Chương 6

238 8 0
                                    

  Chuyến đi biển mùa hè lần này để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Trở lại với Hà Nội vội vã và ồn ã, tôi lại thấy có chút hụt hẫng.

Gạt đi gạt lại danh bạ trong điện thoại, nhìn quanh chỉ có số của bố mẹ, anh trai, số nhà Lan, số của Tuấn và đương nhiên, số của anh. Lúc anh lưu số vào điện thoại cho tôi chỉ để cái tên vô cùng tầm thường: Anh Hiếu. Nhưng tôi lại không muốn để tên anh bình thường như thế. Nghĩ mãi vẫn không biết nên đặt là gì, "My love" thì quá phổ biến. dường như chẳng có từ ngữ nào đủ để miêu tả vị trí đặc biệt của anh trong trái tim tôi. Cuối cùng, tôi xóa bỏ chữ "Hiếu" đi, chỉ để lại một chữ "Anh". Đúng vậy, đối với tôi, anh mãi mãi là anh, là một điều gì đó không thể thay thế được!

Tôi cứ đờ đẫn ngồi nhìn chữ "Anh" cùng dãy số quen thuộc ấy cho tới khi Lan phi thẳng vào phòng, khi ấy tôi mới tỉnh người lại. Con bé này, chưa thấy mặt đã thấy tiếng, cô ấy vừa chạy vừa hét lên: "Có điểm rồi, Ly ơi, có điểm rồi!"

Trong khi Lan còn đang run rẩy vì được trọn vẹn mười điểm môn tiếng Anh, thì trái tim tôi lại đập thình thịch bởi sáu điểm môn Vật Lý của mình. Tôi lập tức nhắn tin cho anh.

Thời gian đó, tôi không hay gọi mà chỉ toàn nhắn tin cho anh, còn người gọi lại thường là anh. Nguyên nhân rất đơn giản, tuy bố mẹ đồng ý cho tôi sử dụng điện thoại di động, nhưng chỉ giới hạn nạp thẻ năm mươi ngàn một tháng, điện thoại sử dụng đúng mục đích liên lạc khi cần thiết chứ không phải để lên mạng hay tán gẫu với bạn bè. Nhưng tin nhắn cũng có cái hay của nó, ta có thể dễ dàng nói ra những điều mà mình khó mở lời khi gặp mặt trực tiếp. Anh làm thiết kế đồ họa, lúc tập trung làm việc thường sẽ không đọc tin nhắn, nhưng bất cứ khi nào đọc được, anh sẽ nhắn lại cho tôi, dù cho đôi lúc, nội dung tin nhắn chỉ có một câu: "Thế à!"

Hôm nay cũng vậy, tôi nhắn tin cho anh nhưng một lúc sau vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi lại nghĩ đến lời hứa với Tuấn trước kia, nhớ đến ước hẹn giữa Lan và Tuấn. tôi rất muốn gọi cho Tuấn để nói cho cậu ấy biết cả tôi và Lan đều đã được vào trường mà mình mong muốn, nói cho cậu ấy biết Lan đã được mười điểm môn tiếng Anh, cũng để hỏi xem cậu ấy thế nào, có được mười điểm như đã hứa với Lan hay không. Nhưng tôi lại do dự.

Sau khi cân nhắc cẩn thận, tôi chạy sang nhà Lan, đưa cho cô ấy số điện thoại của Tuấn, thậm chí còn đưa cả điện thoại của mình để cô ấy gọi. Nhưng Lan không chịu. Mặc dù ngoài miệng cô ấy cứ nói rằng ai mà thèm nhớ cái lời hẹn nhảm nhí đó, nhưng tôi biết, cô ấy rất quan tâm, rất để ý. Có lẽ Lan sợ, còn cụ thể sợ điều gì thì tôi không biết. Tôi đành đặt tờ giấy mà Tuấn ghi lại số điện thoại đặt lên mặt bàn của Lan rồi ra về.

Tối hôm đó Hiếu mới liên lạc lại với tôi. Lần này anh không nhắn tin mà trực tiếp gọi điện: "Cô bé, nói đi, anh nghe đây!"

Tôi ngơ ngẩn cả người, một phần vì giọng nói trầm ấm mà dịu dàng của anh, một phần vì không biết anh muốn nghe mình nói điều gì.

"Em đã nhắn tin rõ ràng cho anh rồi còn gì! Em được tổng điểm là năm mươi hai nhé, mười điểm Toán, chín điểm Văn đấy! Quan trọng là môn Vật Lý em được sáu điểm cơ, anh còn muốn nghe gì nữa..."

"Nói việc mà em muốn anh làm ấy!" Có lẽ anh cảm thấy tôi nhí nhéo rất nhức đầu, nên mới hỏi thẳng thắn như vậy.

"Có thật là việc gì anh cũng đồng ý không?"

"Tất nhiên, anh đã hứa rồi mà!"

"Thế là được rồi, bây giờ em vẫn chưa nghĩ ra. Khi nào em nghĩ ra sẽ nhất định nói với anh", thực ra việc mà tôi muốn anh làm rất đơn giản nhưng cũng rất khó khăn, có điều, bây giờ chưa phải lúc.

"Em phiền phức thật đấy! Anh cứ có cảm giác như mình là người mang nợ vậy."

"Đúng thế, anh nợ em! Thế nên anh không được rời khỏi tầm mắt của em, nếu không, em sẽ thuê xã hội đen chuyên đòi nợ thuê đến dằn mặt đập phá nhà anh!"

"Cô bé ngốc, anh đã muốn trốn nợ chẳng lẽ còn ở nhà chờ em thuê người đến đập sao?"

Tối hôm đó, tôi nghe tiếng anh cười qua điện thoại, cười thật thoải mái, vui vẻ. Tiếng cười của anh êm đềm vang mãi bên tai, ru tôi vào giấc ngủ.

Tuy chân tôi đã hoàn toàn bình phục, có thể tự đi xe buýt, nhưng nỗi ám ảnh của vụ tai nạn khiến tôi không còn dũng khí để bước lên cái phương tiện giao thông công cộng được xã hội khuyến khích ấy nữa. Ngày nhập học, Hiếu đến đón tôi. Một ngôi trường hoàn toàn xa lạ, những gương mặt hoàn toàn xa lạ, những kiến thức hoàn toàn xa lạ. Cấp ba, quãng thời gian mà ai cũng mơ ước, ai cũng hoài niệm, ai cũng luyến lưu.

Tôi đã từng tưởng tượng hình ảnh của mình trong chiếc áo dài trắng, tưởng tượng ra những cậu bạn mặc sơ mi trắng dưới những chùm phượng vĩ đỏ chót cùng sức sống mãnh liệt của tuổi thanh xuân.

Thật không ngờ, những năm tháng cấp ba của tôi quả thật rất đáng nhớ, nhưng có lẽ đau khổ nhiều hơn niềm vui.

Lúc đến cấp ba, tình hình học môn Vật Lý và Hóa của tôi vẫn cứ tồi tệ như vậy, thi thoảng có thời gian rảnh, Hiếu vẫn tới kèm thêm cho tôi. Khi nào anh bận thì chúng tôi liên lạc qua điện thoại, tin nhắn. cũng có đôi lúc đi chơi, nhưng chỉ là tôi "bám càng" theo anh trai, mục đích chính là để gặp Hiếu. Thi thoảng, tôi cũng rất muốn chủ động rủ anh đi chơi, chỉ hai chúng tôi thôi, tiếc rằng, tôi vẫn chưa đủ dũng khí để làm điều đó.

Tôi nhận được điện thoại của Tuấn, cậu ấy nói là Hiếu đưa số của tôi cho cậu ấy. Tuấn cũng vào được trường mà cậu ấy đăng ký. Cậu ấy cũng được mười điểm môn tiếng Anh. Quả là hai con người thần thánh! Tôi đoán, có lẽ Lan không gọi cho Tuần, bèn thông báo tình hình của tôi và Lan cho cậu ấy biết. Tôi nhận thấy rõ ràng sự kích động trong câu "Thật à?!" của Tuấn.

Vào được cấp ba, phần thưởng của tôi và Lan là hai chiếc xe đạp điện. Thế là tôi có thể thoát khỏi bóng ma của chiếc xe buýt kia.

Khi tôi và Lan vừa đến cổng trường thì đã thấy Tuấn đứng ở đó. Cậu ấy đi chiếc xe địa hình trông thật cân xứng với vóc dáng to cao và khỏe khoắn. Tuấn chỉ gật đầu chào tôi, rồi đi đến trước mặt Lan.không đợi cô ấy mở miệng, cậu ấy đã nói: "Tôi biết cậu được mười điểm, tôi cũng biết cậu đã biết tôi cũng được mười điểm. Cậu đang muốn trốn tránh tôi. Nhưng không sao, tôi không vội. Tôi sẽ đợi cậu, bởi vì tôi tin Lan không phải là một người nuốt lời."

Nói xong, Tuấn lên xe và phóng đi rất nhanh. Tôi đang lo lắng không biết cậu ấy có bị muộn học không thì thấy Lan đã quay xe và đuổi theo cậu ấy. Nhưng tôi vừa cất xe xong, đang định đi lên lớp thì đã thấy cô ấy quay lại. Nhìn vẻ mặt Lan, có lẽ là không đuổi kịp Tuấn rồi. Tôi vỗ vai cô ấy xem như an ủi, rồi nói:"Hãy chủ động gọi điện cho cậu ấy đi!"

Thế hệ học sinh bây giờ, vào đến cấp ba là muốn người khác coi mình như người lớn, nhưng lại vẫn chưa đủ lớn để nhìn thấy những mảng tối của cuộc đời. Trong mắt chúng tôi, cuộc sống toàn những sắc màu rực rỡ, y như những khát khao và mơ ước của chúng tôi đối với cuộc đời. Trong con mắt của những cô cậu học trò, "người lớn" là phải được quyền tự chủ, quyền tự do quyết định, đặc biệt là quyền được yêu, thứ tình yêu nam nữ điển hình trong xã hội, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy những lo toan, những gánh nặng, những trách nhiệm mà một người trưởng thành phải gánh vác. Chính vì thế, những rung động đầu đời mới nên thơ, mới đẹp đẽ làm sao! Những rung động ấy theo thời gian có thể sẽ phát triển thành tình yêu, cũng có thể mãi mãi chỉ dừng lại là những rung động của thuở ban đầu mới biết lưu luyến ấy, nhưng chúng luôn đi cùng với khao khát trưởng thành của mỗi cô cậu học trò ở tuổi ấy. Đôi lúc tôi tự hỏi, tình cảm mà tôi dành cho Hiếu phải chăng cũng chỉ là những rung động thoáng qua như thế? Nhưng tôi nhận thấy rõ rệt rằng nó ngày một mãnh liệt hơn.

Có lẽ tôi có thể hiểu được phần nào tâm trạng của Tuấn. Ở lứa tuổi như chúng tôi bây giờ, để có cảm xúc rung động mãnh liệt như vậy không phải khó gặp, khó ở chỗ là làm sao để mọi người có thể tin tưởng và tôn trọng những cảm xúc ấy. Cũng chính vì thế, tôi lại càng cảm thấy trân trọng và cảm phục Tuấn hơn. Sự nhẫn nại, tình cảm cố chấp mà cậu ấy dành cho Lan khiến tôi ngưỡng mộ. Tôi không dám chắc, đối với Hiếu, mình có thể kiên trì và mạnh mẽ được như Tuấn hay không.

Chiều hôm ấy về nhà, Hiếu đến chơi nên tôi đã kể cho anh mọi chuyện. Tôi thấy anh lắng nghe một cách hứng thú, thi thoảng còn gật gù ra vẻ rất tán thưởng. Tôi bảo anh đoán xem liệu Lan có gọi điện cho Tuấn hay không, anh chỉ cười. Không biết có phải tôi lại ảo giác không, nhưng tôi cảm thấy, khoảnh khắc ấy, dường như anh đang nhớ về một chuyện thú vị nào đó, rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của tôi: "Anh rất hiểu tâm trạng của Tuấn lúc đó!"

Trong lòng tôi liền có cảm giác hụt hẫng. Anh cũng từng tỏ tình trực tiếp với ai đó hay sao?

Tôi dè dặt hỏi: "Anh có kinh nghiệm à? Thế người ta có nhận lời anh không?"

Lần này thì anh cười thành tiếng một cách sảng khoái, tiếng cười đặc biệt chỉ thuộc về riêng anh, mới có thể khiến tôi chăm chú lắng nghe đến thế.

Sau đó, anh lại véo mũi tôi rồi lảng ngay sang chủ đề khác: "Bài vở của em thế nào rồi? Quậy gì thì quậy, đừng có quên học là được. Không đến lúc thi đại học mà hỏng kiến thức thì không thể lấp bù cấp tốc như cấp hai được đâu."

Anh biết không, anh đúng là một ông già làu bàu chính hiệu, một ông già thích làu bàu nhưng cũng rất đổi ngọt ngào!  

Chờ Em Mười Tám (Celia Nguyễn)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ