Chú thích chương XIV

115 5 0
                                    

1) Thần Môn: người giữ việc mở cửa thành buổi sớm. Sau Khổng Tử dùng để chỉ một hiền sĩ thời Xuân thu thấy đời rối loạn không làm gì nữa nên lánh đời, ẩn thân làm việc đó.

Tiếp Dư: tên tự Lục Thông người đời Sở Chiêu vương, giả cách rồ dại không chịu ra làm quan, người đương thời gọi là Sở cuồng (người cuồng nước Sở).

Thái Hòa: một dật sĩ cuối đời Đường, họ Lâm, cũng giả làm bộ ngông cuồng để che giấu tung tích. Tương truyền sau cưỡi hạc lên tiên.

2) Khai Đại: niên hiệu của Hồ Hán Thương, từ 1403 đến 1407.

3) Triệu, Tào: Triệu Phổ và Tào Bân đều có công giúp Tống Thái Tổ thống nhất thiên hạ, dựng cơ nghiệp nhà Tống, sau đều làm Tể tướng.

4) Vương, Tạ: Vương Đạo và Tạ An đều làm quan to đời Tấn, hai nhân vật nổi tiếng phú quý phong lưu thời đó.

5) Bạn đỏ hầu xanh, nguyên văn là "thanh nô hồng hữu". Thanh nô là một chiếc gối làm bằng trúc xanh, mùa hè để dựa lưng hay gác tay chân cho mát. Hồng hữu là một thứ rượu.

6) Nam Dương: tên quận, đời Tam quốc. Gia Cát Khổng Minh ở ẩn trong lầu cỏ tại Nam Dương. Lưu Bị ba lần đến mời, ông giúp Lưu Bị lập nên cơ nghiệp nhà Thục Hán.

7) Quán Vân: quán Vân Đài ở núi Họa Sơn. Trần Đoàn, một cao sĩ đời Tống đã ẩn dật tại đấy. Mấy lần Tống Thái Tông mời ra làm quan nhưng ông không ra.

8) Lầu tây (Tây đường): nhà phía tây. Tạ Linh Vận và Tạ Huệ Liên người đời Nam Bắc triều đều giỏi thi văn. Huệ Liên chết trước. Khi Linh Vận ở nhà phía tây quận Vĩnh Gia làm thơ, bí, suốt ngày nghĩ không ra, bỗng nằm mơ thấy Huệ Liên, liền nghĩ được câu thơ hay.

Song bắc (Bắc song): cửa sổ phía bắc. Đào Tiềm người đời Tấn, sau khi từ quan về ở ẩn vào tiết tháng sáu thường nằm đón gió ở cửa sổ phía bắc, tự cho mình là hạng người thời Phục Hi.

9) Sông Tương người đẹp (Mỹ nhân Tương thủy): ngày xưa có một người bắt được một cái gối, đêm gối đầu nằm ngủ, nằm mơ thấy cùng người con gái đẹp đi chơi thuyền trên sông Tương.

10) Hoàng Châu: đời Tống, Tô Đông Pha bị trích ra Hoàng Châu, đêm đi chơi thuyền trên sông Xích Bích thấy một con hạc bay qua trên thuyền, vừa bay vừa kêu. Đêm về nằm ngủ mơ thấy một đạo sĩ mặc áo lông đến chơi, Đông Pha nói: "Ta biết rồi, có phải con hạc bay qua thuyền lúc nửa đêm là người đó chăng?".

11) Uyên Minh (nguyên văn Bành Trạch): tên tự của Đào Tiềm, làm huyện lệnh đất Bành Trạch, ông đã bỏ quan về ở ẩn.

12) Liêm Khê: Chu Liêm Khê đời Tống có một cái gối, hễ gối vào ngủ thì nghe tiếng chim quyên kêu.

13) Vườn riêng dịch chữ Độc lạc viên: Tư Mã Quang đời Tống, làm ngự sử đài ở Lạc Dương, dâng sớ xin về nghỉ có làm một khu vườn chơi ở gần núi, gọi là Độc lạc viên (vườn vui riêng một mình).

14) Vương Vũ Xứng đời Tống, làm bài ký Lầu Trúc ở Hoàng Châu có nói về cái thú đánh cờ: Nghi vi kỳ, tử thanh tranh tranh nhiên, nghĩa là nên đánh cờ, tiếng quân cờ kêu lát chát.

Truyền Kì Mạn LụcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ