1. KHÁI NIỆM
Chuyển dạ đẻ là một quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đẩy ra khỏi tử cung và đường sinh dục của người mẹ.
2. PHÂN LOẠI
– Đẻ thường là cuộc chuyển dạ diễn ra bình thường theo sinh lý, thai nhi được đẻ qua đường âm đạo, không can thiệp gì.
– Đẻ đủ tháng là cuộc chuyển dạ từ đầu tuần thứ 38 (259 ngày) đến cuối tuần thứ 41 (287 ngày).
– Đẻ non tháng khi tuổi thai từ 22 tuần (154 ngày) đến 37 tuần.
– Thai già tháng khi tuổi thai quá 41 tuần ( 287 ngày)
– Sẩy thai là sự chấm dứt thai nghén trước khi thai có thể sống được, thai dưới 22 tuần, nặng dưới 500g
3. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA CHUYỂN DẠ3.1. Chuyển dạ có 3 giai đoạn
– Giai đoạn xóa mở cổ tử cung
– Giai đoạn sổ thai
– Giai đoạn sổ rau
3.2. Động lực của cuộc chuyển dạ
Cơn co tử cung là động lực của cuộc chuyển dạ đẻ. Rối loạn co bóp của tử cung có thể làm cho cuộc chuyển dạ bị kéo dài hoặc gây các tai biến cho người mẹ và cho thai nhi.
3.3. Đặc điểm cơ co tử cung
– Cơn co tử cung xuất hiện một cách tự nhiên ngoài ý muốn của sản phụ. Cơn co tử cung gây đau. Ngưỡng đau phụ thuộc theo từng sản phụ. Khi áp lực cơn co đạt tới 25-30 mmHg, sản phụ bắt đầu cảm thấy đau. Cơn đau xuất hiện muộn, sau khi có cơn co tử cung và mất đi trước khi hết cơn co tử cung.
– Điểm xuất phát của cơn co tử cung nằm ở một trong hai sừng của tử cung. Thông thường ở sừng phải tử cung. Sự lan truyền cơn co tử cung cũng theo hướng từ trên xuống dưới. Tốc độ lan truyền cơn co 1-2cm/giây.
– Cơn co tử cung có tính chu kỳ và đều đặn, mau dần lên, dài dần ra, khi bắt đầu chuyển dạ chỉ dài 15 đến 20 giây, sau đạt tới 30 – 40 giây ở cuối giai đoạn xóa mở cổ tử cung. Cường độ cơn co tử cung cũng tăng dần lên. Áp lực cơn co khi mới bắt đầu chuyển dạ từ 30-35 mmHg tăng dần lên đến 50 – 55 mmHg.
– Cơn co tử cung có tình chất ba giảm: áp lực cơn co tử cung giảm dần từ trên xuống dưới, thời gian co bóp của cơ tử cung cũng giảm dần từ trên xuống dưới
– Số lượng cơn co tử cung trong một cuộc chuyển dạ đẻ thay đổi từ 70- 180, phụ thuộc vào số lần đẻ, đẻ dễ hay khó và chất lượng cơ tử cung.
3.4. Cơn co tử cung và cơn co thành bụng trong giai đoạn sổ thai
Trong giai đoạn hai của cuộc chuyển dạ đẻ, cơn co thành bụng phối hợp với cơn co tử cung đẩy thai ra ngoài. Cơ hoành được đẩy xuống thấp trong ổ bụng, các cơ thành bụng co lại làm giảm thể tích ổ bụng, áp lực của ổ bụng tăng lên ép vào đáy tử cung góp phần đẩy thai xuống. Áp lực cơn co tử cung ở cuối giai đoạn hai đã tăng cao cùng với cơn co thành bụng sẽ tạo thành áp lực trong buồng ối tăng lên tới 120- 150mmHg. Như vậy là áp lực cơn co thành bụng rất cao mà một nửa áp lực này do cơ hoành gây ra. Do vậy việc hướng dẫn sản phụ biết cách rặn đẻ rất có giá trị.