Chương 10

190 8 0
                                    

  "Mẹ nói rồi, không có chuyện thi khối C đâu. Con phải thi khối D, Ngoại Thương, Ngoại Ngữ hay Ngân Hàng, chọn trường nào tùy con, nhưng không thể thi khối C được!"

"Tại sao? Tại sao lại không được? Thế mạnh của con là môn Văn, con muốn thi vào khoa Văn học của trường Nhân Văn thì có gì là không được? Mẹ vẫn thích mấy trường danh tiếng còn gì? Trường Nhân Văn cũng đâu có làm cho mẹ phải mất mặt?"

"Mẹ nói không được là không được. Học cái đấy sau này ra trường con sẽ làm gì? Định làm nhà văn chắc? Tại sao con cứ hay bốc đồng, thích lên là làm bừa thế? Mẹ nói rồi, mẹ muốn con thi Ngoại Thương hoặc Ngoại Ngữ, học hai trường đó sau này có biết bao nhiêu công ty họ có thể tuyển con. Từ mai bắt đầu đến lớp tiếng Anh và lớp Toán cho mẹ. Con phải thi khối D, không nói nhiều nữa. Mẹ đăng ký học ôn cho con rồi."

"Mẹ lúc nào cũng chỉ biết ra quyết định mà không cần biết đến suy nghĩ và cảm nhận của con. Trong tâm trí mẹ, lúc nào cũng phải học trường danh giá, phải làm trong các công ty lớn, phải có lương cao, ngoài sĩ diện và tiền bạc ra, mẹ không thể nghĩ đến cái gì khác hay sao?"

Ngay sau câu nói đó là một cái bạt tai vào mặt tôi. Tôi biết, mình đã nói mà không kịp suy nghĩ. Mẹ tôi tức giận đến mức không còn nói được lời nào. Còn tôi chỉ biết trốn trong một góc phòng, ngay cả đèn cũng không buồn bật lên. Tôi cứ ngồi trong phòng tối như thế, khóa trái cửa.

Tôi khóc, khóc đến run rẩy. Cái tát đó thật đau! Đau từ mặt, đau đến tận trái tim. Đây là lần đầu tiên tôi bị mẹ đánh, kể từ khi bắt đầu biết nhận thức cho đến nay. Đó là một cảm giác đặc biệt khó chịu!

Khi có ai đó đánh bạn, nếu đó là một kẻ xa lạ, hoặc là một người bạn không hề yêu quý, bạn chỉ có cảm giác đau về mặt thể xác. Nhưng nếu một người thân luôn yêu thương bạn, và bạn cũng luôn yêu thương người đó bỗng nhiên đánh bạn, đó chính là cảm giác đau thấu tận tim.

Cả bố và anh trai đều đã đi công tác, mẹ tôi có lên gọi cửa nhiều lần, nhưng tôi chỉ muốn ở một mình, không đi ra khỏi phòng, cũng không mở cửa cho mẹ.

Cứ như vậy không biết qua bao lâu, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa điềm đạm. "Anh đây, mở cửa cho anh!"

Giọng nói của Hiếu luôn vang lên mỗi khi tôi yêu đuối nhất. Tôi mở cửa cho anh nhưng không nói gì cả, chỉ đứng đó nhìn anh bởi vì tôi không biết làm sao để đối mặt với anh từ sau đêm hôm đó.

Tôi không khóc nữa, nhưng hai mắt chắc là đã sưng húp lên rồi. Thân thể vẫn còn hơi run rẩy sau một lúc lâu xúc động, trông tôi lúc này có lẽ thật tệ hại. Tôi không muốn xuất hiện trước mặt Hiếu với một bộ dạng như thế này đâu!

Anh cũng không nói gì cả, chỉ xoa đầu tôi, sau đó bước vào phòng, bật đèn lên. Căn phòng này chẳng có gì lạ lẫm đối với Hiếu. Anh đi đến mở tủ quần áo, lấy một chiếc quần jeans ngố và một cái áo thun thoải mái, đưa cho tôi ý bảo tôi hãy đi thay quần áo.

Mặc dù không biết anh muốn làm gì, nhưng tôi vẫn nghe theo. Xong xuôi, Hiếu dắt tay tôi đi xuống cầu thang. Mẹ tôi vẫn đang ngồi ở dưới phòng khách, nhìn tôi và anh với ánh mắt trông chờ. Anh chỉ bảo: "Bác cứ ở nhà nghỉ ngơi đi ạ, cháu đưa em ra ngoài ăn tối. Cháu sẽ khuyên em!"

Có điều, tôi không ngờ rằng Hiếu lại đưa toi đến một nơi thật đặc biệt. Nơi ấy có hương thơm của cỏ, có một không gian rộng rãi thoáng đãng thoát ra hẳn khỏi những ồn ào trên phố phường. Nơi ấy thoải mái, nhưng cũng thật trang nghiêm, mang đến cảm giác thiêng liêng. Tôi cùng anh đi giữa những ô cỏ, trên lối đi lát sỏi vừa ghồ ghề nhưng cũng thật trơn nhẵn. Dưới bàn chân của tôi truyền tới cảm giác man mát, ướt lạnh của làn nước được phun và buổi chiều để tưới cỏ. Bạn cũng đoán ra đây là nơi nào rồi, đúng không?

Lăng Bác vào buổi tối mùa hè lúc nào cũng thật náo nhiệt, nhưng ai nấy đều rất quy củ. Ánh đèn sáng lung linh chiếu rọi lên màu xanh mướt của thảm cỏ hằng ngày được chăm sóc kĩ lưỡng. Những trận gió thổi qua khiến cho tôi có thể nghe rõ được cả tiếng lá cờ tổ quốc bay phần phật ở trên cao.

Anh bảo rằng những khi tâm trạng không tốt, anh thường ra đây, nhìn những chú lính bảo vệ Lăng đổi gác, nhìn những cụ già đi tập thể dục, nhìn đám trẻ con tung tăng nô đùa. Anh bảo đây là nơi giàu sức sống nhất thủ đô.

Đi bộ mệt rồi, chúng tôi cùng ngồi xuống nghỉ ngơi, hóng gió. Nền xi măng cho cảm giác khác hẳn với những lối đi lát sỏi ở khu vực bãi cỏ. Nó vẫn còn sót lại hơi nóng của một ngày nắng nực. Phía xa xa kia là nơi Bác nằm yên nghỉ, một giấc ngủ ngàn thu.

Im lặng đã quá lâu, bây giờ tôi mới thấy Hiếu cất lời hỏi: "Vì sao hôm đó em lại tắt máy? Vì sao mấy hôm nay không nhận điện thoại cũng không trả lời tin nhắn của anh?"

"Chúng ta đừng nhắc lại chuyện đó nữa, được không?" Lần này, người lẩn tránh vấn đề là tôi.

"Được rồi, vậy nói chuyện hôm nay đi!" Vừa nói, Hiếu vừa đưa tay vuốt nhẹ lên bên má của tôi, nếu tôi không nhầm, chắc hẳn vẫn còn chút hồng hồng hằn trên đó, vì da tôi rất mỏng. Anh hỏi: "Còn đau không em?"

Nước mắt lại một lần nữa không kiềm được mà rơi xuống. tôi chỉ biết lắc đầu. Mỗi một sự quan tâm của anh, cho dù là nhỏ thôi cũng dễ dàng làm tan chảy tính bướng bỉnh trong tôi. Ngón tay thon dài của anh khẽ gạt đi từng giọt nước mắt của tôi như vuốt những phím đàn.

Tôi tưởng rằng anh sẽ khuyên tôi thi khối D như đã hứa với mẹ tôi. Nhưng tối hôm đó, anh chỉ tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nghị lực để vượt qua tất cả. Anh bảo rằng, mỗi lần ra đây, nhìn lên lá cờ tổ quốc bay phấp phới, anh luôn cảm thấy bản thân mình thật nhỏ bé. Anh bảo có một sức mạnh nào đó luôn thôi thúc anh, để anh có thể làm việc gì đó có ích cho xã hội, cho đất nước.

Điều này nghe thì có vẻ sáo rỗng, nhưng từ sâu trong ánh mắt Hiếu, tôi thấy được sự nghiêm túc, thấy được một chút bất lực, cùng một chút luyến tiếc. Tôi cứ cảm thấy có một điều gì đó luôn kìm hãm những khao khát trong anh. Nhưng có một câu tôi thấy anh nói rất đúng: "Chúng ta có quyền làm những gì chúng ta yêu thích, nhưng riêng học, có thể học cả những thứ chúng ta không thích, bởi vì học không bao giờ là thừa. Có rất nhiều con đường dẫn đến cùng một mục tiêu. Nếu con đường này thật sự không thể đi được thì có thể chọn con đường khác, quan trọng nhất là, bằng mọi giá, ta phải đến được mục tiêu đó."

Cuối cùng tôi cũng hiểu được bản thân mình nên làm gì. Học tiếng Anh, học Toán cũng đâu có thừa. Chỉ cần sự khao khát trở thành một nhà Văn, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể viết, không phải sao?

Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi được xem lễ hạ cờ cuối ngày tại Lăng Bác. Nó không hề giống như lễ chào cờ và hạ cờ hằng tuần vẫn được cử hành ở trường học của tôi. Đó là cảm giác trang nghiêm, cảm giác thiêng liêng, cảm giác thấy sự tồn tại của bản thân, cảm giác dòng máu của dân tộc vẫn luôn chảy trong huyết quản mình. Mỗi một sinh mệnh, ngoài quyền lợi được sống cho bản thân mình, còn có một khái niệm đè trên vai mang tên là trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không chỉ là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với người thân xung quanh ta, mà còn cả trách nhiệm với tổ quốc, với xã hội. Bạn thấy nó quá sáo rỗng sao? Tôi cũng cảm thấy thế! Nhưng khi sống lưng thẳng tắp, mắt nhìn thẳng vào lá cờ tổ quốc đang từ từ được hạ xuống, tôi thầm nhủ với chính mình rằng, cho dù có lựa chọn con đường như thế nào thì đó cũng phải là con đường đúng đắn nhất.

Xem xong nghi thức hạ cờ. Hiếu đưa tôi đi ăn, rồi về nhà. Một buổi tối đặc biệt với đầy đủ cung bậc cảm xúc, và có anh cùng trải qua. Anh cũng là một điều thiêng liêng đáng quý trong cuộc sống của tôi.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, cách cột mốc mười tám tuổi của tôi càng ngày càng gần. bạn bè xung quanh dường như ngày một trưởng thành hơn. Tuấn và Lan vẫn cùng nhau đi học thêm, còn hứa hẹn sẽ cùng thi vào một trường. Tôi cảm thấy chuyện tình cảm của hai người đó luôn được đánh dấu bằng những lời hẹn ước. Còn Linh, tôi đã thấy có một anh chàng đi SH ngày nào cũng chở cô ấy đi học. Thi thoảng có đụng mặt nhau ngoài cổng trường, cũng chỉ thấy cô ấy chọc ngoáy tôi vài câu ví dụ như: "Sao lại còm cõi quay về với em xe đạp điện thế này? Anh Audi đâu rồi?" Tôi coi như không nghe thấy, coi như cô ấy không tồn tại. Tôi phát hiện đó mới là tuyệt chiêu, là cảnh giới cao nhất đối với những kẻ muốn gây sự với mình. Địch động, ta không động. Qủa nhiên, nghe lời Hiếu chưa bao giờ sai! Nếu có điều gì mới mẻ, có lẽ chính là Quang. Cậu ấy không còn làm những chuyện ngốc nghếch cho tôi như trước nữa. Tôi vẫn cảm nhận được ánh mắt quan tâm mà cậu ấy dành cho mình, nhưng mọi thứ chỉ dừng ở đó, có đụng mặt nhau, cậu ấy cũng chỉ chào hỏi lịch sự như những người bạn. Điều này làm cho tôi thấy thoải mái hơn rất nhiều!  

Chờ Em Mười Tám (Celia Nguyễn)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ