Chương III: TRÀ LỤC

222 1 0
                                    

Chương kế tiếp tôi sẽ trình bày về "Trà Danh", giới thiệu các vườn trà và các loại trà danh tiếng cổ kim. Tuy nhiên, trước hết ở chương này ta cần đọc một số danh tác cổ điển viết về trà để biết cổ nhân đã viết gì về trà. Lẽ dĩ nhiên nhiều ghi nhận, giới thiệu của cổ nhân đã bị thời đại vượt qua. Ta luôn luôn hiểu sự giới hạn của không gian và thời gian cho bất cứ một tác phẩm cổ điển nào, nhưng những tác phẩm đó vẫn là những tinh kết, thành tựu của những nền văn hóa chói lọi, chuyên chở những tinh hoa, kinh nghiệm của cả một đời, một thời.

Bốn tác phẩm chính và bài Trà Ca sẽ được giới thiệu trong chương này là Trà Kinh của Lục Vũ thời nhà Đường, Đại Quan Trà Luận của vua Tống Huy Tông và Trà Lục của Thái Tương thời nhà Tống, Trà Thư đời nhà Minh. Những tác phẩm danh tiếng khác như Trà Trung Tạp Vịnh của Lục Qui Mông, Tiễn Trà Thủy Ký của Tương Hựu Tân, Đại Minh Thủy Ký của Âu Dương Tu, Trà Sớ của Hứa Thứ Thư... sẽ được giới thiệu trong các chương viết về Trà Hữu (nước pha trà), Trà Thi (trà và thi ca)...

Việt Nam là quê hương của trà nhưng chúng ta không có tác phẩm bởi lẽ trí thức ngày xưa (nho sĩ) đều thành thạo Hán văn, cho nên đã sẵn sách vở rồi họ không cần viết nữa. Cũng nên biết số trà thư danh tiếng này cũng không nhiều. Cả một dân tộc có số lượng gần một phần tư nhân loại này, trải qua 2.000 năm uống trà cũng chỉ mới sản xuất được chưa đến 10 quyển trà thư đáng gọi là cổ điển. Hơn nữa, Việt Nam lại là một quốc gia nhỏ bé, luôn chiến tranh. Nền văn hóa rực rỡ thời Lý – Trần sau hơn mười năm nội thuộc nhà Minh đã bị tận diệt, số tác phẩm còn lại chỉ còn một phần muôn. Số độc giả lại giới hạn, ngày xưa các bậc tiền bối phần lớn chỉ có các tác phẩm lưu truyền bằng hình thức sao chép bằng tay. Tuy nhiên, nói chung cũng vì phần lớn con cháu đã không bằng ông cha. Tôi đọc An Nam Chí Lược của Lê Tắc đã thấy ở đời nhà Đinh, vua Đinh Liễn đã phải cống Trà thơm. Lại đọc Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi* đã thấy ông viết châu Sa Bôi nổi tiếng về việc sản xuất trà Tước Thiệt (Tước Thiệt Trà, cánh trà nhỏ mà cong như lưỡi con chim sẻ, là một trong vài loại trà nổi tiếng cổ kim, các danh tác về trà của Trung Quốc đều nói đến). Châu Sa Bôi theo lời thông luận của Lý Tử Tấn (cũng trong tác phẩm Dư Địa Chí) gồm 6 động, 15 trang, 68 sách. Sa Bôi chính là vùng Cam Lộ, Quảng Trị bây giờ. Thế mà ngày nay chẳng còn gì cả. Đi hỏi các cụ về Tước Thiệt Trà thì không còn ai biết. Khi kiếm tài liệu về Trà Cụ, được nhìn các chén trà cũ của Việt Nam còn được giữ gìn hơn trân châu trong các bảo tàng viện và tư nhân Nhật Bản, người viết vừa hãnh diện vừa tủi hổ muốn khóc. Than ôi! Lại đọc Toàn Đường Thi tìm tài liệu về Trà Thi, tìm gặp được 17 bài thơ của toàn các bậc thi hào bậc nhất thời Thịnh Đường, ca tụng các thiền sư, thi hào Việt Nam** mà ngày nay chúng ta chẳng còn dấu vết gì. Đáng thương đáng hận lắm thay.

(*) Vũ Thế Ngọc, Sự Nghiệp Nguyễn Trãi, Quyển I: Tổng dịch thơ văn, bản in roneo, Sài Gòn 1975, trang 789. "Nguyễn Trãi là một trong những nhân vật vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Không hiểu vì lẽ gì ở Việt Nam trước kia học trò chỉ được học một tác phẩm giả mạo gọi là Gia Huấn Ca đầy những tư tưởng xôi thịt đại loại: "Bao nhiêu là gái thuyền quyên, lưng ong má phấn cũng chen chân vào. Đã má đỏ lại má đào, thơm tho mùi xạ, ngạt ngào mùi hương. Đủ mùi những thứ cao lương, sơn hào hải vị bữa thường đổi trao... Lợn quay xôi gấc chè tầu, ai ai là chẳng đến hầu làm tôi. Quạt lông gối xếp thảnh thơi..." làm cho phần lớn học trò bị hiểu sai về tư tưởng cao quý và độc đáo của ông. Trước đây ở miền Nam có cho dịch phần lớn các tác phẩm khác, trừ Quốc Âm Thi Tập, nhưng các sách này chỉ đến tay một số nhỏ các học giả và một vài sinh viên chuyên ban Việt Hán. Miền Bắc đã in nhiều sách về Nguyền Trãi. Đặc biệt là Nguyễn Trãi toàn tập. Nhưng đến bản in Toàn tập lần thứ hai (1976), nhiều bài thơ Nguyễn Trãi làm thời kỳ ở Trung Quốc đã bị loại ra."

Vũ Thế Ngọc: TRÀ KINHNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ