(1) Phong Châu: nguyên chú: "nay là huyện Bạch Hạc", nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
(2) Xương Giang: nguyên chú: "nay thuộc huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc"; nay là thị xã Bắc Giang.
(3) Lạng Giang: nay là vùng đất thuộc tỉnh Bắc Giang.
(4) Nhục cốt sinh tử: làm cho xương khô sinh thịt, người chết sống lại; ý nói cứu sống người.
(5) Kinh Xuân thu chép mùa Xuân năm Đinh mão thứ 8 đời vua Chiêu công nước Lỗ, có hòn đá biết nói ở ấp Ngụy Du nước Tấn. Lại chép năm thứ 31 đời vua Trang công có vị thần giáng xuống đất Sằn.
(6) Vía mài, tinh đèn: Triệu Sư Hùng đời Tùy, trong năm Khai Hoàng, đi qua núi La Phù ở huyện Nam Hải đất Quảng Châu, một hôm trời tối lạnh lùng, thấy một mái nhà tranh bên cạnh quán rượu ở giữa rừng thông, có cô gái mặc áo trắng ra mời đón. Dưới bóng trăng mờ, Sư Hùng cùng cô gái chuyện trò thân mật, rồi cùng gõ cửa nhà hàng rượu vào uống với nhau, một lát lại có đứa trẻ áo xanh ra cười đùa hát múa. Sư Hùng say rượu nằm kềnh ra ngủ đến khuya thấy rét lạnh lắm, gần sáng nhìn xem, té ra nằm ở dưới gốc một cây mai lớn. (Thượng hữu lục). Tống Tiềm làm chức Tuần kiểm ở Cam Lăng đón một người bạn là Triệu Đương đến nhà ngồi dạy trẻ học. Một đêm Triệu thấy một người đàn bà đẹp đứng dưới đèn ngâm thơ khêu gợi, rồi tắt phụt đèn đi, từ đấy hai người đêm nào cũng quấn quít với nhau. Lâu rồi Tống Tiềm biết, sai người nhà vây bắt được người đàn bà ấy, nắm cổ tay thấy bé tý, nhìn ra thì là cái quặng đèn, bèn đốt bỏ cái đèn ấy đi (Viên cơ).
(7) Ôn Kiệu đời Tấn tên tự là Thái Chân, đi qua bến Ngưu Chử. Chỗ đó nước sâu thăm thẳm. Người ta vẫn đồn là có nhiều quái vật; Kiệu bèn đốt một cái sừng tê soi xuống, một chốc vô số những thủy tộc kỳ hình quái trạng hoặc đi xe, hoặc đi ngựa, hoặc mặc áo đỏ lố nhố hiện ra. Đêm hôm ấy Kiệu nằm chiêm bao thấy có người bảo: "Ta cùng người tối sáng khác đường, sao lại soi nhau để làm gì thế". Xem ý có vẻ tức giận lắm (Viên cơ).
(8) Mã Công Lượng đời Tống, thuở nhỏ một đêm ngồi đọc sách dưới đèn ở trong cửa sổ, chợt thấy có một bàn tay lớn như cái quạt thò vào, đêm hôm sau cũng lại như thế. Lượng bèn lấy bút nhấp nước hùng hoàng viết lớn một chữ "hoa" vào tay. Ngoài cửa sổ chợt có tiếng kêu to xin rửa hộ ngay. Lượng cứ mặc kệ. Gần sáng tiếng kêu van càng tha thiết và tay vẫn không rút ra được. Lại nói: "Ông sắp làm nên đại quý nên tôi đùa ông, sao nỡ làm tôi khốn quẫn quá thế! Há không biết việc ông Ôn Kiệu đốt sừng tê ư?" Lượng nghĩ ra, bèn lấy nước rửa sạch chữ hoa, "cái quỷ ấy cảm tạ mà đi" (Viên cơ).
(9) Ngụy Nguyên Trung đời Đường, một hôm thấy có mấy người đàn bà con gái từ đâu hiện đến đứng ở trước giường. Ông bảo: "Có thể khiêng cái giường ta xuống dưới sân được không?" Họ liền khiêng ngay giường ông xuống dưới sân. Lại bảo: "Có thể khiêng trả giường ta đặt vào chỗ cũ được không?". Họ lại đặt vào chỗ cũ. Lại bảo: "Có thể khiêng giường ta ra phố được không?" Họ đều cúi lạy rồi đi và bảo với nhau rằng: "Đó là bậc trưởng giả khoan hậu, ta không nên đùa cợt như với những người khác" (Viên cơ).
(10). Đời Tam quốc, Quản Lộ một đêm đương ngồi dưới đèn, chợt có một con vật nhỏ, tay cầm mớ lửa kề lên miệng thổi, suýt nữa cháy nhà. Lộ sai học trò giơ dao chém đứt đôi lưng, té ra là một con cáo. Từ đấy trong làng không có hỏa tai nữa (Viên cơ).
(11) Vua Mục vương nhà Chu đi đánh phương Nam, có một đội quân đều biến hóa, quân tử thì hóa làm vượn làm hạc, tiểu nhân thì hóa làm sâu làm cát (Loại tụ).
(12) Đời Tấn Huệ đế mả vua Chiêu vương nước Yên có con hồ ly già và cây cột trụ đều thành yêu tinh. Con hồ ly hóa thành người học trò đến thăm nhà Bác vật Trương Hoa (Sách Tiễn đăng).
(13) Nữ yêu họ Nhâm rất đẹp, lấy chàng Trịnh sinh. Sau mấy tháng vợ chồng đưa nhau ra ngoài thành chơi, gặp người đi săn dắt chó, nàng Nhâm chợt ngã ngựa hóa thành con cáo rồi bị chó săn cắn chết (Hương đài). Thôi Thao đi đến quán Hiếu nghĩa, thấy một người đàn bà gối đầu vào cái da hổ mà ngủ. Thao kéo lấy da hổ vất xuống giếng, người đàn bà sực tỉnh dậy, mất da không biến được nữa. Thao lấy làm vợ. Sau ba năm, nàng hỏi da hổ để đâu. Thao bảo ở dưới giếng. Nàng vớt lên khoác vào mình, hóa làm hổ, gầm thét mà đi mất (Hương đài).
(14) Gươm làm cây, dao làm núi là trỏ vào những ngục Kiếm thụ, Đạo sơn, người ta tin là có ở dưới âm phủ.
(15) Nhan Thúc Tử đời Chu, người nước Lỗ; một mình ở một nhà. Đêm mưa bão, nhà láng giềng phía bắc bị đổ, một cô gái chạy sang trú nhờ. Thúc Tử bắt cô gái cầm một cây nến ở tay, nến hết lại đưa cây khác để đốt tiếp, đến sáng mới thôi. Giữ mình ngay sạch đến như thế. (Thượng hữu lục).
(16) Vũ Thừa Tự tức là Vũ Tam Tư người đời Đường, có người nàng hầu là Tố Nga, vốn là cái tinh hoa nguyệt hiện thành người. Xem thêm chú thích 17 Chuyện Kỳ ngộ ở Trại Tây.
(17) Thiệu Bình: niên hiệu của vua Lê Thái Tông từ 1434 đến 1439. Nếu Đinh Tị thì là năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), ở đây có lẽ người viết sách nhầm.
(18) Vị a Tấn ốm, chiêm bao thấy con gấu chạy vào cửa sổ. Hàn Tuyên Tử hỏi Tử Sản. Tử Sản nói: "Đời xưa vua Nghiêu giết ông Cổn ở Vũ Sơn, hồn thiêng ông Cổn hóa ra con gấu vàng, vào ở Vũ Uyên, đời Tam đại vẫn cúng tế. Nước Tần từ khi làm minh chủ, chừng chưa cúng tế phải không?". (Loại tụ).
(19) Đời Xuân thu, Tề Hầu ra săn ở đất Bối Khâu, thấy một con lợn lớn. Kẻ theo hầu nói: "Đó là công tử Bành Sinh hiện lên đấy". Tề Hầu nói: "Bành Sinh sao được như thế!". Bèn bắn một phát. Con lợn đứng lên như người mà khóc. Hầu sợ, ngã xe, bị thương ở chân và rơi mất giầy.
(20) Lưu Thoa: thi nhân đời Đường, tính tình cương trực, có phong cách hiệp khách; từng là môn khách của Hàn Dũ, thơ của ông phóng khoáng, phá cách, thường nói về nỗi khổ của dân nghèo. Cuối đời ông mai danh ẩn tích, không biết đi đâu; tác phẩm có Lưu Thoa thi tập.
Can Bảo (? - 336): sử học gia và văn học gia thời Đông Tấn. Ông có tên tự là Lệnh Thăng, đọc nhiều biết rộng, rất thích âm dương thuật số; thời Nguyên đế làm ở Quốc sử quán, có viết Tấn sử và Sưu thần ký nhưng cả hai đều đã thất lạc. Riêng Sưu thần ký được người đời sau sưu tập lại.
BẠN ĐANG ĐỌC
Truyền Kì Mạn Lục
Historical FictionTruyền kỳ mạn lục (chữ Hán: 傳奇漫錄, nghĩa là Sao chép tản mạn những truyện lạ), là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dư (thường được gọi là Nguyễn Dữ), sống vào khoảng thế kỷ 16 tại Việt Nam. Đây là tác phẩm được Hà Thiện Hán viết lời tựa, Nguyễn B...