Chị sẽ phân tích từ trung đại cho đến hiện đại nên mấy đứa thông cảm nếu bài mấy đứa cmt mà chưa được đăng nhé!
1. Tác giả
- Nguyễn Dữ là gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam thế kỷ 16, học trò của Tuyết giảng phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Nổi bật là tập "Truyền kỳ mạn lục" được xem là "thiên cổ kỳ bút".
2. Tác phẩm.
- "Chuyện người con gái Nam Xương" thuộc thiên thứ 16 và là câu chuyện tiêu biểu cho tập truyện này, thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến đồng thời khẳng định vẻ đẹp của họ.
- Truyện lấy bối cảnh với các cuộc nội chiến kéo dài của các triều đại phong kiến mục nát Lê, Mạc, Trịnh đã gây nên bao oan trái, biết bao sự đổ vỡ của bao gia đình. Một gia đình sống ở bến sông Hoàng Giang vào thế kỷ 16, một cái chết oan uổng của người vợ trẻ đã thức tỉnh con người, căm phẫn và tố cáo chiến tranh phi nghĩa.
3. Phân tích
a) Vẻ đẹp của Vũ Nương.
Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương "Tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp" tạo ấn tượng cho bạn đọc về chân dung một người phụ nữ Việt hoàn hảo cũng là cơ sở cho bạn đọc bênh vực Vũ Nương.
Sau đó Nguyễn Dữ đi sâu vào miêu tả nét đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật trong các mối quan hệ và các tình huống khác nhau.
*Mối quan hệ vợ chồng để thấy được Vũ Nương là người phụ nữ thủy chung son sắt trong tình nghĩa vợ chồng.+ Trong cuộc sống vợ chồng bình thường: biết Trương Sinh có tính đa nghi nên nàng luôn "giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà". Một người con gái tinh tế và khéo léo khi biết vun vén, giữ gìn hạnh phúc của chính mình, một người vợ hiền thục nết na và đúng mực.
+ Khi tiễn chồng đi lính: Hạnh phúc êm ấm tưởng bền lâu, không ngờ đất nước xảy ra binh biế , Trương Sinh phải đầu quân ra trận ở biên ải xa xôi. Buổi tiễn chồng đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, xót xa, đằm thắm. Chén rượu biệt ly này lại càng mong sẽ có ngày trùng phùng. "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi"
*Mở rộng: liên hệ với "Nỗi oán của người phòng khuê" của Vương Xương Linh.
"Xa xa chợt thấy màu dương liễu.
Hối để chàng đi kiếm tước hầu."
Từ đó thấy được ước mơ bình dị về một mái ấm của người phụ nữ. Vũ Nương đặt hạnh phúc gia đình lên trên, xem thường mọi công danh phù phiếm. Nàng còn cảm thông trước nỗi vất vả gian lao mà chồng chịu đựng "Chỉ e việc quân khó liệu, giặc cuồng còn lẩn lút mà mùa dưa chín quá kỳ, khiến thiếp ôm nỗi quan hoài, mẹ già triền miên lo lắng". Qua lời nói dịu dàng, nàng còn bộc lộ nỗi khắc khoải nhớ thương với Trương Sinh, không chỉ là cái tình mà còn là cái nghĩa đúng mực của người vợ: " Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rũ bãi hoang mà thổn thức tâm tình thương người đất thú! Dù có thư tín ngàn hàng cũng không sợ có cánh hồng bay bổng". Một trái tim giàu lòng yêu thương và mạnh mẽ, kiên định biết chịu đựng thử thách, biết đợi chờ để yên lòng người đi xa. Để rồi những lời nói của nàng khiến " mọi người đều ứa hai hàng lệ"
+ Khi xa chồng: Vũ Nương ngày ngày đợi chờ, ngóng trông đến thổn thức. Tuổi xuân của người phụ nữ nhanh chóng lụi tàn, ai mà chẳng biết "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" người đi chinh chiến có mấy ai trở về, thế nhưng nàng vẫn nuôi hy vọng, vẫn luôn biết giữ mình, luôn vững tâm "ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót". Nỗi nhớ thương kéo dài theo năm tháng, thời gian là thước đo cho sự thủy chung và son sắt, trường độ nỗi nhớ ngày một kéo dài:" Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được". Nàng thương chồng, cũng như thương cho chính mình đêm ngày đối mặt với nỗi cô đơn vò võ. Tâm trạng nhớ thương đau buồn ấy cũng là tâm trạng của bao người chinh phụ xưa kia.
*Mở rộng: "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn do Đoàn Thị Điểm dịch
"Lòng này gửi gió Đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong"
BẠN ĐANG ĐỌC
Văn tuyển sinh thi vào lớp 10
Thơ ca:) chỉ là lâu lâu rảnh rỗi sẽ nêu ra kinh nghiệm thi cử cho các bé chuẩn bị vào lớp 10 nha! Đương nhiên không có gì là hoàn hảo, vì kinh nghiệm mỗi người mỗi khác. Trong đây có sưu tầm và tuyển chọn văn mẫu. Thân ái! Các em thi tốt.