Lúc ấy, độ sáu giờ chiều. Một cái ô tô đằng xa chạy lại. Ánh sáng hai ngọn đèn pha chiếu tóe đến tận chân trời. Xe qua cầu, đến trước cái nhà Tây có giậu sắt thì còi bóp ran như ếch kêu và dừng lại. Khi ô tô chưa đỗ hẳn, thì đã thấy con chó nhảy vọt từ trên xuống đất, ngoe nguẩy đuôi, vừa sủa, vừa chồm lên hai người đương bước xuống. Hai người đó, một người là chủ nhà này, còn một người là bạn.
Đèn xe tắt. Cửa xe đóng. Chủ khách bước vào nhà. Họ đều Âu phục, mặc lối đi săn, trên đôi ghệch còn bê bết những bùn, vai đeo súng, tay xách xâu chim nặng trĩu. Con chó chạy trước, vừa chạy vừa quay cổ lại, vừa vẩy đuôi, vừa ẳng.
Chủ mời khách vào xa-lông. Buồng này bầy biện đúng kiểu tân thời, toàn đồ bằng gỗ lát, đánh bóng nhoáng. Tường nhà quét vôi xanh, gạch chỉ xanh, lại được ngọn đèn măng-sông ánh sáng cũng xanh xanh. Cứ trông buồng khách, cũng đủ đoán tất ông chủ nhà này là một nhà giầu, ăn chơi lịch thiệp.
Bà chủ vừa trang điểm xong, ra ngồi đó để tiếp khách. Trên chiếc ghế thứ tư, con chó nhảy tót lên, ngồi chồm chỗm, thè lưỡi, nhìn hết người nọ đến người kia.
Người đời, ai được phú quý cũng hay khoe của. Cho nên, dù khôn ngoan khéo léo hơn người, mà ông chủ nhà này cũng mắc phải cái bệnh ấy. Nay cái dinh cơ này, cái ô tô này, cái bộ buồng khách, buồng ăn này, đối với ông đã hơi là cũ rồi, khoe lắm chán miệng, cho nên ông nói đến cái mới. Cái mới đây, là con chó Lu.
- Ấy, chính nó là giống Bleu d'Auvergne đấy, bác ạ. Tôi mua nó mất ba trăm bảy mươi đồng. Cái người Tây bán nó cho tôi, vì nể tôi lắm, mới để rẻ thế. Cứ kể ra thì những hơn bốn trăm kia! Cũng có con đẹp hơn thế này, những hơn năm trăm. Nhưng kể ra An Nam mà đã dám bỏ ra ngót bốn trăm bạc để mua chó, thì đã là ngông lắm rồi! Vả lại, người mình mấy ai chơi chó sành, cho nên mua con nhiều tiền quá cũng phí mất. Này, bác ngắm kỹ nó mà xem. Giống chó này tai to, mũi lúc nào cũng ướt ướt, chân cao và to, lốm đốm. Ấy, không biết nhận xét thì lầm với giống khác đấy. Con này, tôi chỉ yêu về cái đầu vuông như chữ điền, này, nét ngang đây nhé, nét sổ đây nhé, thần tình không? Cứ lấy thước mà đo, cũng chả sai mấy tí đâu. Lúc đi như thế, cái mắt nó đưa đưa, cái mũi nó ngửi ngửi, trông đẹp đáo để. Khi nào nó đánh hơi thấy chim nấp ở trong bụi, thì nó gục đầu xuống, khẽ ngỏng ngỏng cái đuôi. Thế là tôi biết hiệu. Lúc tôi lắp đạn xong, tôi "chutt!" một tiếng, thì nó chồm ngay vào con chim. Anh chim bay ra, "Pan!" Thôi còn chạy đằng giời! Mười lượt như thế cả mười, chẳng sai một lượt nào!
Lúc ấy, con Lu ngồi trên ghế, đối diện với chủ, chúm chúm cái mõm để nghe chuyện.
- Không những nó săn giỏi, mà giữ nhà, tìm đồ đánh mất cũng tài. Bây giờ bác thử đưa cái kính của bác cho nó ngửi hơi một lúc, rồi bác giấu vào trong vườn, tôi bảo nó tìm cho mà xem.
Được ông bạn cũng là người hâm mộ chó, cho nên thử ngay tài con Lu. Quả nhiên, chưa được năm phút, con Lu đã ngoạm cái kính, ngoe nguẩy đuôi, đưa trả khách. Ông chủ đắc chí, cười ha hả, vuốt ve, vỗ mãi má nó, rồi bế nó vào lòng, hôn lấy hôn để, vui thú như được cậu con hay chữ vậy!
- Tôi nuôi nó cẩn thận lắm. Tôi không dám cho nó ăn dưới đất bao giờ. Cho nên nó quen thói sạch sẽ và khôn ngoan lắm. Thế mới biết cái giống chó Tây nó cũng hơn cái giống chó An Nam mình thực. Chó An Nam thì lông đã xấu, lại hay ăn bẩn, đã ăn bẩn lại hay cắn càn. Lắm bận, nó lừ lừ ở đằng sau mình, rồi đớp trộm ngay một miếng vào quần, mới nan du chứ! Con này, hễ đã lên tiếng thì y như có kẻ gian vào nhà. Nó chồm hẳn lên mặt mà cắn. Thằng trộm nào vô phúc vào nhà này, thì hẳn là mất chỗ đội nón! Nhưng chỉ từ mười giờ đêm trở đi, nó mới sủa mà thôi.
Lúc ấy, cơm bưng lên, để trên bàn ăn. Chủ khách đang mời nhau lại ngồi, thì con chó đã nhảy tót lên ghế, chồm chỗm ngồi trước.
- Con Lu này được cái lễ phép lắm. Tôi dạy mãi mới được đấy. Này, đĩa đồ ăn của nó đây nhé, cơm trộn với thịt, ngon lành thế này, nhưng tôi chưa cho ăn, thì đố có dám ăn. Ngay khuất mắt mình cũng vậy.
Ông chủ cầm đĩa đồ ăn của con chó, mang ra sân đằng trước. Khách và con vật đi theo sau.
Con Lu vẫy đuôi, ra dáng mừng rỡ. Ông chủ để đĩa cơm ở giữa sân. Con Lu cúi cổ xuống ngửi. Nó sắp ăn, thì chủ nó mắng bằng tiếng Tây:
- Tăng xông!
Thấy không được phụng dưỡng tử tế như mọi khi, nó lừ lừ lui ra.
- Ta không cần phải coi. Lúc ta ăn xong, mà đĩa này nó vẫn không dám đụng đến đâu. Thôi, mời bác vào xơi cơm.
Lúc bấy giờ, giá ông chủ có ý một tí, thì chắc đã thấy một vật gì đen đen, lù lù ở ngay ngoài cổng. Đó là một người ăn mày, ngồi bó giò ở đấy, đội cái nón toạc tung cả cạp, đã đóng khố, lại mặc cái áo rách cụt cả tay. Thành ra bốn chân tay khẳng khiu, đen thui thủi, dài ngoằng ngoẵng. Cái bị bẹp há hốc miệng, nằm chờ bên cạnh cái dạ dày lép kẹp.
Người ăn mày chờ đấy từ lâu. Thấy trong nhà lạch cạch tiếng đũa bát, mùi đồ xào theo gió đưa ra, nó gào lên xin, mà cũng chẳng có ai nghe tiếng. Lúc hai người ra sân, hắn lạy van rã bọt mép. Nhưng hai ông còn đương dở bận chơi với chó, không ai để ý đến người.
Người ăn mày biết thế, nên lại cố lấy sức gào to. Nhưng khi cái tiếng hết hơi của nó đập đến màng tai ông chủ, thì ông chủ trợn mắt, hầm hầm quát:
- Làm gì mà nheo nhéo lên thế? Làm át cả câu chuyện của người ta! Bước ngay! Không ông đá cho một cái thì chết bây giờ!
Thằng khốn nạn im thin thít. Chủ khách vào buồng ăn cơm.
Lúc ấy, hai con mắt người ăn xin chòng chọc nhìn vào đĩa cơm của con chó. Hắn thèm quá. Nước dãi chảy ròng ròng, nuốt không kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giầu!
Giá con chó biết tiếng người, hẳn hắn đã lân la đến gần để đánh bạn, rồi kể lể nỗi đói khát, có lẽ, chỗ anh em, con chó cũng động tâm mà lấy tình "nhân đạo", nhường cho hắn đĩa cơm ấy. Hay là vì hắn xù xù ngồi đó, cho nên con chó phải đứng canh chăng? Hắn liền lẩn ra sau cái cột cổng để dòm vào. Một lúc, quả hắn thấy con chó lừ lừ ra nằm chỗ khuất bóng ở cạnh tường.
Được dịp may, người ăn mày đánh liều dồ ra, tiến gần lại mấy bước, vừa đi vừa gừ. Thằng người giương hai mắt nhìn con chó. Con chó cũng giương hai mắt nhìn lại thằng người. Thành ra đĩa cơm ở giữa, người tiến thì chó cũng tiến, người lui thì chó cũng lui. Hai bên hầm hè nhau, người lườm chó, chó lườm người, đều cùng giữ miếng nhau, như hai kẻ thù không đội trời chung vậy.
Cứ như thế, không bên nào chịu bên nào. Độ hơn mười phút, người ăn mày cùng thế, nghĩ ngay được một kế. Tay hắn vớ được hòn đá to tướng, thu thu đằng sau, chạy tọt lại đĩa cơm, rón một miếng rõ nhanh, đút tỏm vào mồm.
Nhưng con chó nhanh hơn. Nó chồm vọt lại, nhảy xổ lên, há mồm, nhe răng ra cắn. Người ăn mày giơ thẳng cánh, nhằm giữa mồm con chó, uỵch hòn đá một cái rõ mạnh. Con chó ẳng lên một tiếng, rồi nhanh như chớp, nó vật được kẻ thù xuống đất, giơ hai chân ra cào mặt và móc mồm. Nhưng nó bị ngay một cái đấm nữa vào đầu. Nó chịu buông thằng người ra, nằm sóng soài, ẳng rầm lên.
Ông chủ đương ăn cơm, nghe tiếng chó kêu, vội bỏ cả bát đũa, lẫn vợ, lẫn khách, cầm đèn, hấp tấp chạy ra:
- Thôi chết rồi! Con Lu làm sao thế này! Ối giời ơi! Nó gãy hai cái răng rồi! Khổ tôi quá!
Thế rồi thét người nhà váng lên, ông bắt bế con Lu vào. Còn mình thì chạy ra cổng xem ai đánh chó. Bỗng ông trông thấy ở đằng xa, có cái bóng đen đen, chạy nhanh tít, ông bèn bấm đèn ô tô để chiếu theo, thì trông rõ người ăn mày ban nãy đương chạy.
Ông tức, nóng ran cả người. Nghĩ thương con chó gẫy hai cái răng, ông nghiến răng, nhìn theo, rồi nhảy tót lên ô tô, mở máy sình sịch:
- À, mày đánh gẫy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!
Nói đoạn, ông tắt đèn pha, phóng xe hết sức nhanh để đuổi theo...
12-1929
BẠN ĐANG ĐỌC
Nguyễn Công Hoan- Tuyển Tập
Short Story"Chúng ta sống để làm gì? Không để ăn ngon, không để mặc đẹp, không để ở sướng, nhưng là để chịu những sự bốc lột của địa chủ tàn nhẫn, những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn, để bước đường c...