Chương 55: Dối Trên Gạt Dưới

203 0 0
                                    

  Giáo sư Tôn vì tìm kiếm bảo tàng mộ cổ thành Địa Tiên đã đổ biết bao công sức, cuối cùng lại chẳng được gì. Tư liệu về phái trộm mộ Quan Sơn thái bảo đời Minh lão thu thập chỉnh lý suốt mấy năm nay, hết thảy đều ghi trong cuốn nhật ký công tác này, nhiệt huyết đến cuối cùng đã có phần nguội lạnh.

Nhưng trong quá trình nghiên cứu về Quan Sơn thái bảo, từ những lời đồn đại trong nhân gian và ghi chép trong sách sử, lão đã tìm hiểu được rất nhiều bí mật về hoạt động trộm mộ thời cổ đại, biết được từ xưa trên đời đã không có người bất tử, cũng không có mộ nào là không thể đào, chỉ cần là mộ cổ thì sớm muộn cũng có ngày bị quật lên. Thuật trộm mộ không nằm ngoài tứ quyết "vọng, văn, vấn, thiết".

"Vọng" là quan sát hình thế phong thuỷ, trên xem thiên văn dưới dò địa mạch để xác định vị trí và bố cục của mộ cổ, quyết này yêu cầu phải hiểu rõ mạch đập của dãy núi dòng sông cùng nhật nguyệt tinh tú, thực vô cùng sâu xa huyền diệu, những tay trộm mộ thông thường không thể nắm được; ngoài cách xem mộ này, còn có thể thông qua quan sát sự khác thường của mặt đất, thổ nhưỡng và cây cỏ để tìm huyệt mộ, gọi là "nhìn vết bùn phân sắc cỏ".

"Văn" cũng chia hai cách: nghe và ngửi, có những người được trời phú cho khứu giác vô cùng tinh nhạy, có thể dùng mũi phân biệt các mùi vị đặc thù nơi núi cao rừng sâu; lại có người thính giác nhạy bén, luyện đến trình độ "gà báo sáng, chó canh đêm", có thể lắng nghe mọi âm thanh của thế giới tự nhiên, đoán được tình hình dưới lòng đất, nếu thính giác bình thường cũng có thể nhờ vào công cụ trợ giúp, ví như "Ung thính pháp" chôn hũ xuống đất dùng tai nghe ngóng mộ huyệt.

"Vấn" tức thông qua "hỏi thăm" cư dân bản địa, tìm hiểu thông tin và vị trí mộ cổ từ một góc độ khác, may mắn có thể đạt được kết quả không ngờ; ngoài ra còn có một cách tương đối thần bí, đó là hỏi trời, nghe nói dân trộm mộ thời cổ có thể thông qua gieo quẻ để suy đoán, xác định kết cấu mộ cổ cũng như hung cát trong mộ, nhưng thuật này đã tuyệt tích từ lâu, đến nay không còn ai thông hiểu.

Cuối cùng là "thiết", chủ yếu là các phương pháp đào mồ quật mả của dân trộm mộ, như làm thế nào lợi dụng sơ hở, dùng các loại công cụ đào bới huyệt động, bao gồm Phân kim định huyệt, đào thẳng xuống địa cung, rồi xẻ núi rẽ trời bằng cuốc to xẻng lớn, lại cả dùng tê tê Huyệt Lăng đào hầm thông mộ.

Giáo sư Tôn biết thì nhiều vậy, chứ "vọng, văn, vấn, thiết" vốn là tuyệt học đổ đấu lưu truyền đã mấy ngàn năm, dù có thể nghe ngóng trong dân gian, nhưng không được truyền thụ thực sự thì không có cách nào nắm được, huống hồ đa phần những cổ thuật trộm mộ này đều đã thất truyền từ lâu.

Thông thường đến nước này cũng đủ để nản lòng rồi, nhưng Tôn Học Vũ tính tình bảo thủ, đã tâm niệm việc gì thì hết sức cố chấp, lão chưa đến Hoàng Hà chưa nản chí, chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ, vẫn muốn đi tìm Địa Tiên đến mức quên ăn quên ngủ, đêm ngày vọng tưởng tới quẻ bói thiên cơ giấu trong Toàn Cơ lâu.

Ông trời có lẽ không phụ người có tâm, Tôn Học Vũ trong một lần sắp xếp lại hiện vật cổ tịch vô tình biết được một bí sử. Vào thời Chu Mục vương từng có một chiếc đỉnh cổ được đúc từ long khí Nam Hải, trên đỉnh có tấm gương cổ và bốn quẻ phù, chiếc đỉnh đến từ Quy Khư được làm bằng chất liệu đồng xanh hiếm có, do hải khí ngưng tụ trong đỉnh đồng nên đồng tính vẫn nguyên vẹn sau cả ngàn năm, niên đại càng lâu thì sắc đồng xanh lục càng sậm.

Gương cổ và quẻ phù khảm trên đỉnh đồng đều là tinh tuý của thuật soi đuốc diễn quẻ thời Tây Chu, có thể lợi dụng hải khí tích tụ trong đồng xanh mà suy diễn tượng mai táng. Người xưa mê tín tin vào hình thế lý khí trong phong thuỷ, trong đó quan trọng nhất chính là "khí", còn gọi là "sinh khí" trong long mạch, những dị tượng ảo ảnh giữa biển khơi đa số đều do hải khí biến đổi mà thành. Hải khí trong Quy Khư tức là "long khí trong long mạch". Bất cứ mảnh nhỏ nào trên chiếc đỉnh cổ Quy Khư cũng có thể biến một huyệt mộ vô cùng bình thường thành nơi có phong thuỷ quý sinh khí ngưng kết, còn gương cổ trên đỉnh đồng lại có thể dùng để suy đoán vị trí mộ cổ.

Lúc đầu giáo sư Tôn hoàn toàn không tin cổ đỉnh Quy Khư có thật, nhưng qua thời gian dài khảo chứng, lão mới biết chuyện này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng đỉnh đồng từng là vật bồi táng chôn cùng Chu Mục Vương, về sau khi lăng tẩm Chu Mục Vương bị khai quật, chiếc đỉnh đồng được phát hiện đã bị sét đánh vỡ, tấm gương và bốn tấm cổ phù lần lượt bị người ta lấy mất, từ đó thất lạc bốn phương.

Truyền thuyết dân trộm mộ gieo quẻ hỏi trời tìm cổ mộ đại táng trong lịch sử rất có thể bắt nguồn từ chiếc đỉnh cổ Quy Khư. Nghe nói gương cổ Quy Khư vô cùng phức tạp thâm ảo, thông qua chỉ dẫn của quẻ phù, có thể dựa vào biến hoá tụ tán của sinh khí xung quanh mà hiện lên các quẻ tượng khác nhau. Giáo sư Tôn biết quẻ phù Chu Thiên tổng cộng có mười sáu quẻ, trên chiếc đỉnh cổ chỉ có bốn quẻ long, quỷ, nhân, ngư, chuyên dùng để quan sát huyệt khí âm dương, dùng nó để phá giải quẻ tượng Long Cốt Tây Chu tuy là việc không thực tế lắm, nhưng đây là điểm đột phá quan trọng, dựa vào kinh nghiệm tích luỹ của lão trong mấy chục năm chuyên tâm nghiên cứu mật văn phù hiệu cổ đại, ít nhất cũng có vài phần tự tin sẽ đọc được quẻ tượng hiện ra trên bốn quẻ này, chỉ cần có trong tay chiếc gương đồng huyền cơ vô song kia là có tia hy vọng tìm ra thành Địa Tiên.

Nhưng đến tận giờ, những giả tưởng ấy vẫn chỉ là một toà lâu trống rỗng trong đầu giáo sư Tôn. Sau khi cổ đỉnh Quy Khư nứt vỡ, đỉnh đồng liền bị nấu chảy để đúc thành lò đơn, gương cổ và quẻ phù thất lạc từ đó, chúng đều là những mật khí phong thuỷ trong mắt người xưa, có trời mới biết đã bị tay mộ chủ có con mắt tinh đời nào đó mang theo xuống suối vàng rồi. Giáo sư Tôn không tiền không thế, chỉ dựa vào mỗi sức lực, muốn tập hợp chúng lại xem chừng quá khó.

Nhưng cổ nhân có câu ý trời khó lường, cơ duyên vừa vặn, lão quả thực đã đợi được đến lúc cơ hội tới. Cách đây hai năm, giáo sư Tôn đi công tác ở Nội Mông, ở nhờ nhà một người chăn gia súc, được nghe kể một câu chuyện vô cùng kỳ lạ, khi ấy thảo nguyên Nội Mông đã bị sa mạc hoá nghiêm trọng, nhưng có một nơi cỏ xanh vẫn tốt tươi, nhìn xa như một bãi cỏ xanh ngắt, diện tích không lớn lắm, ước khoảng vài chục mét vuông.  

Ma Thổi Đèn Tập 7: Thi vương Tương TâyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ