Ở thành phố cổ kính này, người ta ăn bánh mì vào mọi bữa, cũng giống như dân châu Á ăn cơm gạo tẻ vậy. Baguette ruột nhẹ, vỏ mỏng, thơm dịu. Tradition vỏ dày, ruột đặc, vị mằn mặn thấm vào đầu lưỡi. Nếu cần thứ gì đó đặc biệt hơn cho một bữa ăn cầu kỳ, có thể chọn bánh lúa mạch đen, mùi hăng hắc nhưng rất dễ nghiền, hoặc loại bánh thuôn thuôn vàng ruộm được rải một lớp ngũ cốc, vừa mềm vừa bùi.
Tính trên dọc đường Oberkampf dài chưa đầy một cây rưỡi, đã có ít nhất bốn tiệm bánh mì. Như để bất kỳ công dân nào, nhỡ mà đãng trí quên mua bánh cho buổi tối, chỉ cần thò một đầu ngón chân ra khỏi nhà là không sợ chết đói. Đối thủ cạnh tranh kể ra cũng nhiều nên mọi cửa tiệm đều sốt sắng tìm cách thu hút khách hàng.
Có nơi chọn phong cách sang trọng. Tấm biển màu ghi xám lịch thiệp in hai chữ theo font Times New Roman xếp ngay ngắn cạnh nhau, cực kỳ hòa hợp với tông trắng chủ đạo. Kèm theo cái mác international vì có cả chi nhánh ở Nhật Bản, Trung Quốc thì quả thực rất dễ gây tò mò.
Nơi thì chọn đánh vào xu hướng. Khi mà con người ta đã có quá đủ mọi thứ đến mức dư thừa, phú quý sinh lễ nghĩa, giờ đây không chỉ ăn ngon mặc đẹp mà còn phải ăn đồ tốt cho sức khỏe. Lập tức, hai từ "gluten free" được in thật to rõ ràng trên mặt kính sáng choang, thu hút không biết bao nhiêu con người lo lắng cho tuổi thọ của mình. Giá cả cũng theo thế mà tăng lên.
Âu cũng là một chiến lược hay.
Đâu đó giữa phố Oberkampf, một tiệm bánh dường như đã bị thế giới lãng quên. Đúng theo nghĩa đen, không ai có thể tìm thấy nó trên bản đồ. Khách vãng lai sẽ chỉ đi ngang qua, nhìn lướt nó rồi rảo bước. Nằm ngoài cuộc cạnh tranh khốc liệt, tiệm bánh này thậm chí còn không có tên. Nó đứng ở góc giao nho nhỏ đó từ bao giờ chẳng ai biết. Ngần ấy năm tháng trôi qua, cư dân của khu phố chỉ cần mở mắt, nhìn thấy bức tường màu cam lỗi mốt của tiệm là họ có thể thở phào nhẹ nhõm, như được uống một liều thuốc an thần. Dù hôm nay bị sếp mắng, bị giật ví, bị trộm xe... thì nó vẫn còn ở đấy, già nua, cũ kỹ nhưng kiên cường đến kỳ lạ.
Cái màu cam hơi ngả sang màu thịt cá hồi của cửa tiệm đã từng là một màu sắc cực kỳ được ưa chuộng vào khoảng năm mươi năm trước nhưng rõ ràng thời thế đã thay đổi, không hiểu lý do vì sao ông chủ chưa bao giờ có ý định thay cho nó một bộ mặt mới hợp thị hiếu hơn. Thực lòng mà nói, ông chủ chẳng quan tâm đến bất kỳ điều gì, ngoại trừ việc làm bánh, hai đứa con và con chó giống Terrier gầy đét của ổng. Tiệm bánh là gia sản thừa kế từ thời cố tổ, năm nay ông chủ đã hơn năm mươi nhưng chắn chắn thằng con trai cả chưa từng có ý định nối nghiệp gia đình. Ông cũng không lấy làm buồn, bốn thập kỷ làm cái nghề này, ông thừa hiểu có bao nhiêu vất vả. Thằng con ông mới chỉ mười lăm, nó còn cả cuộc đời dài phía trước và ông thì tôn trọng quyết định của nó.
Như đã nói, ông chủ sống theo kiểu yolo, thế nên mọi công việc không bao gồm chữ "bánh", ông đều vứt lên lưng bà quản lý. Bà quản lý năm nay mới bốn hai, người đẫy đà, tròn trịa. Ngoài màu tường cam-cá-hồi của cửa tiệm ra, chắc hẳn người ta sẽ nhớ nhất bộ dáng mặc váy, đeo tạp dề trắng lúc nào cũng tất ba tất bật và mái tóc đỏ rực rỡ của bà. Chẳng ai biết tên, chỉ đơn giản gọi là bà Đỏ.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tiệm bánh phố Oberkampf
RomantikMỗi người đều nối với nhau bằng một sợi dây vô hình. Và những sợi dây kết lại ở tiệm bánh phố Oberkampf.