Trà trước thế kỷ thứ 7
Nhờ tác phẩm Trà Kinh mà ta được biết rằng cho đến triều đại nhà Đường (từ năm 618), trà đã là một món uống phổ thông trong quần chúng với một giá thật đắt. Trước thế kỷ thứ 7, trà Trung Quốc đã được các dân tộc láng giềng miền Bắc biết đến. Đối với các dân tộc Tạng, Mãn, Mông... là các dân tộc du mục, hầu như tất cả nguồn năng lượng của họ đều lấy từ nguồn thực phẩm gia súc: Thịt, sữa, bơ... Trái cây và rau đậu gần như thiếu hẳn trong lương thực hàng ngày. Vì vậy, trà tự nhiên đã là một thức uống tuyệt hảo cho họ, ngoài hương vị trà đã trở nên một nhu yếu quan trọng cho vấn đề cân bằng và điều hòa sự dinh dưỡng căn bản (mà ta sẽ thấy rõ chi tiết hơn về hóa tính và dược tính của trà trong chương viết về đề tài này). Có một sự trùng hợp tình cờ là về sau này, nạn thiếu hụt trà là một trong những lý do chính dẫn đến các cuộc quật khởi của các dân tộc du mục này và khiến miền bắc phân chia thành những quốc gia độc lập tách rời khỏi nhà Tống (Nam Tống), giống như trường hợp "The Tea Act" của Anh quốc đánh thuế 3 Mỹ kim đối với mỗi pound trà nhập cảng vào thuộc địa Hoa Kỳ năm 1770 cũng là một trong những lý do khiến dân thuộc địa bất mãn và nổi dậy thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States of America) tách rời khỏi mẫu quốc.
Cho đến những năm đầu đời Đường, người Hoa uống trà còn rất khác lối uống trà hiện nay. Trà lúc đó được nấu chung với hành, muối, vỏ cam quít và một số lá cây có vị the như húng...
Lối trà đắng chát và mặn này, ngày nay còn dấu vết ở lối uống trà của các dân du mục, lẽ dĩ nhiên, đối với dân du mục họ còn bỏ sữa vào trà.
Trà Cụ thời đó cũng chưa định hình, bình thường người ta nấu trà trong nồi đất, siêu đất và đổ ra bát ăn cơm để uống. Đối với giới quý tộc thì lại chuộng chén vàng, chén bạc hoặc dùng các loại bình chén của rượu.
Trà thời nhà Đường (618-907)
Nhà Đường là một triều đại vàng son không những của riêng Trung Quốc mà là một thời đại văn hóa được coi trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Nhân loại trên khắp nẻo đường thế giới và trong khắp lịch sử, chưa một thời đại nào mà giới văn nhân sáng tác được coi trọng bằng thời đại này. Giới học giả Tây phương chỉ ngạc nhiên một phần khi thấy trong những thế kỷ này phần lớn Âu Châu vẫn còn ở thời đại võ biền du mục mà Viễn Đông đã bước vào kỷ nguyên văn trị rực rỡ. Chưa một thời đại nào mà chỉ cần làm được một bài thơ xuất sắc là thi nhân sẽ có ngay một chức quan (Toàn Đường Thi, một sưu tập không toàn vẹn và được chọn lựa kỹ lưỡng đã gồm 48.900 bài thơ của 2.200 thi sĩ, in thành 900 quyển). Chỉ cần vẽ được một bức tranh đẹp là có thể sống ung dung, làm tân khách của các bậc vương giả. Thậm chí cho đến chỉ cần vài chữ của các danh sĩ, ví như đơn thuốc, lá thư vắn tắt nhắn tiểu đồng... đã có thể bán được, đổi được một tiệc rượu thịt (có rất nhiều điển cố, cố sự về những chuyện tương tự...).
Trong thời đó, trà cũng đã tiến lên một nghệ thuật. Trà đã không còn là món uống hổ lốn. Trà đã sánh vai cùng các nghệ thuật cầm (đàn), kỳ (cờ vây), thi (thơ), họa (vẽ tranh)... Uống trà là một "nghề", mà đã là cao sĩ không thể không biết nghệ thuật thưởng thức. Trà được các cao sĩ ca tụng, phẩm chất thanh cao của trà dần dần vượt khỏi "tửu" và cả "kỳ". Trong lăng miếu triều đình cũng như tận chốn đình làng, bàn thờ gia tiên, trà đã trở nên một thức được cúng lễ. Đối với giới đạo gia, thiền gia, cao sĩ, trà còn được coi là một thức uống cao khiết và có nhiều dược tính tốt lành...
BẠN ĐANG ĐỌC
Vũ Thế Ngọc: TRÀ KINH
Phi Hư Cấu"Lời thưa Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người. Người Việt Nam đã uống trà từ nhiều ngàn năm nay, nhưng có lẽ đây là quyển sách đầu tiên viết về nghệ thuật uống trà của Đông Phương bằng...