặt bằng nước mắt, Trường Sơn sợ nó khóc nhiều quá thì đến lúc nào đó hai mắt sẽ mù luôn không chừng. Cậu không muốn điều đó.
"Ngoan không khóc nữa. Để anh hai nghĩ cách."
Có cách nào để nghĩ sao? Trường Sơn mới 17 tuổi, đang chuẩn bị thi đại học. Suy cho cùng cũng chỉ là một thằng nhóc chưa trưởng thành cho dù cậu luôn thể hiện bản thân mình cứng rắn, là ông cụ non già trước tuổi đi nữa.
Có tiền cũng không giúp được. Đó là tình trạng bệnh hiện tại của người đã chăm sóc ba anh em suốt thời gian qua. Không muốn làm gánh nặng cho những đứa trẻ còn chưa đủ tuổi ra đời này, mẹ Anh Khoa lựa chọn không nằm viện nữa. Bà muốn sống những ngày tháng cuối đời với những đứa nhỏ bà yêu thương một cách vui vẻ và hạnh phúc nhất.
"Con đậu rồi!"
Khi hai đứa trẻ tròn 18 tuổi hét lên trong sung sướng, cả nhà họ võ òa trong niềm vui, ôm lấy nhau một cái thật chặt. Một bữa cơm gia đình hạnh phúc và trọn vẹn hơn bao giờ hết. Chuyện nhập học được lo liệu ổn thỏa xong cũng là gần trung thu.
Rằm tháng tám, trăng tròn vằng vặc, ba anh em ngồi tựa vào nhau trước linh đường...
Nước mắt rơi trên má đã bị cơn gió thu hong khô cạn, chỉ để lại ba đôi mắt đỏ lựng buồn thiu.
Bây giờ chỉ còn ba anh em nương tựa vào nhau. Năm đó hai anh lớn 18 tuổi rồi còn Anh Khoa vẫn còn là đứa nhỏ 14 tuồi.
Trường Sơn quay về căn nhà xa hoa mình đã sống lúc nhỏ, đối diện với người đàn ông đã 'góp vốn' để sinh ra mình. Ông ta vẫn vậy, đối với đứa con mình thân sinh này không có tý tình cảm nào. Ông ta thả thằng nhóc con con nào đó đang bế trên tay xuống sàn, vui vẻ kêu nó đi tìm mẹ, rồi lại đứng thẳng người lạnh lùng nhìn Trường Sơn. Anh nghĩ về trò múa mặt của nhà hàng nào đó chắc có lẽ đã để quên một nhân tài ở đây.
"Quay về làm gì? Tiền không đủ sài?"
"Con về là để xin ba đưa một người vào sổ hộ khẩu." - Trường Sơn cố nén cái cảm giác chán ghét và buồn nôn để gọi một tiếng ba.
"Gì đây? Mày mới 18 đã tìm được con ả nào rồi à?"
"Không phải. Là một đứa nhỏ thôi."
"Con mày?"
"Nó 14 tuổi rồi."
Ông ta nheo mắt nhìn chằm chằm vào người phía trước. Lớn đến từng này, anh vẫn luôn giữ cái mặt vô cảm ảm đạm, không đối mắt với ông ta. Ông ta không chán ghét đứa con này như ngày xưa nữa nhưng cũng không có tý cảm giác thân quen nào. Giống như hai người dưng xa lạ.
Ông ta xoay người đi về phía bàn làm việc, cúi người mở tủ. Sau một hồi lục lọi tìm kiếm cái gì đó cuối cùng ông ta cầm đến một tập hồ sơ đưa cho Trường Sơn. Thấy con trai cứ mãi đứng im nhìn mình, ông ta dúi thẳng thứ đó vào tay nó.
"Mày đủ 18 tuổi rồi tự làm đi. Tao còn bận nhiều việc lắm."
Trường Sơn siết lấy tập hồ sơ trong tay mình, gập người cúi đầu với người phía trước một cách kính cẩn, sau đó xoay người rời đi.
Rốt cuộc họ cùng sống trong căn nhà thật sự thuộc về mình. Việc chuyển giao quyền sở hữu diễn ra không một chút trở ngại nào, đến cả việc đăng ký làm người giám hộ cho đứa em nhỏ cũng vậy. Chỉ là lúc làm sổ hộ khẩu, Trường Sơn có chút lúng túng khi phải điền phần mối quan hệ với chủ nhà. Anh nhìn chị gái nhận hồ sơ ngồi bàn đối diện, ngập ngừng hỏi:
"Em trai là con riêng của mẹ kế và em trai là con của em gái nuôi của mẹ kế thì ghi như nào ạ?"
"Hả?"
Không chung tên họ, không cùng huyết thống nhưng bọn họ đã cùng nhau sống dưới một mái nhà bốn năm trời. Không quá ngắn, vừa đủ dài để những khoảng cách không tên hoàn toàn bị xóa bỏ, vừa đủ dài để gọi nhau là anh em một nhà. Hơn hết, trong bọn họ đều có những tổn thương, những mất mát đã có lúc được chữa lành nhưng rồi lại mất đi. Có lẽ là đồng bệnh tương liên, ba anh em mỗi người một tính cách nhưng sống chung lại hòa hợp đến kỳ lạ.
Cầm chiếc sổ hộ khẩu màu xanh trên tay, lật từng trang có dấu mộc đỏ, Trường Sơn nhẹ mỉm cười. Anh bước ra ngoài phòng đợi, kéo hai đứa em đang ngơ ngẩn trên ghế quay trở về nhà.
"Quan hệ với chủ hộ: em trai"

NHÀ TỤI MÌNHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ