Tấm giấy một trăm

206 8 0
                                    

Chọn được hàng vừa ý, bà chủ bảo gói lại và ra quầy chờ để trả tiền. Nhưng ồ lạ, bà mở ví ra, tìm, tìm mãi. Không biết tấm giấy một trăm vương đâu? Bà lại tìm, bỏ riêng từng thứ để ở trong ví ra tìm. Chiếc mùi soa này. Quyển lịch con này. Bảng giờ ô tô ca này. Hộp phấn này. Ống son này. Vân vân. Bà rũ tung chiếc mùi soa, giở từng tờ trong quyển lịch. Còn trong ngăn con thì cố nhiên không có rồi. Ngăn ấy, xưa nay bà chỉ đựng toàn hào xu. Vì hào xu cần đến luôn, nên để riêng như thế cho dễ tìm. Vả lại ngăn ấy năng bị mở, bà không muốn để bạc giấy, nhất là giấy to, vì bà vốn kín đáo.
Tìm tòi một chập, bà ngẩn người ra để nghĩ.
Phải, có, bà có mang tiền đi. Mà quên sao được thứ cần thiết nhất ấy, khi bà cần sắm mấy thứ hàng mới để mặc nực. Bà nhớ lắm, bà nhớ kỹ lắm. Vả nếu không để mở két lấy tiền, thì lúc ấy, bà vào buồng giấy ông làm việc gì?
Bà nhớ rằng trong tập mười lăm tờ giấy trăm, bà chọn tờ mới nhất. Và thấy bà làm lẻ loi tập giấy lớn, ông có bảo bà là nên mang giấy lẻ. Nhưng bà không nghe, vì ngại nặng. Hay vì tính lơ đễnh, bà lại để nguyên tờ giấy trong két mà không cầm đi như bận nào chăng? Không phải. Bà nhớ đích rằng bà gấp nó làm tám, bỏ dưới cái mùi soa. Thì lúc xe qua Bờ Hồ, bà mở ví ra soi gương lại, còn trông thấy nó. Thế nghĩa là bà có mang tiền, chứ không quên ở nhà. Thôi thôi - nghĩ đến đó, bà lại ngẩn người ra - khi gần đến Tràng Tiền, bà có rút khăn ra để thấm mồ hôi và chấm thêm tí phấn, thì muốn chừng trong khi vô ý, bà lôi cả tấm giấy bạc, và đánh rơi ra ngoài mất. Phải, chỉ có thế mới có thể mất được. Chứ từ lúc vào hiệu đến giờ, bà chưa hề mở ví. Lúc nào bà cũng cầm nó ở tay, thì không có lý nào mất bạc ở đây được.
Người bán hàng chờ bà trả tiền. Nhưng bà còn ruột gan nào nữa. Bà đành nói thực:
- Tôi bỏ vương đâu mất tờ giấy trăm. Thôi để lần khác vậy.
Thấy bà là khách quen, người chủ đáp:
- Bà cứ mang hàng về, lúc nào trả cũng được.
Nhưng như mất thần trí, bà lẩm bẩm một mình:
- Đích là thế.
Người chủ nhắc:
- Bà thử tìm lại trong ví xem. Bà mất tiền ở đâu, chứ không phải ở đây.
Bà lại vừa loay hoay tìm lần cuối cùng, vừa nói:
- Thế thì đánh rơi ở xe.
Sau khi lục soát ví một lượt nữa - và cố nhiên cũng vô ích - bà vẩn vơ, lững thững đi ra.
Tấm giấy bạc ấy, đích là nó theo khăn mùi soa ra ngoài, chứ không còn cách gì khác nữa. Nhưng nó ra ngoài, rồi nó rơi đi đâu! Rơi xuống đường? Thôi nếu thế thì đành mất. Rơi trong xe? Cũng chẳng có hi vọng gì còn. Mà từng kia cái xe, biết bà đã đi cái nào? Khốn nỗi, phu xe lại chẳng chạy giật lùi cho khách nhận mặt. Sau lưng, người nào không giống người nào.
Bà đứng dừng lại để nghĩ. Phải, còn một hi vọng cỏn con nữa, là bà cố nhớ xem lúc rút mùi soa ra là lúc xe đến đâu, thì tới đó mà tìm ở đường, may ra món tiền chưa lọt vào mắt một người tham lam nào chăng. Hình như lúc ấy xe đã khỏi tòa Đốc lý. Phải đích rồi, trước cửa nhà Dây thép.
Bà rảo cẳng, mắt chăm chắm nhìn vào chỗ bà nghi đánh rơi tiền. Đến nơi, bà rẽ hẳn ra giữa đường, đi thong thả từng bước, cúi mặt, đưa mắt sang bên phải, rồi lại bên trái, rồi lại bên phải, rồi lại bên trái. Và khi tới quá tòa Đốc lý, bà lại quay trở lại, tìm một lượt nữa, kỹ càng hơn.
Đến khi thấy rằng mặt đường nhựa vẫn nhẵn như chùi và từ nãy đến giờ, kẻ qua người lại hàng trăm hàng nghìn, bà mới thở dài, chán nản.
Mồ hôi lấm tấm trên mặt và trên lưng áo. Nó chảy thành giọt trên gáy và trong nách bà. Bà đã bực mình, lại bực mình thêm. Song, chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến trang điểm, bà đứng cạnh gốc cây có bóng râm, mắt vẫn chăm chắm vào chỗ mà bà nghi rằng mất của.
Một ngọn gió mát thổi hây hẩy. Bà mắm đôi môi thắm lại để băn khoăn và tiếc tiền.
Một trăm đồng bạc, đối với bà, tuy chẳng vào đâu, nhưng không được tiêu nó mà mất, thì ai không tức. Thà rằng thua một canh hàng nghìn, bà còn được cái thú mở bát. Thà rằng thưởng cho bọn thợ, bà còn được tiếng là nhân từ. Nay vì lơ đễnh bà mất ở giữa đường, không thể tra hỏi vào đâu cho bõ tức được. Một trặm bạc này, chẳng vào đâu thực. Hàng ngày, chồng bà có thể thu hơn ngần ấy lại. Bà có thể lấy giấu giếm ông cũng nổi vài trăm.
Bà có thể một buổi, vặn chậm đồng hồ ở xưởng lại năm phút, chỉ năm phút thôi, là đủ thu lại xấp xỉ món tiền bị thiệt. Nhưng gì thì gì, bỗng không, mất một trăm đồng bạc, mất biệt tăm, biệt tích, thì dù có là chủ nhà ngân hàng, chủ sở mỏ mỗi năm lãi hàng vài mươi triệu cũng phải nghĩ ngợi, cố tìm cho ra, nữa là bà, chỉ là vợ ông chủ xưởng dệt. Bà giận mình vô tâm.
Cho nên, đứng ở giữa đường đi lối lại, bà cũng chẳng nhìn thấy ai. Bà thần người, cố nhớ lại một lần nữa từng ly từng tí, từ lúc mở két đến lúc biết tiền mất, xem còn có thể gặp một tia hi vọng nào khác chăng.
Bỗng mắt bà long lanh sáng. Bà đã có một ý hay.
Phải. Hay là tờ giấy bạc ấy còn vương trong xe.
Hay là thế chăng?
Chỉ có thế, bà mới có thể tìm ra được.
Một tờ giấy gấp làm tám. Nó nhỏ, nó nặng. Vậy nó không thể bay được. Sàn xe lại trải thảm. Vậy nó không thể lọt xuống đường.
Hay tiền còn ở trên xe?
Biết đâu đấy?
Nhưng xe nào? Cái kia? Cái kia? Không thể nhận ra được. Mà nếu gặp người phu xe thực thà hoặc ngu ngốc thì bà có thể lấy lại số tiền. Chứ mà phải hạng gian xảo, thì thôi đành. Mà hi vọng sự thực thà ở quân phu xe! Đó là một sự đại vô lý. Trăm thằng nhà nghèo, thằng nào không có tính ăn cắp? Tự nhiên, suy cách làm việc của chồng, bà càng tin lời xét đoán ấy là chí lý. Phải, ông chủ nọ, ông chủ kia, kiếm tiền dễ như bỡn còn chẳng tí chút thực thà nữa là. Thấy đồng tiền đến thánh cũng híp mắt, nói chi người phàm tục như bọn mình, nói chi bọn nghèo khổ?
Bà thở dài. Bà mong anh phu xe kéo bà ban nãy là hạng người có những ước muốn na ná ông Thượng Phạm, ông Hường Hà, ông Chủ báo Nguyễn. Nghĩa là biết xem báo và hiếu danh. Biết xem báo, hẳn là anh ta đã thấy bạn đồng nghiệp của anh trong Trung Kỳ, vì thực thà mà được Triều đình ban thưởng ngân tiền. Hiếu danh, hẳn anh ta đến nộp tấm giấy trăm ở Sở Cẩm để xin tư phẩm hàm. Bà chỉ sợ anh phu xe ấy cao thượng hơn ông Thượng Phạm, ông Hường Hà, ông Chủ báo Nguyễn. Bà chỉ sợ anh ta lại khôn hơn các ông này coi tiền để tiêu hơn tiền để đeo. Song, bà cho là ở đời này, nhất ở nước mình, giết sao cho chết tiệt giống hiếu danh.
Thế là bà đi đến Sở Cẩm, với một tấm lòng tin ở sự hiếu danh hơn là sự thực thà của người đời.
Phải, nếu không, bà có thể trình việc mất tiền này để nhờ nhà chức trách tìm hộ.
Chợt bà dừng lại, mắt như nẩy ra một tia sáng.
Bà có một điều rất hệ trọng giúp đỡ cho Sở Cẩm và Sở Mật thám, mà bà quên mãi: Đó là số xe.
Từ nãy, bà đâm quẫn trí, nên không nghĩ đến. Bà đã nhớ cả tên hiệu lẫn số xe bà đi. Những chữ ấy, lần này tự nhiên bà đã để ý đến. Chứ mọi khi, ai hơi đâu nhớ những cái lặt vặt ấy. Lúc ấy, ở trên xe, qua Hàng Đào bà thấy đôi xăng đan kiểu mới của một bà gặp ở đường nên bà nhìn xuống chân bà, rồi ngắm mười móng nhuộm đỏ như son. Chợt ánh nắng làm lóe cái biển đồng số xe bầu dục đóng gần đó, cũng làm bà chói mắt. Thì bỗng bà trông đến số xe. Mọi lần, những con số, bà có nhớ bao giờ đâu. Nhưng số xe này lại trùng với số nhà bà, nên bà không học cũng không quên được.
Vậy thì xe ấy số 56, hiệu L.
Đó, manh mối vụ tìm bạc. Nó là đầu mối chỉ rối. Tìm thấy nó, sự gỡ sợi rất dễ và rất nhanh.
*
Anh L.56 đang rảo cẳng kéo xe không đi phố Hàng Gai. Cách kiếm ăn của anh chẳng khác gì cuộc đánh bạc. Nó do sự ăn may. Lúc này anh cũng chỉ dám mong ở sự tình cờ có khách gọi. Cho nên, trừ khi đã kiếm đủ tiền thuế, còn lúc nào anh cũng phải vội vàng. Chân tuy bước chân ở đây, nhưng tai và mắt anh để tận chỗ đâu đâu kia. Và tuyệt vọng ở hiện tại, anh hi vọng ở tương lai. Nghĩa là, biết đâu, đằng kia, phố kia, có người sắp ra đường cần xe chăng. Cho nên, khi ta thấy anh L.56 còn kéo xe không đi một cách vội vã thế kia, ta có thể đoán rằng anh còn đói khách lắm.
Từ sáng, anh mới làm có ba chuyến, được vẻn vẹn hào rưỡi. Anh mong trời cứ nắng nữa lên, nắng to vào, để, tuy phải vất vả, nhưng dễ kiếm khách.
Hết phố Hành Gai, anh rẽ sang phố Hàng Hòm, về Hàn Đàng, rồi ra Hàn Ngang. Thì thình lình có người gọi. Anh sửng sốt dừng lại, quay cổ nhìn. Song, than ôi, người ta gọi không phải để thuê anh, mà để khám anh.
Bốn thám tử ở bốn phía ập lại. Bà chủ xưởng dệt đến gần anh, nói:
- Đúng xe này, các ông ạ.
Anh xe đương ngơ ngác, chưa hiểu sao. Bỗng một thám tử hỏi:
- Hồi chín giờ sáng, anh kéo bà này lên Tràng Tiền phải không?
- Vâng.
- Sau anh kéo ai nữa?
- Thưa ông, một ông từ Gô-đa về Hàng Bông.
- Anh có nhớ nhà người ấy chứ?
- Vâng.
- Được. Bà này đi xe anh lúc sáng, trong khi mở ví ra lấy khăn mùi soa, có đánh rơi tấm giấy bạc một trăm, anh có bắt được không?
Anh ngẩn ngơ nhìn. Bà Chủ tiếp:
- Có bắt được thì anh đưa lại tôi, tôi thưởng cho anh đồng bạc.
Thám tử nối lời:
- Mà không trả, thì sẽ bị tù tội.
Anh xe sợ hãi, thật thà thưa:
- Tôi chẳng bắt được tiền nong nào cả. Bà thử tìm lại xem. Hay bà lơ đễnh bỏ quên ở đâu. Bà đừng ngờ oan tôi.
Thám tử cười:
- Trăm thằng, thằng nào cũng có một lối nói. Bà ấy có quyền lơ đễnh, nhưng hễ mày lấy thì phải tù.
Bà chủ dỗ:
- Anh trả tôi, chẳng những được thưởng tiền, mà biết đâu, Nhà nước không thưởng mề đay cho anh.
Thám tử lắc đầu:
- Với quân này, không thể ngọt ngào được.
- Mày có lấy không? Không thì, a- lê, đi!
- Lạy thầy, con không biết gì cả. Hay cái ông ở phố Hàng Bông bắt được chăng, thì con không biết.
- Không nói lôi thôi. Hễ tao khám mày không có tiền, thì mày chỉ cho tao nhà người ấy. Không có thì mày về Sở.
Anh xe quả quyết đáp:
- Vâng, thầy cứ khám.
Bốn người quây vào anh để nắn. Những nơi rất bí mật anh vẫn giấu tiền, đến cai cũng không tìm ra, nhưng thám tử đều lục đến cả.
Bà chủ đứng chứng kiến cuộc khám sát. Bà hi vọng lắm. Bà hi vọng, vì tin ở sự nhanh nhẹn của các nhà chuyên trách, tin ở số bà không bao giờ gặp sự chẳng may, và nhất là tin ở tính ăn cắp của bọn nghèo.
Thám tử khám hết người, mới lục lọi đến xe.
Thì họ chẳng mất công lâu. Chiếc đệm vừa nhấc lên, tờ giấy trăm gấp tám đã rơi vào trong hòm xe, như để chạy trốn.
Anh xe rú lên một tiếng kinh ngạc. Và bà chủ cũng reo lên một tiếng vui mừng.
- Cái gì đây?
- Lạy các thầy, con không biết tiền nào. Giá con tham tâm, thì con lấy rồi. Chắc bà ấy đánh rơi, nó mắc vào đấy, chứ con không định bụng lấy.
- Mặc kệ! Đồ ăn cắp! A-lê!
Sau câu giản dị ấy, anh xe bị xích tay và giải đi.
7-1939

Nguyễn Công Hoan- Tuyển TậpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ