Sáu mạng người

161 6 0
                                    

- Thôi, cái quan bằng lòng vậy, để bận khác tôi bảo chúng nó đến cho. Cái quan cứ ngủ lại đây, sáng mai hãy về, kẻo đêm đã khuya rồi, từ đây lên châu, đi đã xa, lại qua nhiều rừng, tôi không yên tâm đâu mà.
Nghe lý trưởng Tưởng thành thực nằn nì, nói bằng giọng kéo dài và ngô nghê như thế, ông châu Phiên lấy đồng hồ ra coi rồi nhìn ra ngoài. Rừng, núi và trời lẫn lộn trong màu đen. Ông hơi nản lòng. Nhưng thử xem còn hi vọng gì nữa không, một lần nữa, ông làm ra dáng giận dỗi, vỗ vai lý trưởng và nói theo lối người Thổ:
- Này, cái quan không bằng lòng thầy Lý đâu nhé. Thầy Lý không biết làm việc. Thầy Lý nói dối quan. Thầy Lý hứa nếu quan đến xem hội thì thầy Lý gọi cho quan những cô gì kia mà. Thế mà chẳng cô nào đến cả. Để đêm khuya thế này, quan phải về không. Ở vùng xuôi, những lý dịch đối với các quan tốt hơn kia. Nếu làng mời quan ngủ lại mà không gọi được cô nào ra hầu chuyện, thì thầy Lý hoặc thầy Chánh phải đem người nhà thay vào kia đấy.
Nói đoạn, ông châu yên một lát, để thì giờ cho lý trưởng Tưởng hiểu thấu cái phong tục đẹp đẽ dưới trung châu, và ngẫm nghĩ cái bổn phận chu đáo của nhà chức dịch đối với quan phụ mẫu. Rồi ông tươi cười, hỏi nửa đùa nửa thật:
- Quan nghe nói thầy Lý có em gái mà?
Lý trưởng lắc đầu, đáp rất tự nhiên:
- Cho nó ra tiếp cái quan cũng không làm sao, nhưng rồi sợ nó quen đi, quan ạ.
Biết rằng không còn nước non gì, ông châu Phiên bảo thắng ngựa, nhất định về.
Đường lên châu lỵ khúc khuỷu, qua những cánh rừng rậm, nhiều đoạn chênh vênh trên khe sâu thẳm. Song, ông tin ở con ngựa ô của ông rất khôn và rất thuộc lối, và hai tên lính cơ lực lưỡng, can đảm, lại có đem cả súng lẫn đạn đi theo hầu. Tuy lần này về Bản Sing, ông chỉ có mục đích xem hội, nhưng ông cũng định tối đến, theo tục lệ, ông sẽ nô đùa với bọn con gái dậy thì lũ lượt kéo nhau ra đường giỡn hát bên ngọn đuốc.
*
Lúc bấy giờ, độ mười giờ đêm, ba thầy trò đã bắt đầu phải chui qua cánh rừng rậm. Lối đi ban nãy còn hơi lờ mờ rõ, bây giờ thì thật đen như mực. Không ai có thể trông thấy gì, dù đã quen làm những việc lén lút. Người ta có một cảm giác khó chịu là bị quây vào giữa một cái màn rùng rợn, chật hẹp, mà tai, mắt, chân tay hoạt động một cách sợ sệt, song vô công hiệu.
Ba con ngựa bổ móng vào những phiến đá, kêu lộp cộp. Thỉnh thoảng, một chiếc lá khô rơi, xào xạc đụng bốn năm bận vào cành. Và xa xa, tiếng tí tách của một dòng nước uể oải chảy từ kẽ đá ra. Ông châu, một tay nắm cương, một tay víu yên, gò người về đằng trước và nhấp nhổm theo nhịp kiệu.
Những cuộc đi đêm vất vả, ông đã từng trải nhiều bận, nên đã quen. Làm chức Tri châu, ông tránh sao được nơi rừng xanh núi đỏ, nước độc, ma thiêng. Song, ông chỉ cố đợi vài tháng nữa, đến kỳ thăng thưởng cuối năm, ông sẽ vận động thăng Tri phủ và xoay về một huyện nào tôn tốt ở trung châu. Lúc bây giờ, ông mới có thể nghĩ đến chuyện làm giàu và sung sướng được. Chứ ở đây, tiếng là quan cai trị, mà quanh năm, ông chẳng xơ múi gì. Dân sự họ sợ uy quyền Lý trưởng hoặc Chánh tổng người địa phương hơn là quan phụ mẫu. Vả ở vào một nơi giáp biên thùy, công việc canh phòng còn khó nhọc và nguy hiểm gấp bội phần.
Rong ruổi trong khoảng tịch mịch, ông châu Phiên bỗng nhớ đến cái chức vụ tịch mịch của mình. Một hơi lạnh thoáng qua, làm ông rùng mình. Ông móc túi, lấy điếu thuốc lá và bật bùi nhùi để hút.
Bỗng ngựa ông đứng dừng lại. Rồi lưng ông bị đầu con ngựa sau húc phải. Ông giật nảy mình, tự nhiên ghê rợn, như có cái gì nó báo trước cho ông một điềm chẳng lành. Trong người ông nóng ran. Ông vội vàng lắng tai và giơ tay trong khoảng tối đen, làm hiệu cho lính, và khẽ nói:
- Đứng lại.
Ba con ngựa cùng dừng bước, thở, vẫy đuôi xoàn xoạt, và giậm chân xuống đất rắn cấc để đuổi muỗi.
Quan quay lại, hỏi lính:
- Có người?
Tức thì hai ngọn súng đã chĩa ngang ra đằng trước.
Mọi người yên lặng để nghe ngóng và chờ đợi. Tiếng xôn xao mỗi lúc một gần. Ông châu ra lệnh khẽ:
- Nạp đạn sẵn.
Gót chân nện xuống đất nghe rõ dần. Một người lính nói thầm:
- Họ nói tiếng Thổ hay tiếng Khách? Đông đấy.
Ông châu ngăn:
- Thôi, im. Xuống ngựa cả, mau!
Rồi ông hỏi to:
- Ai, đi đâu?
Những tiếng xôn xao ở xa tức khắc im bặt. Thấy khác ý, ông châu ngờ vực. Tong bóng tối, ông nhận ra năm sáu cái bóng đen kịt.
Một người lính hỏi lại:
- Ai? Đi đâu? Lấy cả thẻ ra để quan khám!
Lời vừa dứt thì không hiểu làm sao, bọn người đằng trước chạy tán loạn.
Đoán là việc nguy hiểm, ông châu hăng hái, thét:
- Bắn!
Đoành! Ngọn lửa sáng lòe, tiếng vang inh vào các khe núi, kêu vọng dài ra. Tức khắc, một cái bóng đen ngã vật xuống, giãy đành đạch, rên rỉ.
Hai người lính càng phấn chấn, đem hết sức lực, chạy đuổi bọn người gian.
Lại một tiẽng đoành, rồi tiếng đoàng nữa.
Ông châu nắm chặt lưng ba con ngựa, trống ngực đã bớt rộn, ông lên tiếng hỏi:
- Thế nào?
- Bẩm trúng ạ.
Thấy người ngã đầu tiên còn phì phì thở ngay gần đó, ông châu bấm bùi nhùi. Đá lửa bật ra những tia sáng lòe, rọi rõ lối đi. Ông tiến mấy bước, rồi dồn dập hỏi:
- Bọn này mấy đứa?
- Đau lắm tôi làm gì mà bắn tôi?
Chẳng để vào tai những tiếng nói thảm thiết vô ích, ông lại hỏi. Tiếng trả lời:
- Sáu đứa.
Ông nói to, bảo lính:
- Tất cả sáu đứa!
Ngay lúc ấy, một tiếng súng lại nổ ran, vang động cả bốn phía. Rồi tiếng reo:
- Ngã rồi.
Mừng rỡ, ông châu hô:
- Còn hai nữa. Bắt cho kỳ được.
Rồi cúi xuống, ông toan hỏi thêm. Song, người khốn nạn đã ằng ặc giãy, rồi nằm im lịm.
Trời tối quá nên cuộc săn người rất gian nan. Bởi vậy, trong sáu kẻ gian, bốn người chẳng may bị đạn thì chịu gục xuống, còn hai người lẩn lút được. Lính đã hết sức tìm sục mọi nơi, song, không tài nào thấy được. Thực ra, họ trốn không khó gì. Chỉ cần cho người đuổi không trông thấy hút được, là họ nép vào bụi rậm nào đó, thế là thoát. Họ nằm đó cho thật yên. Bởi vậy, hai người lính đã mất công chui rúc cho đến tận tang tảng sáng.
Nhưng khi tầng lá xanh đen đã hơi nổi ra ngoài nền trời màu sữa, thì ông châu bắt đầu hơi ngạc nhiên. Cách người chết nằm không xa, có những đống gì to lù lù. Muốn khỏi ngợ, ông buộc ngựa vào cành cây, đến tận nơi, nhìn cho kỹ.
Bỗng ông nhủn người, run lên, mặt tái mét. Đó là những bó thuốc lá, mà sáu người này có lẽ chỉ là bọn buôn thuốc.
Lương tâm ai chẳng có? Dù làm quan cũng vậy. Thỉnh thoảng, người ta có đôi phút vụt thấy lương tâm hiện ra, mỗi khi biết mình làm bậy. Bởi vậy, ông châu Phiên hối hận việc đã giết oan bốn mạng lương dân.
Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
Ông châu vốn là người có óc thực tế. Hạng người này ít thiên về tình cảm. Nên khi một việc lỡ xảy ra, họ không xoa xuýt, than tiếc, mà phải cương quyết tính ngay cách đối phó sau này. Vì vậy, trong giây phút, ông lanh trí, nghĩ ngay được cách làm thế nào để tránh lỗi với quan trên.
Thì ông làm thế này.
Ông đến tận nơi từng người bị đạn để tra hỏi. Khi biết đích bọn họ chỉ là người Thổ đi kiếm thuốc lá để sáng sớm mai bán tại chợ Bản Sing, ông bèn đốt thẻ của họ đi, và bắt lính trói chặt lại, cho khỏi có người nào còn sức lê đi và trốn thoát. Như vậy, ông có thể kệ họ nằm rên rỉ một mình, không phải bận về canh gác nữa.
Đoạn ông cùng hai tên lính cơ, chia nhau đi các ngả để sục nốt hai người hiện đương trốn.
Ông cao đoán lắm, bảo lính:
- Chúng nó chưa ra khỏi cánh rừng này. Chúng mày cứ trông kỹ vào những chỗ rậm rạp. Tao sẽ thưởng to cho thằng nào có công.
Lúc ấy đã sáng rõ. Ba thầy trò vừa lắng tai, vừa trố mắt, dò từng bước để tìm tòi. Không một bụi rậm nào họ không khua ngọn súng vào. Không một khe đá nào họ không lách lưỡi lê vào. May thay, trời không phụ kẻ có công bao giờ. Chẳng bao lâu, chính ông châu tóm được một người nằm ẹp như con nhái bén dưới một gốc cây đổ. Và một tên lính vồ được người nữa, đương cắm cổ chạy bán sống bán chết trong khóm lau cao.
Bắt sống được hai người cuối cùng, mà hai người này không có thẻ, ông châu mới thực mừng. Ông sai trói gô họ vào gốc cây.
Rồi ông làm gì?
Rồi... đoành! Đoành! Ông chia cho mỗi người một phát đạn, không hơn không kém, để họ đỡ tị với bạn.
Rồi... còn ba người đương ngắc ngoải, ông cũng sinh phúc cho thêm mỗi người một phát, để họ được thoát khổ, mà rủ nhau cả một lượt về suối vàng.
Rồi... khi đã làm cỏ đủ sáu mạng người, ông sai cởi dây trói ra, và phi ngựa về châu. Ông làm tờ khẩn bẩm với quan trên, kể công là đã đi tuần đêm, và ba thầy trò đã giết nổi một toán những sáu đứa... giặc Khách.
Và như thế, ông yên trí về công trạng trị an oanh liệt này, ông sẽ được đặc cách thăng Tri phủ hạng nhì...
                                    1938

Nguyễn Công Hoan- Tuyển TậpNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ