SINH LÝ CHUYỂN DẠBy Phạm Minh Thành | 31/03/2014
1. Đại cương
1.1. Một số định nghĩa
Chuyển dạ đẻ là một quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của ngời mẹ.
Một cuộc chuyển dạ đẻ xảy ra từ tuần lễ thứ 38 – 42 (trung bình là 40 tuần) gọi là đẻ đủ tháng. Khi đó thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập ngoài tử cung.
– Đẻ non là tình trạng gián đoạn thai ngén khi thai có thể sống được. Chuyển dạ đẻ non xảy ra khi tuổi thai từ tuần lễ thứ 22 – 37.
– Đẻ già tháng là hiện tượng chuyển dạ đẻ xảy ra sau 2 tuần lễ trở lên so với ngày dự kiến đẻ. Gọi là thai già tháng khi tuổi thai > 41 tuần.1.2. Thời gian chuyển dạ và các giai đoạn của chuyển dạ
– Thời gian chuyển dạ: ở người con so chuyển dạ lâu hơn con rạ
+ Con so: thời gian chuyển dạ trung bình từ 16 – 24 giờ
+ Con rạ: thời gian chuyển dạ trung bình từ 8 – 12 giờ
Gọi là chuyển dạ kéo dài khi thời gian chuyển dạ trên 24 giờ.
– Các giai đoạn của chuyển dạ:
+ Giai đoạn I: xoá mở cổ tử cung. Được tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hết. Giai đoạn này được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn Ia (tiềm kỳ): Tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở 4cm. Giai đoạn này cho phép kéo dài 8 – 10 giờ
Giai đoạn Ib (hoạt kỳ): Tính từ khi cổ tử cung mở > 4cm đến khi mở hết. Giai đoạn này cho phép kéo dài 7 giờ
+ Giai đoạn II: sổ thai. Tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi sổ thai. Giai đoạn này cho phép tối đa là 1 giờ
+ Giai đoạn III: sổ rau. Tính từ khi thai sổ đến khi rau sổ ra ngoài. Giai đoạn này cho phép tối đa là 1 giờ1.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán chuyển dạ
Chẩn đoán là chuyển dạ khi có 3 trong 5 tiêu chuẩn sau:
– Đau bụng từng cơn, tăng dần.
– Ra dịch nhầy hồng ở âm đạo.
– Có sự thay đổi ở cổ tử cung (cổ tử cung xoá và mở )
– Đầu ối được thành lập.
– Có sự tiến triển của ngôi thai sau mỗi cơn co tử cung.1.4. Động lực của cuộc chuyển dạ
Động lực của cuộc chuyển dạ là cơn co tử cung. Dưới tác dụng của cơn co tử cung thì cả người mẹ, thai nhi và phần phụ đều có sự thay đổi:
– Người mẹ: cổ tử cung xoá và mở, đoạn dưới thành lập, thay đổi ở đáy chậu.
– Thai nhi được đẩy ra ngoài qua các giai đoạn lọt, xuống, quay, sổ.
– Phần phụ: thành lập đầu ối, rau bong và sổ.2. Nguyên nhân gây chuyển dạ
Cho đến nay, cơ chế thật sự của sự phát sinh ra cuộc chuyển dạ đẻ còn chưa được rõ và đầy đủ. Tuy nhiên, có một số giả thuyết được đa số chấp nhận.2.1. Prostaglandin
Các Prostagladin là những chất có thể làm thay đổi hoạt tính co bóp của cơ tử cung. Sự sản xuất PGF2 và PGE2 tăng dần trong quá trình thai nghén và đạt tới giá trị cao trong nước ối, màng rụng và trong cơ tử cung vào lúc bắt đầu chuyển dạ.
Người ta có thể gây chuyển dạ bằng cách tiêm Prostaglandin dù thai ở bất kỳ tuổi nào.
Sử dụng các chất kháng Prostaglandin có thể làm ngừng cuộc chuyển dạ.
Các chất Prostaglandin tham gia làm chín muồi cổ tử cung do tác dụng lên chất Collagen của cổ tử cung.2.2. Estrogen và progesteron
Trong quá trình thai nghén, các chất estrogen tăng lên rất nhiều làm tăng tính kích thích các sợi cơ tử cung và tốc độ lan truyền của hoạt động điện. Cơ tử cung trở nên mẫn cảm hơn với oxytocin. Estrogen làm tăng sự phát triển của lớp cơ tử cung và làm thuận lợi cho việc tổng hợp các Prostaglandin.
Progesteron có tác dụng ức chế với co bóp của cơ tử cung. Nồng độ Progesteron giảm ở cuối thời kỳ thai nghén làm thay đổi tỷ lệ estrogen/ progesteron là tác nhân gây chuyển dạ.