Ngắm nhìn vũ trụ từ Borobudur

149 0 0
                                    

"Tụi mình leo Borobudur nhỉ Aji?" tôi hỏi bạn đồng hành của mình sau khi bấm mấy chụp bức hình cuối cùng của biển mây Jogja từ đỉnh đồi Punthuk Setumbu.

"Tại sao lại không chứ?" Aji trả lời, gương mặt đã tràn đầy nắng sáng. "Chúng ta đang ở gần nó đến thế này mà."

Ừ, gần quá nhỉ, tôi nghĩ. Khi ngồi giữa Sài Gòn đang mùa mưa xám xịt ngày qua ngày, làm sao tôi mường tượng được một sáng nắng đẹp trời sẽ băng qua những cánh đồng phì nhiêu xanh của cánh đồng lúa, vườn chuối và rặng dừa, rong ruổi trên chiếc xe máy cùng một anh bạn theo đạo Hồi để đến ngôi chùa Phật giáo lớn nhất trên thế giới.

Indonesia không cần đến chiều rộng của vạn đảo để khiến người ta đón những chuyến bay đường dài đến đây. Chiều sâu của bề dày văn hóa và lịch sử, sự đa dạng trong tôn giáo, tín ngưỡng, sự phong phú của cả cảnh quan thiên nhiên lẫn kỳ quan kiến trúc... mỗi thứ như một mảng màu ghép vào bức tranh mosaic đầy màu sắc sặc sỡ của đất nước này. Chính điều ấy khiến việc đi từ hòn đảo này sang hòn đảo khác của Indonesia mang đến những trải nghiệm như đi từ quốc gia này sang một quốc gia khác hoàn toàn khác biệt. Chỉ cần đón một chuyến phà kéo dài hai mươi lăm phút, tôi đã tạm biệt Java Hồi giáo để đến Bali Hindu giáo. Và dù cho không có ai đóng dấu vào hộ chiếu, tôi tự biết mình vừa đặt chân lên một vùng đất khác nằm trong lòng Indonesia, nơi thiên nhiên, con người, tôn giáo, văn hóa... không còn mấy dấu tích của Java.

Tuy đây là quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất, điều tôi thích nhất là mình vẫn có thể ngồi cùng những người bạn đạo Hồi để thảo luận về các tôn giáo khác, hay cùng họ viếng thăm những công trình kiến trúc thuộc Phật giáo hay Hindu giáo. Tôi từng hỏi cô bạn người địa phương gốc Hoa: "Cảm giác là người vô thần giữa một đất nước Hồi giáo như thế nào?" Cô trả lời: "Không có gì đặc biệt cả, chúng tôi tôn trọng tôn giáo của nhau, tôi thậm chí từng yêu một anh chàng theo đạo Hồi."

Nên việc đi cùng Aji lên Borobudur cũng thú vị như vậy. Anh chàng này leo cùng tôi qua năm tầng thềm hình vuông, ba tầng hình tròn đến bảo tháp lớn cũng là đỉnh chóp ngôi đền, để cho sự thanh tịnh của Borobudur ngấm vào tâm trí mình. Chúng tôi thích thú việc đi vòng quanh những bức tường đá núi lửa màu xám điêu khắc hay tạc nổi những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật, nhìn ra quang cảnh hùng vĩ nơi ngôi đền tọa lạc từ phía sau hơn năm trăm tượng Phật đặt khắp nơi trong đền. Thật khó tin rằng ngôi đền có tuổi đời một ngàn hai trăm năm được xây dựng bằng hai triệu khối đá này đã từng nằm dưới tro tàn núi lửa trong nhiều thế kỉ, trước khi được phát hiện và bảo tồn như ngày nay.

Ba ngàn tác phẩm điêu khắc và các phù điêu mà Borobudur lưu giữ trên chính nó khiến mỗi bước chân đặt lên công trình kiến trúc này giống như việc nhìn lại quá trình tu luyện của các tín đồ Phật giáo. Hai tầng thấp nhất của ngôi đền biểu trưng cho "dục giới", năm tầng tiếp theo là "sắc giới", ba tầng trên cùng là "vô sắc giới". Khi tôi lên đến tầng trên cùng nơi bảo tháp lớn nhất Borobudur sừng sững tọa lạc, trời đã đổ sang gần trưa, nắng hun nóng bề mặt đá dưới chân tôi. Nhìn những tháp chuông trên ba tầng cao nhất hướng về vị trí đồng tâm của ngôi đền, cũng là nơi tôi đang đứng, tôi mới bất giác nhận ra rằng những kiến trúc sư của Borobudur hàng ngàn năm trước đang nói với mình về sự vô biên, xoay vần của vũ trụ. Sự vĩ đại của Borobudur kiến người ta cảm giác như mình đang lạc vào một mê cung, một kho tàng nghệ thuật nằm giữa một vùng đất trời lớn rộng.

Thì đứng đây giữa Borobudur và ngắm nhìn vũ trụ giữa những tháp chuông cổ kính cũng đủ để thấy kiếp người vốn đã quá hữu hạn rồi...

Chân Đi Không Mỏi - Đinh HằngWhere stories live. Discover now