Chương 1:

219 8 0
                                    


Ngày xửa ngày xưa ở Berlin của Đức có một người đàn ông tên là Albinus. Ông ta giàu, hạnh phúc, đáng kính; một ngày nọ ông bỏ vợ để theo một người tình trẻ tuổi; ông ta yêu; không được yêu; và cuộc đời ông kết thúc trong thảm họa. Đó là toàn bộ câu chuyện và đáng ra chúng ta đã có thể dừng tại đây nếu không phải vì việc kể chuyện này sẽ mang lại lợi ích và thú vui; và dù có một tấm bia mộ viền rêu có rộng chỗ để khắc lại bản tóm tắt cuộc đời một người đàn ông, người ta luôn mong được biết chi tiết.

Chuyện là vào một đêm nọ, Albinus có một ý tưởng tuyệt vời. Đúng ra, ý tưởng này không thật sự là của ông, bởi vì nó được gợi ý từ một câu viết của Conrad (không phải ông Conrad nổi tiếng người Ba Lan[1] mà là Udo Conrad, người viết cuốn Hồi ký kẻ hay quên và một cuốn khác về nhà ảo thuật giả tự làm mình biến mất bí ẩn trong buổi biểu diễn giã biệt.)

Bất kể thế nào, ông đã biến ý tưởng đó thành của mình bằng cách yêu thích nó, chơi đùa với nó, để nó ngày càng chiếm nhiều cảm tình nơi ông, và chừng ấy là đủ để hợp pháp hóa một tài sản trong thành quốc tự do của tâm trí. Là một nhà phê bình nghệ thuật và chuyên gia về hội họa, ông thường thích thú với việc gắn mác danh họa này và danh họa kia với những phong cảnh và khuôn mặt mà ông, tức Albinus, gặp trong đời thực: điều này đã biến cuộc sống của ông thành một phòng trưng bày tinh tế gồm những bức tranh giả hấp dẫn, bức nào cũng vậy.

Rồi, một đêm, khi ông đang cho bộ óc có học của mình nghỉ ngơi và viết một bài tiểu luận về nghệ thuật điện ảnh (không có gì đặc sắc cho lắm, ông không có tài năng gì xuất chúng mà), thì ý tưởng tuyệt vời đó nảy ra trong đầu ông. [1. Chỉ Joseph Conrad, nhà văn Anh gốc Ba Lan nổi tiếng.

] Ý tưởng này liên quan đến thể loại phim hoạt hình màu vừa mới xuất hiện vào thời kỳ đó. Thật hấp dẫn làm sao, ông nghĩ, nếu người ta có thể sử dụng phương pháp này để tái tạo hoàn hảo trên màn hình một bức hình nổi tiếng nào đó, hay nhất là một bức thuộc trường phái Hà Lan, trong màu sắc rực rỡ và thổi vào đó sự sống - những chuyển động, cử chỉ được triển khai sinh động, hài hòa trọn vẹn với trạng thái tĩnh của chúng trong bức tranh: ví dụ như, một quán rượu với những hình người nhỏ bé đang say sưa uống quanh những chiếc bàn gỗ, và hình ảnh thoáng qua của một mảnh sân ngập nắng với đàn ngựa thắng yên - tất cả bỗng trở thành một cách sống khi người đàn ông nhỏ bé mặc áo đỏ nọ đặt chiếc cốc vại xuống, cô gái đang bê chiếc khay kia vặn mình để thoát ra, và một con gà mái bắt đầu mổ lên ngưỡng cửa.

Cảnh đó có thể tiếp tục bằng cách đưa những nhân vật nhỏ bé ra ngoài đời, đi xuyên qua một bức phong cảnh của chính họa sĩ ấy; cảnh đó có thể có bầu trời màu xám với con kênh đóng băng, và những người đi những đôi giày trượt lạ mắt đúng ở thời đó, đang trượt thành những đường lượn tròn kiểu xưa gợi lên bởi bức tranh; hay cảnh đó có thể có một con đường ẩm ướt trong sương mù và một cặp hai người cưỡi ngựa - kết thúc là quán rượu lúc trước, rồi từng bước từng bước các nhân vật và ánh sáng được khôi phục theo đúng trình tự và được ổn định đâu vào đó, đại khái là mọi thứ cuối cùng quay về như trong bức tranh ban đầu.

Sau đó, ta cũng có thể thử dùng tranh của các họa sĩ Ý: mảng màu xanh hình nón của một ngọn đồi ở phía xa, một con đường mòn màu trắng lượn vòng quanh, dòng người hành hương nhỏ bé đang uốn khúc đi lên. Và thậm chí ta có thể dùng cả tranh theo chủ đề tôn giáo, nhưng chỉ những bức với nhân vật thu nhỏ.

Tiếng Cười Trong Bóng Tối - Vladimir NabokovNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ