Buổi chiều, Phiên dẫn tôi lên đỉnh núi Nhạn, tham quan tháp Nhạn được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XI. Đây là một tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn ở miền Trung, có ít dấu vết trùng tu nên đường nét kiến trúc rất tinh xảo và cổ kính. Đứng ở chân tháp, du khách có thể nhìn toàn cảnh thành phố Tuy Hòa mới xây dựng theo qui hoạch nên gọn gàng và xinh đẹp. Phiên cho biết hằng năm vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, tháp Nhạn là nơi tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu. Rất đông những người yêu thơ ở trong và ngoài tỉnh Phú Yên đến tham dự. Tôi nhìn khoảng sân rộng trước tháp đang phủ ánh nắng chiều vàng rực, chẳng có một hàng quán nào. Tôi nói với Phiên:
- Ở đây nên có vài quán bán đồ mỹ nghệ Chăm, vài quán bán món ăn đặc sản của người Chăm. Du khách sau khi mua đồ lưu niệm, sẽ ngồi ăn món ăn Chăm, nghe nhạc Chăm, ngắm tháp Chăm. Thật tuyệt vời!
Phiên trả lời rất nghiêm túc:
- Đây là khu di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, không ai cho phép mở quán ăn uống.
- Văn hóa lịch sử đi kèm với văn hóa ẩm thực, người ta sẽ nhớ lâu hơn. Vấn đề là tổ chức làm sao cho hài hòa, không chỏi nhau.
- Anh lúc nào cũng thích món ăn đặc sản. Được rồi, tôi sẽ chở anh đi ăn món "đèn biển".
- Chúng ta sẽ ngồi ăn tối dưới ánh sáng ngọn hải đăng ở Mũi Điện?
- Đến đó anh sẽ biết.
Phiên là phóng viên văn nghệ Đài Phát thanh Phú Yên, anh rất rành các điểm du lịch và các quán ăn đặc sản ở địa phương. Anh chạy xe chở tôi qua những đường phố , hai bên đường trồng cây hoa sữa đang mùa nở hoa trắng như bọt sữa. Phiên cho tôi biết người dân địa phương gọi cây hoa sữa là cây "mùa cua". Tôi nói:
- Nếu những đường phố ở Tuy Hòa một bên trồng cây hoa sữa, một bên trồng cây bơ, thành phố sẽ mau giàu.
Phiên vừa lái xe vừa thắc mắc:
- Cây hoa sữa và cây bơ đâu có giá trị kinh tế cao như cây sưa?
Tôi giải thích :
- Khi đó những con đường ở Tuy Hòa sẽ trở thành con đường "bơ sữa".
Như thế chưa giàu sang sao ?
Phiên có vẻ thích thú với sự giàu sang bất ngờ này nên bật cười hặc hặc.
Đến cuối đường Bạch Đằng, Phiên dừng xe ở quán hải sản Hùng Râu. Các quán ăn nơi đây đều nằm ở một bên đường, bên kia đường là bờ kè rộng lớn mới xây dựng. Bàn ghế nhựa nhiều màu sắc được bày la liệt, không quen biết khó phân biệt được bàn ghế của quán nào. Nơi đây là cửa sông tiếp giáp với biển nên cùng lúc đón hai ngọn gió biển và gió sông. Tôi thích ngồi nhậu ở một nơi thoáng mát như vậy, người ta trở nên phóng khoáng và trò chuyện cởi mở hơn. Còn ngồi nhậu ở những nơi chật hẹp như phòng máy lạnh, người ta cảm thấy tù túng và dễ gây chuyện với nhau.
Cậu phục vụ cầm ly và chén đũa từ bên kia đường bước qua, đặt xuống bàn nhựa. Không cần nhìn thực đơn, Phiên gọi một xị rượu gạo và dĩa cá ngừ sashimi. Tôi không uống được rượu nên gọi một chai Sài Gòn xanh. Cậu phục vụ bước đi, tôi hỏi Phiên: