Chương V: TRÀ CỤ

133 2 0
                                    

Bộ đồ trà và nghệ thuật đồ gốm Đông phương

Không có gì thích thú và kích thích cho người viết bằng đề tài mình viết chưa có người đi trước. Đó là trường hợp khi tôi quyết định viết tập sách nhỏ về trà này. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là hầu như mình bị đẩy vào một khoảng trống không nơi bám víu. Đành rằng sách vở Hoa ngữ, Nhật ngữ có đó, sách vở Âu Mỹ cũng đủ đó, nhưng từ vựng tiếng Việt phải dùng như thế nào? Lấy ai làm tiêu chuẩn? Khi chưa có tác giả nào đi trước ra công khai phá. Nhìn rộng hơn, ngoài các ngành khoa học tự nhiên, hiện đã có một số từ dụng ổn cố tương đối. Các ngành khác dù vẫn chưa thống nhất, nhưng ít nhất còn có nhiều tác giả, nhiều trứ tác có thể so sánh, học hỏi. Về Trà Cụ, tôi đã lúng túng, nhưng khó hơn là một số danh từ của ngành đồ gốm. Thật sự mình đã có danh từ rồi nhưng chưa được phân loại và định nghĩa theo tiêu chuẩn khoa học, điều đơn giản đó lại chưa có ai làm.

Mặc dù, tôi đã từng có những ngày tuổi nhỏ ở Lái Thiêu, đã từng phá phách, lục lọi các lò gốm. Nhưng dù đã ăn hàng ngàn cái bánh bèo, hàng ngàn trái măng cụt, tôi vẫn mù mịt về nghệ thuật làm đồ gốm của quê hương. Chỉ đến khi tóc bắt đầu chớm bạc, tha phương cầu thực nơi xứ người mới biết được võ vẽ chút ít về đồ gốm. Nhìn về các bậc tiền bối, ô kìa, một dân tộc biết làm đồ gốm đầu tiên của nhân loại, cách đây cả hơn mười ngàn năm mà chưa có ai viết sách về đồ gốm Việt Nam bằng tiếng Việt. Bạn định phản đối? Vâng, thưa quả có sách. Nhưng thưa rằng có gì? Một cuốn sách của ông Vương Hồng Sển, đúng như ông nói, chỉ kể về thú chơi cổ ngoạn. Những tập sách khác nào là Nghệ thuật Việt Nam, Lược sử Mỹ Thuật, Mỹ Thuật cổ truyền... Các tác giả có nói về đồ gốm trong đó, nhưng có lẽ vì toàn là "sử gia", nên các tác giả cũng chẳng phân biệt được thế nào là đồ sành, đồ sứ, đồ đất... một số danh từ tôi dùng ở đây, lần đầu tiên được định nghĩa theo sự hiểu biết thiếu sót của cá nhân, xin thỉnh ý các bậc cao nhân chỉ dạy.

a) Trước hết, tôi xin dùng danh từ "đồ gốm" để vừa chỉ về nghệ thuật chế tạo tất cả các dụng cụ làm từ đất sét nghĩa là gồm cả đồ đất, đồ sành, đồ sứ... Đồ gốm cũng để chỉ chung mọi dụng cụ đó. Như vậy "đồ gốm" vừa có nghĩa là ceramics (chữ Hán tương đương gọi là Từ Thuật, Đào Nghệ...), vừa có nghĩa là pottery (chữ Hán tương đương gọi là Đào Khí, Ngõa Khí...).

b) Danh từ "đồ đất" (như ấm đất, nồi đất...) tôi dùng để chỉ đồ đất nung. 1) Không tráng men (unglazed). 2) Cứng, nhưng đủ mềm để có thể đánh bóng (hard stoneware but capable of receiving a fine polish). 3) Thấm nước (porous). 4) Nung ở dưới 1.200°C (Đây là một đặc điểm của đồ đất, vì bình thường các đồ sành (stoneware) phải cần nhiệt độ trên 1.200°C cho các hợp chất fluxes như feldspar, limestone, nepheline syenite biến thành men cứng).

Theo các nhà khảo cổ học hiện đại, người Việt cổ (danh từ khảo cổ gọi là HoaBinhan, để chỉ những người Việt cổ sống ở vùng Hòa Bình, Bắc Bộ, Việt Nam) biết làm đồ đất nung đầu tiên của nhân loại. Hiện còn di tích các đồ đất nung được ước định vào khoảng 10 ngàn năm trước Công nguyên.

Đồ đất, hay đồ đất nung, chữ Hán được gọi là Ngõa Khí hoặc Đào Khí, tương đương với Anh ngữ là earthenware. Tuy nhiên nhiều khi chính những chuyên gia cũng có lúc dùng sai danh từ này như R. L. Hobson dùng danh từ Stoneware (thật sự là chỉ đồ sành) để chỉ các ấm đất Nghi Hưng.[13] Harry Memmott lại đòi "Earthenware" phải là đồ đất có tráng men.[14] Nếu muốn kỹ, có lẽ dịch đồ đất nung là "unglazed earthenware" thì chính xác hơn. Đôi khi sách chuyên môn Anh ngữ về đồ gốm còn dùng các danh từ riêng chỉ một số đồ đất nung như Buccaro, Terra-Cotta...

Vũ Thế Ngọc: TRÀ KINHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ