Bài Thứ Tám

34 0 0
                                    

Cõi hồng trần – Các trạng thái của vật chất – Nguyên tử - Tính thuần nhất của vật chất – Thế lực ở giữa các nguyên tử - Luân lý phát hiện – Những kết luận thực dụng.

1 – Vật chất hồng trần có mấy trạng thái?

            Có 7 trạng thái: cố thể trạng (trạng thái đặc), dịch thể trạng (trạng thái lỏng), hí thể trạng (trạng thái hơi), thêm 4 trạng thái tinh khí. Tinh khí thứ tư là trạng thái cao hơn hết, tinh tế hơn hết, nhờ nó, ta có thể tách riêng nguyên tử để tiện việc nghiên cứu.

2 – Một thứ chất có thể biến đổi ra 7 trạng thái đó rồi trở lại y nguyên như cũ chăng?

            Dưới ảnh hưởng của thế lực thiên nhiên, chất đó có thể biến trạng và khoa học đã có nhờ đến những thế lực thiên nhiên đó. Mỗi ngày chúng ta đều chứng kiến sự thay đổi trạng thái của vật chất: nhiệt lực làm cho nước đá biến thành nước và thành hơi. Khí trời biến thành nước và đông đặc. Lửa biến đổi cây hóa khí, v.v… Nhưng luôn luôn dưới các trạng thái và hình thức khác nhau đó, nguyên tử vẫn là đơn vị cấu tạo. Do đó, tính thuần nhất của vật chất được chứng nhận, và đó là một nguyên lý có nhiều ứng dụng trong sự nghiên cứu của khoa học.

3 – Tính thuần nhất nầy có phải là chung cho tất cả 7 cảnh giới chăng?

            Đó là một sự hiển nhiên. Nguyên tử hồng trần đem phân tách sẽ biến ra chất của cõi trung giới. Nguyên tử cõi trung giới biến ra chất của cõi hạ thiên và kế tiếp như thế mãi. Nếu người ta đi ngược dòng tiến hóa như thế, cuối cùng người ta sẽ đi đến vật chất nguyên thỉ.

4 – Ai có thể làm được những việc phi thường như thế?

            Với ý chí mãnh liệt và sự hiểu biết trọn vẹn những luật thiên nhiên, những bực Chơn tiên có thể làm được. Các Ngài có thể làm cho mọi vật ở cõi hồng trần, làm cho thân thể các Ngài biến ra chất cõi trung giới, mắt phàm không thấy được, rồi biến lại y nguyên như cũ. Cái tiếng phi thường chỉ làm cho các Ngài mỉm cười vì nó tỏ sự dốt nát của những kẻ thốt ra tiếng đó.

5 – Nguyên tử có phải là sự phân chia đến cực độ của vật chất hồng trần chăng?

            Nguyên tử là một sự chuyển động xoay tròn của động lực, của sự sống, của tinh thần. Chúng ta chớ nên quên rằng nguyên tử do ngôi thứ Ba của Tạo hóa, của Tinh thần Sáng tạo lập thành. Nó có hình viên cầu, dẹp ở hai đầu vì lẽ nó xoay tròn hết sức mau. Nó có 7 hàng dây khoanh tròn như khu ốc. Mỗi khi xong một cuộc tuần hoàn thì có thêm một dây hoạt động.

6 – Đối với nguyên tử thì một chất kim thạch, thí dụ như một cục cẩm thạch là gì?

            Cục cẩm thạch đó hoàn toàn cấu thành bởi nguyên tử, nguyên tử hết sức nhỏ, dùng kính hiển vi không thể thấy được, chỉ có con mắt tinh thần mới trông thấy nó.

            Chung quanh mỗi nguyên tử có một cái vỏ bằng chất ê-te (dỉ thái). Tất cả các nguyên tử đều độc lập. Mỗi nguyên tử xây chung quanh mình với tốc độ 80,000 dậm trong một giây đồng hồ. Tốc độ như thế sanh ra một lực lượng rất lớn. Chúng ta hãy nhơn lực lượng đó với một số nguyên tử (có hằng hà sa số nguyên tử trong cục cẩm thạch) và chúng ta sẽ thấy tổng số họp thành một thế lực ghê gớm.

            Thế lực ở giữa các nguyên tử là một trong những thế lực khổng lồ trong thế giới. Khoa học đã phát minh được thế lực đó và ta có thể suy đoán những công việc mà nó có thể giúp ích cho nhân loại sau nầy. Hiện thời, loài người còn hung dữ quá, nên chưa có quyền sử dụng thế lực đó.

            Thế thì, <<vật chất chỉ là sự xây chuyển>>. Trước đây cả ngàn thế kỷ, các hiền triết đã gọi vật chất là cái mộng ảo to tát của con người.

7 – Thế lực tiềm tàng của nguyên tử ở trong xác thịt của chúng ta phải chăng là vô dụng?

            Không đâu; chính nó làm cho sinh ra trong lòng chúng ta bản năng thịt dục, ý chí muốn sống. Nó là sự sống của Ngôi thứ Ba và là cái động cơ bí ẩn của sự tiến hóa của chúng ta. Chúng ta hãy nghe theo sự thúc dục của nó, chúng ta sẽ hưởng sự an tinh, hoan hỉ, điều hòa, hạnh phúc: đó là điều thiện. Nếu chúng ta làm trái lại, chúng ta sẽ cảm thấy sự rối loạn, khổ não, đau đớn: đó là điều ác. Nhân hậu, điều thiện và điều ác thuộc về địa hạt luân lý. Thế thì, luân lý hoàn toàn tùy thuộc sự tiến hóa.

8 – Vậy thì luân lý là một sự hoàn toàn tương đối sao?

            Đúng như thế. Thí dụ, đây nầy một người dã man vì muốn cho cha già có được một chỗ chôn thây xứng đáng nên ăn xác cha. Nó chỉ nghe theo sự mê muội của nó và đó là trình độ tiến hóa của nó.

            Người buôn bán nầy đánh giá hàng hóa của va quá cao mà không chút hổ thẹn, va đã nói dối và trộm cắp. Va chỉ nghe theo lòng hám lợi. Va đang ở trình độ của va, va không ngần ngại gì mà không đầu cơ tàn nhẫn nếu không có luật xã hội vì lợi ích chung mà hạn chế lòng tham của va.

            Khi một nhà Thông-Thiên-Học đã tiến hóa xem sự nói dối nhỏ nhít như một trọng tội, tức là anh hành động đúng theo trình độ tiến hóa của anh.

            Thế thì một luật luân lý đầu hoàn thiệt thế nào phải chăng cũng sẽ vô ích cho ít nữa là 2 hạng trong 3 hạng người kể trên đây.

9 – Vậy ta phải kết luận như thế nào?

            Hỡi các nhà đạo đức nghiêm khắc, nhiệt tín, cố chấp, các ngài chớ phán đoán, chớ buộc tội. Nếu các ngài có thể thấy lại tất cả những kiếp đã qua của các ngài, tất cả các sự kinh nghiệm gian lao cực khổ, nhục nhã, đến có thể sát nhân nữa cũng nên, thì các ngài sẽ không còn tự phụ. Tất cả chúng ta đều bắt từ những nấc thang thấp nhứt của sự tiến hóa mà len lên lần lần.

            Thế thì, nếu ngày nay, các ngài thật cao thượng hơn những kẻ mà các ngài quở trách, các ngài nên xem mình như bác đàn anh để dìu dắt dạy dỗ họ, làm cho họ được mau tiến hóa hơn. Làm như thế các ngài chỉ làm tròn bổn phận đầu tiên của các ngài, là làm việc cho sự tiến bộ của các ngài, cho sự tiến hóa riêng của các ngài.

            Mỗi người tự mình là một cây thiện ác, cái cây đó tùy theo giai đoạn tăng trưởng mà trái nó sanh ra có khác nhau, ban đầu sanh trái đắng và chát, kế đó trái cũng còn xấu nhưng khá hơn lúc ban đầu, và đến sau chót trái mới ngon lành.

            Cái cây đó nhờ có khoa học, tri thức, ý thức, chân lý, mới có thể lớn lên và sanh trái tốt.

THÔNG THIÊN HỌCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ