Những gã kỳ cục ở Jogja

89 0 0
                                    

Tôi hỏi Didot - chủ nhà của mình ở Jogja - điều gì khiến anh tự hào nhất về cuộc đời của mình đến giờ phút này? Anh nhìn người vợ trìu mến trong một sáng Jogja lấp lánh nắng, cười: "Là cưới được người phụ nữ mình yêu sau chín năm nỗ lực để được gia đình cô ấy chấp thuận."

Trong một ngôi nhà không bao giờ vắng mùi khói thuốc, Didot mời tôi một điếu rồi ngồi cùng với bố mẹ mình (cũng đang nhả khói thuốc vào màu nắng sáng) kể cho tôi nghe câu chuyện tình trắc trở với kết thúc có hậu cách đây ba năm, kể từ ngày anh phải lòng cô gái là vợ mình, đến những ngày hẹn hò, rồi gia đình hết sức cấm cản, rồi tưởng như đã tuyệt vọng, rồi ngày định mệnh khi Java đang hỗn loạn với nườm nượp dòng người đổ lên xa lộ trong ngày lễ Idul Fitri thì anh không ngủ suốt hai mươi tư tiếng đồng hồ để lái xe hàng trăm cây số "thuyết phục gia đình cô ấy lần cuối".

"Anh không thấy mệt mỏi suốt chín năm đó à?" tôi hỏi.

"Có", Didot rứt điếu thuốc ra khỏi miệng, "nhưng anh muốn lấy được người con gái mình yêu. Và chẳng gì tuyệt vời hơn là làm điều đó với sự chấp thuận của bố mẹ cô ấy."

"Vì sao sự đồng ý của bố mẹ cô ấy lại quan trọng đến vậy? Anh có thể lấy cô ấy mà không cần họ cho phép không?"

"Về luật pháp thì không cần. Nhưng anh muốn có một đám cưới đạo Hồi và được mọi người chúc phúc. Đạo Hồi yêu cầu khi kết hôn phải có sự chấp thuận của Wadi (bố mẹ, người giám hộ) của cô gái. Suốt chín năm đó anh đã nỗ lực không ngừng nghỉ để chiếm lấy cảm tình của họ nhưng gặp thất bại, và khi anh nhủ lòng lần này là lần cuối, không thể tiếp tục như thế này mãi, thì họ... đồng ý."

Didot nhỏ người nhưng rắn chắc, đúng kiểu người đam mê các hoạt động ngoài trời. Trên khuôn mặt vừa cạo mất lớp râu quai nón là lông mày rậm, vầng trán cao, đôi mắt sáng và hay cười nằm phía sau chiếc kính cận dày gọng đen. Nurul vợ anh, người phụ nữ có vóc người tương tự với chồng vẫn thường trùm đầu và phủ kín tai dù đang ở nhà, vì khi đó có tôi và một anh chàng người Mỹ khác đang lưu trú tại nhà của họ. Trong những ngày lưu lại đây, chẳng bao giờ tôi nghe thấy tiếng nắng nhẹ nào từ phía những người đàn ông trong gia đình. Khác với những gì người ta hay nghĩ về phụ nữ Hồi giáo, như cun cút phục tùng chồng trong mọi trường hợp hay không có tiếng nói riêng, Nurul và mẹ của Didot mới thực sự là "chủ nhân" nắm quyền lực trong ngôi nhà ẩn mình giữa chốn đồng quê của họ. Giống như chồng mình, Nurul cũng là lạp trình viên, cô lái xe, tham gia hội đoàn này nọ, đi du lịch không kém gì ai.

Ngôi nhà của họ là mơ ước của bất cứ couch surfer nào khi đến Jogja. Nằm cách xa thị trấn, những mảng tường gạch không phết sơn nằm giữa những tán cây xanh đầy sức sống, bên cạnh một chiếc ao nhỏ thanh tịnh. Mọi ô cửa hay ban công trong nhà đều được thiết kế mở ra ngoài trời, với nội thất bằng gỗ tự nhiên. Didot tự hào khoe đây là căn nhà mà anh và bố tự tay xây dựng, sau khi "tháo chạy" vì mệt mỏi với guồng quay công nghiệp của chốn thị thành Jakarta.

Những kẻ tôi gặp ở Jogja đều mang tâm thế "lánh đời" như Didot. Aji, chàng trai đã cùng tôi leo lên đỉnh đồi Punthuk Setumbu để chụp những tấm hình biển mây, cũng là một lập trình viên, nhưng đồng thời là một kẻ mê nhiếp ảnh và "buôn trà". Cũng rời bỏ cuộc sống thành phố, Aji về Jogja thuê một căn nhà để làm "đại bản doanh" cùng những người bạn mở một công ty xuất khẩu trà thảo mộc ra nước ngoài. Những ngày đầu gặp anh, công ty của Aji mới trong giai đoạn khởi động những cũng đã ngồn ngộn việc để làm. Cộng thêm các dự án lập trình, tôi không hiểu anh chàng này lấy đâu ra năng lượng nhiều đến thế. Vậy mà lúc tôi, một cô gái Việt Nam mà Aji mới chỉ biết vài phút trước qua lời giới thiệu của Didot, hỏi: "Anh có muốn lên Punthuk Setumbu chụp mây cùng em không?" Aji ngẫm ngợi đôi chút rồi trả lời: "Tại sao lại không nhỉ?"

Didot hay Aji đúng là những gã kỳ cục nếu so với vói những tiêu chuẩn ở thế hệ trẻ bây giờ, tôi nghĩ. Cuộc sống thênh thang ở thị thành với bao nhiêu cơ hội thì không chớp lấy, lại lui về chốn đồng quê yên bình Jogja này như mất ông già đến tuổi hưu trí thích vui thú điền viên. nhưng tôi ngưỡng mộ họ, vì họ dám làm điều mình thích, dám đấu tranh cho những gì mình muốn. Kiếp người là hữu hạn, ai cũng chỉ sống một lần. Nhưng như ai đã nói, chỉ cần sống cho thật tốt, một lần là đủ. Và chắc chắn một ngày, khi ngoảnh mặt lại, họ sẽ chẳng bao giờ phải hối tiếc vid ngày đó đã không sống với tất cả trái tim và tâm trí của mình.

Chân Đi Không Mỏi - Đinh HằngWhere stories live. Discover now