Chương 2:

75 3 0
                                    


Albinus chưa từng gặp nhiều may mắn trong tình trường. Mặc dù có ngoại hình điển trai kiểu gia giáo kín đáo, không hiểu sao ông không thu được lợi ích thiết thực nào từ sức hấp dẫn phụ nữ của mình - bởi vì rõ ràng có cái gì đó rất quyến rũ trong nụ cười dễ thương và trong đôi mắt xanh nhạt hơi lồi ra mỗi khi ông suy nghĩ căng thẳng (và do đầu óc ông hơi chậm chạp nên điều này xảy ra ngoài ý muốn khá thường xuyên).

Ông là người nói chuyện có duyên, chỉ có đôi mắt ngập ngừng khi diễn đạt, ưu điểm lớn nhất của tật nói lắp vốn mang đến nét duyên dáng tươi mát cho cả câu nói cũ rích nhạt nhẽo nhất. Điểm cuối nhưng không kém quan trọng (vì ông sống trong một xã hội Đức trưởng giả) là ông được cha mình để lại một tài sản đang dùng để đầu tư an toàn; ấy thế mà, sự lãng mạn lần nào đi ngang qua đời ông cũng đều tìm được cách trở thành lãng xẹt.

Thời sinh viên ông có một chuyện tình chán ngắt, vào loại nặng ký, với một người phụ nữ đứng tuổi u buồn, về sau trong chiến tranh, bà này gửi ra mặt trận cho ông những đôi tất màu tím, những chiếc áo len dặm người và những lá thư thắm thiết dài lê thê, được viết nhanh như chớp trên giấy da với kiểu chữ nguệch ngoạc khó đọc.

Tiếp đó còn có vợ một vị giáo sư mà ông gặp bên bờ sông Rhine; bà ta xinh đẹp nếu chỉ nhìn từ một góc và dưới một ánh sáng nhất định, nhưng lãnh đạm và bẽn lẽn đến độ ông nhanh chóng bỏ cuộc. Cuối cùng, ở Berlin, ngay trước đám cưới của mình, ông dính vào một người phụ nữ gầy gò buồn tẻ với khuôn mặt thô kệch, bà hay đến mỗi đêm thứ Bảy và có thói quen kể tỉ mỉ về toàn bộ quá khứ của mình, nói đi nói lại về cái chủ đề đáng nguyền rủa đó, thở dài mệt mỏi trong vòng tay ông, và luôn kết thúc bằng câu tiếng Pháp duy nhất bà biết: "C'est la vie."[1] Những lầm lỡ ngu ngốc, những trải nghiệm dò dẫm, những nỗi thất vọng; vị Thần Tình Ái bảo hộ cho ông chắc hẳn vụng về, nhát gan và không hề có trí tưởng tượng.

Bên cạnh nhưng mối tình nhạt nhẽo này có hàng trăm cô gái mà ông chỉ mơ đến chứ không hề làm quen được; họ lướt qua đời ông, để lại cảm giác mất mát tuyệt vọng kéo dài một hai ngày, chính cái cảm giác làm cho cái đẹp được là cái đẹp: một cái cây đơn độc xa xăm trên nền trời vàng ánh kim; những gợn sóng ánh sáng hắt lên mặt cong cong phía trong của một cây cầu; một điều gì đó không thể nắm bắt nổi.

[1. Tiếng Pháp, nghĩa là "Đời là thế".] Ông lấy vợ, nhưng dù ông yêu Elisabeth theo cách của mình, bà cũng không đem đến được cho ông những rung cảm ông đang ngày càng mòn mỏi vì khao khát. Bà là con gái một ông chủ nhà hát nổi tiếng, một thiếu nữ tóc vàng mảnh mai yểu điệu, một đôi mắt nhợt màu và những mụn li li tội nghiệp ngay trên cái mũi nhỏ nhắn mà các nữ văn sĩ Anh sẽ tả là "hếch"[2] (hãy lưu ý chữ "e" thứ hai thêm vào để tránh nhầm lẫn).

Làn da của bà mỏng đến độ chỉ cần chạm nhẹ cũng để lại một vết đỏ lâu mới nhạt. [2. Nguyên tắc retrousée, từ gốc tiếng Pháp. Chữ "e" thứ hai ở đây trong tiếng Pháp để chỉ tính từ giống cái.] Ông lấy bà bởi vì mọi chuyện diễn ra như thế. Một chuyến đi chơi trên núi cùng bà, thêm vào cậu em trai to béo và bà chị họ đặc biệt cường tráng mà ơn Chúa, cuối cùng cũng bị bong gân mắt cá chân ở Pontresina, là sự kiện chịu trách nhiệm chính về cuộc hôn nhân của ông bà.

Tiếng Cười Trong Bóng Tối - Vladimir NabokovNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ