"Lập-Gioòng"*

253 4 0
                                    

* Tiếng Pháp là nhà tù theo giọng bồi.
                        --------------------
Anh em trong trại cơ đứng xúm xít xung quanh chú quyền Ván-cách và nói:
- Thế nào? Toa phải phạt nặng thế à?
- Nặng lắm. Nhưng mình có lỗi, thì kêu ca làm gì? Có gì đâu, đêm hôm qua đằng này đi tuần với thầy quản, vào mé rừng làng Cổ Tích. Lúc tang tảng sáng, có một người đàn bà thu thu cái gì trong bọc, ở đằng kia đi lại. Người ấy thấy thầy quản và tôi, thì vùng té chạy. Thầy quản nghi tình, mới hô đuổi theo, và bắt đứng lại để khám. Thì ra con mẹ ấy...
- Khoan, con mẹ ấy mặt mũi có khá không?
- À chà, sộp phải biết! Hai con mắt nó mới lẳng làm sao!...
- Thôi được. Con mẹ ấy tại làm sao mà chạy?
- Lúc nó bị bắt, thì tay nó cầm một chai thuốc phiện lậu! Nó van lạy thầy quản xin tha và hứa sẽ biện chè lá.
- Nó khấn bao nhiêu?
- Nó khấn thầy quản một chục đồng và đằng này năm đồng.
- Hoài của! Thế mà thầy quản không nhận! Giá phải tay tớ, thì tội gì, tớ nắm lấy xu tiêu rồi thả băng.
- Các anh phải biết thầy quản thẳng lắm. Tôi còn thấy trong túi nó có mấy cái giấy năm đồng nữa, gói vào một cuộn, mà chính lúc nó giở ra, thầy quản cũng biết, nhưng thầy vẫn nghiêm nét mặt như không.
- Phải! Làm việc quan thế mới được, chứ như anh em mình, chưa thấy tiền đã híp mắt lại, thì còn pháp luật gì! Thế rồi làm sao?
- Nó khấn thế nào thầy quản cũng không nghe, cứ khăng khăng một mực hét trói để giải về trình quan.
- Thế thì làm sao nó lại trốn thoát?
- Đã trói nó đâu. Con mẹ ấy quấn tóc trần, thành ra không có gì để trói. Thầy quản nhìn trước nhìn sau rồi bảo nhỏ tôi: "- Này chú Ván-cách, con mẹ này khôn ngoan lắm, ranh mãnh lắm, thầy trò ta phải coi chừng! Chú mình phải chịu khó vào rừng, tìm cho được cái dây hay cái dây leo nào rõ chắc chắn, để trói nó. Vì xem ra nó khỏe lắm. Giải không, lỡ nó chạy trốn mất".
Tôi chạy vào rừng. Còn một mình thầy quản giữ nó, ác quá, cái rừng ấy lại chỉ có cỏ tranh. Tôi quanh quẩn mãi, chẳng kiếm được một sợi dây nhỏ nào. Quay lại nhìn, tôi vẫn thấy thầy quản trông theo, nét mặt ra ý tức giận. Rồi thầy hỏi:
- Thế nào? Đã có dây chưa, sao lâu thế?
Tôi đáp:
- Thưa thầy rừng tranh, khó kiếm dây quá.
Thầy quản bảo:
- Thế thì sang rừng bên kia mà tìm vậy chứ? Sao chú ngốc thế? Đi mau lên!
Thực ra, từ thuở cha mẹ đẻ ra, lần này tôi phải bữa vất vả là một. Tôi chui chỗ nọ, tôi luồn chỗ kia, lúc thì rúc, lúc thì bò, mãi mới kiếm được dây về. Song, tôi chỉ còn thấy thầy quản đứng trơ khấc một mình ở đó. Thoạt thấy tôi, thầy hầm hầm nét mặt, vừa giơ đồng hồ, vừa gắt:
- Chú không được việc gì cả! Chim gái thì thạo lắm. Chú ngủ ở trong rừng hay sao? Hơn một tiếng đồng hồ mới kiếm được dây. Thôi, con mẹ nó trốn mất rồi!... Chú không nhớ rằng tôi đã bảo con mẹ ấy tai quái, khỏe mạnh à? Chú để một mình tôi canh nó, nên nó trốn thoát! Được rồi, tôi "lập-bô" cho chú, chú sẽ phải "lập-gioòng"!
- Làm sao đằng ấy không xin thầy quản ngay?
- Sao lại không xin? Nhưng tính thầy quản nghiêm khắc, còn ai lạ? Đến ngay như lúc ấy, tôi mệt quá, xin vào ngồi nghỉ ở túp hàng nước cạnh đấy, mà cũng không được. Thầy bảo: "Thôi, đã có ai dọn hàng đâu mà vào nghỉ. Chú phải về ngay, nếu chú tìm được con mẹ ấy, thì tôi tha cho chú."
Cha mẹ ơi! Biết nó trốn đằng nào tìm bây giờ! Thôi đành chịu "lập-gioòng" cho xong chuyện vậy...
Ván-cách nói đến đây thì vừa đến giờ chịu phạt. Chú phải mặc quần áo chỉnh tề, quấn xà cạp, đeo bao đạn, bồng súng cắm lưỡi lê, đi xung quanh bờ giếng. Cách hình phạt ấy, làng "ắng đê" ta gọi là "lập-gioòng"
*
Nghe câu chuyện của chú quyền Ván-cách nói, ta cũng đã hiểu tại sao chú phải phạt rồi. Vì lỗi chú đi lâu quá, đến nỗi thầy quản đồn một mình không giữ nổi cái con mẹ khôn ngoan mạnh khỏe kia, để nó xổng mất. Nhưng tưởng thầy quản đồn cũng lực lưỡng nhanh trí lắm đấy chứ, tại sao lại để cho con đàn bà nó đánh tráo được cả người lẫn tang vật?
Nhà tiểu thuyết chẳng muốn để chỗ thủng ấy vừa chỗ cho độc giả đánh dấu hỏi. Vậy xin kể cái miếng võ nó rình đánh vào chỗ yếu của thầy quản, và mưu mẹo nó lừa ra sao.
Nguyên thầy quản trông thấy rừng tranh, có lẽ biết là hiếm dây, nhưng cũng cứ sai Ván-cách tìm. Thầy nhìn theo Ván-cách, cứ thấy anh chàng vơ vẩn kiếm quanh ở đó, nên thầy mới bắt phải sang tận rừng bên kia mà kiếm cho được cái dây chắc chắn để trói.
Lúc Ván-cách đi khuất, thầy quản mới quay lại người đàn bà, cau mặt mà gắt:
- Mày mang thuốc phiện lậu, phen này thì ông cho ngồi tù.
Con mẹ thấy lòng thầy quản thẳng như nòng súng, rắn như hòn đạn, khấn tiền cũng không thèm, thì không biết làm thế nào được. Nhưng nó cũng cứ lạy van hoài:
- Lạy quan lớn, ngài tha cho con.
- Tha! " Tăng xương"! Coi thì mày chết, con ạ. À, tao biết, mày vẫn còn nhiều đồ quốc cấm giắt ở trong mình...
- Lạy quan lớn, con là đàn bà, làm gì dám mang những thức ấy.
- Mày không đánh lừa nổi ông. Đàn bà mang những vật ấy mới dễ. Giơ hai tay lên, ông khám.
Con mụ sợ hãi, chắp hai tay lại rối rít. Thầy quản quắc hai con mắt, dọa báng súng vào ngực nó:
- Mày có giơ tay hay không thì mày bảo?
Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
Túi bên trái: bốn đồng trinh.
- À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.
Túi trên: hai hào.
- Hào giả hay thực đây? Tao phải mang về trình quan mới được.
Con mẹ ấy toét mồm ra cười.
Túi trong: cuộn bạc giấy.
- Mày làm gì có nhiều tiền thế này? Hẳn là tiền buôn thuốc phiện lậu. Tang vật này, tao phải mang lấy. Còn đồ quốc cấm, mày giắt ở đâu? À, con này ranh quái quá! Tao phải khám cẩn thận mới được. Còn túi nào nữa không?
Thầy quản lại bắt con mẹ phải giơ thẳng tay lên, không được cựa. Thầy khám, khám mãi, mãi... Trước thì con mẹ rúc rích cười. Dần dần, thầy quản quăng cả súng ra bên đường để khám cho khỏi vướng, và cũng rúc rích cười. Rồi con mẹ cười ngặt cười nghẹo.
Ấy thế rồi thầy quản, miệng thì ha hả, đầu thì gật gù, tay thì lôi kéo, bắt con mẹ vào trong túp hàng nước, có lẽ để khám cho kỹ hơn.
Đó, nguyên do vì thế nên con mẹ mới trốn thoát. Nhưng xin các ngài giữ kín hộ, đừng nói chuyện với ai!
11-12-1930

Nguyễn Công Hoan- Tuyển TậpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ