Từ cổ chí kim, cứ nói đến bọn giặc cướp, trong mắt người đời kẻ nào cũng đều là hạng đáng bị chết băm chết vằm, bại hoại xấu xa vô cùng. Nhưng ngẫm cho kỹ từ triều thần thiên tử cho đến sĩ nông công thương, ba trăm sáu mươi nghề trong thiên hạ từ sang tới hèn thiếu gì những tên tặc tử táng tận lương tâm, chuyên dùng thủ đoạn gian trá để lừa dối người khác? Trộm lớn cướp nước, trộm vừa cướp nghĩa, trộm nhỏ cướp danh, thành làm vua thua làm giặc, chỉ có những kẻ mạt hạng nhất mới đi cướp của cải.
Thường có câu "đạo bất đạo, phi thường đạo"("Trộm mà không trộm người có đạo, không phải là kẻ trộm tầm thường"), hoặc "Đạo diệc hữu đạo, đạo bất ly đạo"("Trộm cũng có đạo, trộm không rời xa đạo"). Xưa nay trong giới Lục Lâm chuyên gây bè kết đảng, tụ nghĩa chia của cũng không hiếm bậc anh hùng hào kiệt làm nên sự nghiệp người thường khó mà tưởng tượng nổi, những hạng bàng môn tả đạo không thể đem ra so bì được. Trong đó, nổi danh nhất phải kể đến phái Xả Lĩnh.
Người phái Xả Lĩnh hoặc phân tán khắp thiên hạ, hoặc tụ tập chốn sơm lâm, thờ Quan Đế, đồng thời tôn Tây Sở Bá Vương làm sư tổ, cứ có mộ cổ mả lớn là lũ lượt kéo đến, chung sức khai quật, hủy thây dẹp gò, vét sạch châu báu không để lại thứ gì, học theo nghĩa quân Xích Mi thuở trước.
Thử nhìn lại lịch sử các triều đại sẽ thấy, thời nào cũng có những câu chuyện đổ đấu quật mộ của đám người phái Xả Lĩnh, nếu kể ra, những hành động muôn phần quái dị, kinh hồn bạt vía đó quả không thua gì sự tích của các Mô Kim hiệu úy.
Phái Xả Lĩnh luôn tụ tập hành sự, khai quật cổ mộ, vượt qua hiểm nguy trở ngại, cũng không chỉ dựa vào thân thủ nhanh nhẹn và sức đông người. Chính như câu "trộm cũng có thuật", "thuật" của phái Xả Lĩnh thảy đều nằm trong các món khí giới đã lưu truyền gần hai ngàn năm, lập nên nhiều kỳ sự xưa hiếm nay không. Nhưng sự vật trong thiên hạ hưng vong đều do số có sinh tất có diệt, Lực sĩ Xả Lĩnh xuất hiện thời loạn nhà Hán, thịnh thời Đường Tống, suy thời Minh Thanh, đến thời Dân Quốc thì im hơi lặng tiếng, đến nay coi như đã thất truyền.
Các thủ thuật của bốn phái Phát Khưu, Mô kim, Ban Sơn, Xả Lĩnh đều không nằm ngoài tứ quyết "vọng, văn, vấn, thiết", tứ quyết phân làm bát pháp, chia làm thượng và hạ. Ví như thượng pháp của "vọng" chính là trên xem thiên tính dưới dò địa mạch, hạ pháp là nhìn vết bùn, phân sắc cỏ, giữa thượng pháp và hạ pháp chênh lệch nhau rất xa, nhưng đều có đạo lý riêng, kỹ năng tầm thường không thể sánh kịp. Thường có câu "trong bảy mươi hai nghề, nghề trộm mộ là vua", "tứ quyết bát pháp" của cổ thuật trộm mộ thảy đều có trong quyển Ba của phần II Ma Thổi Đèn, "Thi Vương Tương Tây".
Giới thiệu :
Thi Vương Tương Tây tiếp tục bộ kỳ thư về nghề trộm mộ của tác giả Thiên Hạ Bá Xướng, một siêu phẩm kết hợp da vinci code và tomb raider đã thống trị bảng xếp hạng sách trung quốc nhiều năm qua.
...
Đi tìm nội đơn cứ Đa Linh khỏi thuật Giáng Đầu, bọ Hồ Bát Nhất lần theo manh mối, tới lão Trần mù, nghe lão kể lại sự tích Xả Lĩnh Ban Sơn năm xưa hợp sức trộm mộ Bình Sơn.Lần đầu tiên, thủ thuật trộm mộ, khí giới độc môn, bí thuật chân truyền của hai phái Ban Sơn Xả Lĩnh được tiết lộ. Nào thang rết trèo vực sâu khều xác chết, Xuyên Sơn Quật Tử Giáp đào núi xuyên hầm, Khôi Tinh Thích Đẩu đương đầu cương thi, Bác Long trận đối phó quái vật....., tất cả liệu có đủ giúp các bậc tiền bối nghề đổ đấu vượt qua trùng trùng hiểm nguy mỗi lúc một nằm ngoài sức tưởng tượng?
Bí mật nào chờ đợi họ chốn đơn cung điện các ẩn trong lòng núi thâm u? Và trên hết, phải chăng tồn tại một mối dây liên kết những bí mật ấy với các trải nghiệm phiêu lưu trước giờ của nhóm Mô Kim Hiệu Uý?
BẠN ĐANG ĐỌC
Ma Thổi Đèn Tập 7: Thi vương Tương Tây
Phiêu lưuMa Thổi Đèn tập 7 - Thi Vương Tương Tây Truyện up lên chỉ để lưu trữ cá nhân, không nhằm mục đích thương mại.