- Thanh!
- Dạ!
Trong nhà hôm nay tấp nập như mở hội. Me cho phép cả sáu cô ra Đồ Sơn. Ngay từ bảy giờ sáng, sáu chị em đã gọi nhau choàng cả dậy. Các cô kệ cho đôi mắt đỏ gay nó bốc hỏa, các cô tranh nhau rửa mặt, rồi thi nhau trang điểm. Mùi phấn, mùi nước hoa thơm phức cả nhà. Mỗi cô chọn một màu áo, rồi ngắm hết cho mình, lại ngắm cho nhau.
Chung quy chỉ chết một mình con Thanh. Đã bận, lại thêm tíu tít. Mới gánh được một gánh nước, cô Diễm đã gọi giật:
- Thanh!
- Dạ!
- Hãy để thùng vào trong nhà, đem giấy này lại đằng cô Vân mượn cho tao cuốn tiểu thuyết đã.
Nó nhặt bức thư ở bàn. Thế là tất tả chạy. Loáng một cái, nó đã mang quyển sách bìa nát nhàu về.
Vừa lúc đó, cô Tuyết sấn lại nó, và quát:
- Thanh! Mày làm ăn thế nào mà chả có giọt nước nào rửa chân thế! Muốn sống đi gánh nước về mau không?
Con Thanh chẳng nói chẳng rằng, lại đặt đòn gánh lên vai.
Rồi đến cổng, nó quay lại, thấy vắng người, bèn lẩm bẩm một mình để minh oan:
- Khốn nhưng còn phải mổ gà để nấu cháo.
Đến cửa, chưa ra thoát, nó đã thấy hai chiếc xe hòm vừa đỗ. Một "đội" người nhảy xuống, toàn quần áo Tây, đầu trần. Tiếng gót giày quèn quẹt, đồng thời, tiếng cười nói vang vang.
- Ô kìa, các anh đã đến sớm thế?
Một người giơ cổ tay, trỏ chiếc đồng hồ chữ nhật:
- Y hẹn. Đúng tám giờ. Không sai một phút.
- Thế chúng em xin lỗi các anh nhé. Chín giờ bắt đầu đi cũng được. Xe nhà, sợ gì. Đừng chê chúng em là rùa nhé.
Rồi tiếng cười khanh khách để nhận rằng câu pha trò ấy đậm đà.
- Thanh!
- Dạ!
Con Thanh, lạy Trời Phật, mới đi được đến vệ hè. Nghe gọi, nó quay lại, không thấy ai, lại toan đi cho xong.
- Thanh!
- Dạ!
Nó dừng bước. Cô Nguyệt ra tận hè, chỉ tay vào mặt nó, cong cớn mắng:
- Con ranh đi đâu đấy?
- Con đi gánh nước.
- Sáng sớm chẳng gánh, hễ có khách là sắp lẩn phải không?
Nó đặt gánh, nói:
- Bà sai con gánh nước, nhưng đã có lúc nào đi được đâu.
Cô Nguyệt trừng mắt, để im cho nó cãi, rồi vênh váo hỏi:
- Nhưng bà đang gọi rầm mày ở dưới bếp ấy, mày có biết không?
Bà gọi rầm! Đến cả ông bà ông vải nó ở dưới âm phủ dễ lúc nào cũng phải cố lắng tai để nghe bà gọi và nhắc nó.
Vì ông bà vải nó muốn được yên giấc ngàn năm.
Nó tặc lưỡi, quẩy thùng không mà về.
Khách khứa nhốn nháo khắp nhà. Con Thanh len lén đi, cúi gằm mặt, tránh hết người này, lại tránh người nọ. Nó không dám nhìn ai, cũng không dám nghe ai.
- Thanh!
- Dạ!
- Mày đi đâu?
- Dạ, thưa cô, bà sai con đi mua hạt tiêu.
Bỗng vành khăn nó xổ ra, rồi cả hai món tóc nó bị kéo giật. Nó ngật đầu ngoảnh lại. Một cậu đắc chí, cười hềnh hệch, nắn lại cái cà vạt, nói:
- Gớm, các cô chiêu nhà này kiệt quá, không cho nó được cái khăn nhung cũ. Chó gầy hổ mặt người nuôi!
Nó biết là việc đùa, hết trống ngực, tủm tỉm cười, vừa đi vừa quấn khăn. Nhưng vẫn không dám để tai đến những lời bàn tán về nó, sau lưng nó.
Rồi mặt trời lên cao. Ánh nắng chói lọi. Một mảng áo lưng nó bết vào với thịt. Khi trở về, qua buồng khách, nó bẽn lẽn, ngượng nghịu. Những tiếng nói cười bàn tán vẫn tranh nhau làm loạn nhà.
- Thanh!
- Dạ!
Nó quẳng vội đôi thùng với cái đòn gánh cạnh thạp nước, chạy ra.
- Anh bảo nó mua gì?
Cậu ấy chẳng đáp, lấy tờ báo để quạt, nghiêng đầu ngắm nó. Chẳng trả lời câu hỏi, cậu ấy bĩu môi, nói:
- Nhưng tay nó bẩn lắm.
- Làm gì?
- Nhà có cái bị hay cái hộp nhỏ nào không?
- Có.
Cậu ấy quẳng ra bàn ba xu, bảo nó:
- Mua nước đá. Nhưng không được mó tay vào nhé.
Cô Nhuận nói:
- Chạy lên! Hễ tan hết thì chớ chết!
Nó sợ chết, nên ba chân bốn cẳng, chạy như bay.
Tội nghiệp con bé, khi nó về, trên mặt mũi, mồ hôi nhỏ giọt. Nhưng hai mắt nó sáng long lanh, vì vừa làm tròn được một việc mà không phải mắng. Nó sung sướng, cái vui sướng của nhà nghệ sĩ, nhìn hết người nọ đến người kia.
Cô Nghi khen:
- Thưởng cho con Thanh cái mề đay.
Nó sắp tủm tỉm, thì cô Tuyết đã lên giọng đanh đá, mắng nó:
- Đi mà gánh nước. Chậm như sên! Bà ở bếp ra mà không có gì rửa tay, thì mày ốm đòn.
Bỗng nó nghĩ đến bà - bà nghĩa là những ngọn roi, những câu chửi - nó sợ.
Nhưng cô Ngọc, độ mười ba mười bốn tuổi, ở trên gác, đánh phấn xong rồi, mà mới xỏ được một bên tay áo, đã vội vã chạy xuống, hỏi:
- Con Thanh đã về đấy à?
- Rồi.
- Thanh!
- Dạ!
- Làm gì đấy?
- Ồ! Để cho nó gánh nước, không me mắng cho.
Cô Ngọc ngần ngừ:
- Nhưng mà hãy gượm. Thanh! Đi quàng lên cho tao vậy. Mày ra thợ giặt, bảo nó làm ngay cho tao chỗ này nhé.
Một là con Thanh ngoan, hai là nó nhát, nên nó lại khoàng cả hai cẳng mà đi rõ nhanh.
Rồi nó về, vẻ mặt lo lắng. Nó giao hẹn:
- Thôi, các cô để con quẩy một gánh nước, kẻo bà đánh con nhé.
- Ừ.
- Mau lên!
- À, nhưng Thanh! Tao bảo. Một công đôi ba việc.
- Dạ!
- Mày đi mua cho tao ba xu ô mai. Đằng chua ấy nhé.
Rồi cô Kim nhìn mọi người, chế nhạo:
- Vừa nói đến ô mai chua, cậu nào cậu ấy đã nuốt nước dãi!
Tiếng cười vang cả buồng. Cô Kim mở ví, nhặt chọn cho hết trinh Bảo Đại mới đến trinh Khải Định. Con Thanh chờ. Nó đập bàn chân nọ vào bàn chân kia, cho đỡ sốt ruột.
Rồi nó cầm tiền, nhấc đòn gánh lên vai. Vừa ra đến cổng, cô Hà cười sằng sặc, gọi theo:
- Thanh!
- Dạ!
Nó đứng lại, thở dài, chờ lệnh.
- Mày mua về, phải đưa cho tao.
Cô Kim xua tay:
- Không được.
Một cậu bảo:
- Thanh! Mày cứ đưa cho tao.
Rồi nhao nhao mỗi người một điều. Nó chẳng nghe ra sao cả. Mà hễ bước một bước, thì lại bị gọi:
- Thanh! Phải đưa cho tao!
Chờ các cậu, các cô đùa nhau để mất thì giờ của nó, nó lo lắm. Nó đánh liều, quay bước ra đi.
- Thanh!
- Dạ!
- Hãy về tao bảo!
Nó lại phải thủng thẳng trở lại. Cô Minh nói:
- Chờ đấy, tao lấy tiền, mua thêm năm xu nữa. Thế là ổn.
Rồi cô quay lại mọi người:
- Để tôi đóng vai nhà từ thiện, bố thí ô mai cho cả mọi người.
Tiếng vỗ tay, tiếng cười vang động cả đến nhà dãy phố bên kia.
Con Thanh đứng tựa vào tường, chờ cô Minh đưa tiền, ngắm cái cảnh êm đềm, vui vẻ trước mắt nó. Bỗng một tiếng gọi như gắt ở dưới bếp đưa lên:
- Thanh!
Cô Tuyết trợn mắt, xua tay cho mọi người im, và nhìn con Thanh, hất hàm bảo:
- Kìa! Bà gọi gì mày.
- Thanh!
Tiếng gọi như quát. Con Thanh vội vã:
- Dạ!
Trên nhà, các cô các cậu nhìn nhau, sợ hãi.
Cô Ngọc bảo khẽ mọi người:
- Bà cụ đã nổi tam bành cái gì ở dưới kia kìa. Gớm!
Ai nấy yên lặng. Tiếng léo xéo trong sân làm mọi người ngồi trên ghế, nhu mì và trật tự.
Rồi cô Tuyết rón rén dòm vào sân, thì thấy mẹ, cái đuôi gà ở đầu khăn chỏng ngược lên trời, mặt đỏ nhừ, quệt cái tay áo cánh đẫm những mồ hôi lên trán, tay cầm thanh củi, trỏ vào thạp nước, trợn tròn mắt, rồi phang vào đầu, vào mặt, vào lưng con Thanh túi bụi, để đánh nhịp với những tiếng:
- Lười! Lười! Lười! Lười! Lười! Lười! Lười!...
2-7-1935
BẠN ĐANG ĐỌC
Nguyễn Công Hoan- Tuyển Tập
Short Story"Chúng ta sống để làm gì? Không để ăn ngon, không để mặc đẹp, không để ở sướng, nhưng là để chịu những sự bốc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn, để bước đường c...