Chương III: TRÀ DANH (3)

60 1 0
                                    

CÁC LOẠI TRÀ TRUYỀN KỲ

Trong chương này, độc giả đã thấy tôi trình bày về cách làm trà, các loại trà có tiếng xưa nay và nguồn gốc một số danh từ về trà. Chắc hẳn các bạn đều có cảm giác thiếu về một vài loại trà gì quen thuộc lắm.

Quả thật đúng như vậy. Trong sách báo và những lúc trà dư tửu hậu, ta vẫn thấy nhiều vị tỏ vẻ thông thạo kể cho chúng ta nghe về những loại trà truyền kỳ. Nào là Hầu Trà, Trảm Mã Trà, Trinh Nữ Trà... Đúng, chúng ta cần những huyền thoại bởi những huyền thoại đều ít nhiều chuyên chở một phần chân lý, một phần sự thực. Hơn nữa đời sống mà thiếu huyền thoại, thiếu truyền kỳ mà chỉ toàn những việc thực tế, hợp lý, khoa học... thì cuộc đời có lẽ buồn lắm.

Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung là quê hương của huyền thoại. Đặc biệt người Trung Quốc còn có căn bệnh nặng hơn nữa là "đa ngôn đa quá", đặc biệt là trong các loại truyền kỳ, kiếm hiệp. Độc giả đã quá quen biết với các loại ngôn từ quá đáng đại loại như cú đá làm cả núi sập (bạt sơn), đứng bên này núi đánh một cái làm chết con bò ở bên kia núi (cách sơn đả ngưu)... Thưa các bạn, đó cũng là loại "đa quá" khi chúng ta được nghe kể về các loại trà huyền thoại sau đây:

Hầu Trà

Có rất nhiều huyền thuyết về Hầu Trà. Chuyện về Hầu Trà ở Chiết Giang sau đây có lẽ là ly kỳ hơn cả.

Nguyên Thiên Tuệ Tùng Lâm là một đạo tràng ở sâu trong rừng núi Chiết Giang. Nhà chùa có trồng một vườn đào, một hôm bỗng có một đàn khỉ đông đảo đến ăn trái, chú tiểu coi vườn la hét khản cổ mà bọn khỉ vẫn không sợ. Đến khi có ba bốn vị tăng nữa nghe tiếng chạy đến thì gần như cả vườn đào đã bị bọn khỉ phá tan tành. Mấy huynh đệ về chùa chịu tội với Ngài Phương Trượng. Ngài chỉ ôn tồn nói: "Thôi được rồi. Phật vẫn dạy rằng ta phải có lòng thương đến tất cả chúng sinh. Lũ khỉ đói quá mới phải liều trộm trái cây. Hơn nữa các con phải hiểu lẽ Không của mọi sự mất còn..."

Kể từ đó chư tăng cũng không buồn đánh đuổi đàn khỉ nữa. Hai bên dần dần trở nên thân thiết. Mùa Đông năm đó xảy ra bão tuyết liên miên, cho đến một hôm cả đàn khỉ kéo đến tận sân chùa la réo phá phách như điên cuồng. Vị Phương Trượng đoán rằng lũ khỉ quá đói, Ngài truyền nhà bếp tìm đồ ăn bỏ đầy vào các bao, mang ra cho lũ khỉ. Lũ khỉ có được đồ ăn, chia nhau tha đi. Mùa Xuân rồi cũng đến. Bọn khỉ sống sót sau mùa Đông đó nhờ nhà chùa, tự nhiên kéo đến mang theo bao nhiêu là những đọt trà non chất đầy những túi đựng đồ ăn ngày trước. Lẽ dĩ nhiên đây là loại trà bất phàm, người đời chưa được thưởng thức bao giờ.

Kể từ đó, loại trà thượng hạng ở vùng núi Chiết Giang có tên Hầu Trà. Lẽ tất nhiên loại trà này cũng chỉ do người ta hái và sao tẩm mà thôi. Ngày nay, Hầu Trà chỉ còn là huyền thoại cổ. Mặc dù vậy, thời trước chiến tranh vẫn còn loại trà Bạch Mao Hầu. Bạch Mao Hầu là tên một loại trà hái từ loại cây trà mọc cao ở trạng thái tự nhiên. Cây cao và đọt sinh lá nhỏ vì vậy hái rất công phu và đắt tiền. Tuy nhiên, hương vị rất đặc biệt. Ngày sau có người châm chế cho hợp lý hóa huyền thoại Hầu Trà, cho là loại trà rừng ở núi cao, người ta không hái tới bèn huấn luyện cho đàn khỉ (bằng cách cho chúng nghiện á phiện để dễ sai bảo) hái trà đại khái: "Đeo cho mỗi con khỉ một cái giỏ bên hông, cứ sáng sớm sai trèo lên ngọn núi Vũ Di hái trà, khi về, con nào hái được nhiều trà thì hà cho nhiều hơi thuốc phiện, hái ít bắt phạt cho hút ít..." Có lẽ chuyện này cũng chỉ là do tưởng tượng của các vị văn sĩ đi mây về gió.

Vũ Thế Ngọc: TRÀ KINHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ