Chương 2: Na Tra Bát Tý

416 7 0
                                    

Tôi nghe Kiều Nhị gia nói trong ngôi mộ dưới khu nhà ông này "có nước mà không có cá" cũng lấy làm lạ, bởi tôi biết mộ cổ thời Nguyên thường áp dụng theo thuật phong thủy Mật tông chôn sâu táng lớn, trên mặt đất không có lối vào, cũng không trồng cây, trước nay vẫn là loại khó tìm nhất. Trong ám ngữ của dân đổ đấu, đồ gốm sứ trong mộ cổ gọi là "nước", mà loại minh khí bồi táng thường thấy nhất trong mộ cổ đời Nguyên chính là đồ gốm sứ. Nghệ nhân đổ đấu xưa nay đều gọi xác cổ đời Nguyên là "cá", vì mộ chủ đời Nguyên khi nhập liệm hạ táng, đều được bọc một tấm lưới đánh cá rồi mới cho vào quan tài, đây cũng là tập tục của người Sắc Mục ( Người sắc mục : thời nhà Nguyên, tất cả các dân tộc từ vùng Tây Bắc, Tây Vực đến châu Âu ngoại trừ Mông Cổ ra, đều gọi là người Sắc mục ) theo Mật tông, người đời nay đa phần khó mà hiểu nổi.

Nếu nói "có nước mà không có cá" nghĩa là trong hầm mộ chỉ có đồ gốm sứ mà không có xác cổ, lẽ nào là loại mộ chỉ chôn áo quan và di vật? Tôi và Tuyền béo đều rất hứng thú với chuyện đổ đấu, tính hiếu kỳ trỗi dậy, liền giục lão mau kể tường tận, tốt nhất là nói xem những thứ "nước" ấy thế nào, trị giá liệu được bao nhiêu.

Thì ra Kiều nhị gia năm xưa nhờ đổ đấu phát tài to, nay đã rửa tay gác kiếm nhiều năm, chỉ chuyên buôn bán đồ cổ tranh chữ. Lão xuất thân giống với tổ tiên nhà Răng Vàng, là phường trộm vặt dân gian, biết được chút bản lĩnh xem vết bùn, phân màu cỏ, khứu giác và vị giác nhạy cảm bẩm sinh, cả đời không rượu không thuốc, hễ nhắc chuyện đổ đấu năm xưa với đồng nghiệp liền hớn hở tự cho mình là bậc nguyên lão, dáng vẻ rất đắc ý.

Bố cục thành Bắc Kinh ngày nay khởi nguồn từ thành Đại Đô nhà Nguyên bảy trăm năm trước, do kỳ nhân thuật số Lưu Bình Trung thiết kế. Nghe nói trong lòng đất thành này có nghiệt long thủy quái ẩn mình, cho nên thành trì được kiến tạo theo hình dáng Na Tra Bát Tý, trấn long áp quái để giữ yên vương khí. Trong bố cục thành trì đã giấu đi ba đầu sáu tay và hai cái chân, còn lại lục phủ ngũ tạng đều đầy đủ, đây cũng là một dạng bố cục phong thủy phức tạp, dưới lòng đất chôn xác không biết bao vương công quý tộc.

Tổ tiên Kiều Nhị gia trước là người Khâm Thiên giám, sau được cử đi biên soạn Tứ khố toàn thư, lâu dần học hết cuốn Âm dương ngũ yếu, rất tâm đắc với thuật phong thủy âm dương và thiên tinh tướng pháp. Truyền đến đời Kiều Nhị gia, lão liền cậy vào chút bản lĩnh phong thủy sơ sài ấy, cùng với khả năng xem vết bùn phân màu cỏ, liên tiếp mò được mấy ngôi mộ cổ. Khi đào ngôi mộ cổ đời Nguyên này, vừa gạt lớp đất phía trên ra, từ trong hầm mộ có mấy làn khí đen xông thẳng lên trời, đợi hai ngày sau khí đen tan hết lão mới dám vào trong, tới trước cửa địa cung thì phát hiện trên cánh cửa khảm đầy ngọc.

Mừng vui khôn xiết, lão bèn lấy tay cạy, nhưng chúng nát ngay thành bột mịn, lớp bụi màu đỏ lúc gần lúc xa, nhìn kỹ lại mới biết là chu sa từ mấy trăm năm trước. Bên trong mộ cổ đời Nguyên thường có chu sa, chuyện này không có gì lạ, nhưng lão vẫn không khỏi thất vọng, Lão phá cửa vào, thấy trong mộ thất có dây sắt treo quan tài, quan quách được treo lơ lửng trên cao bằng vòng sắt, phòng khi nước mưa hoặc nước ngầm tràn vào làm ướt quách gỗ.

Ma Thổi Đèn Tập 7: Thi vương Tương TâyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ