Chương 13: Tan Chảy

166 1 0
                                    

Đúng lúc mọi người đang nóng lòng sốt ruột, bỗng có tiếng tên xé gió từ vực sâu lao vút lên không trung, đó chính là tín hiệu hai kẻ do thám phát ra, thông báo dưới đáy vực không có khí độc.

Đám trộm ồ lên hoan hô, ai nấy kéo tay xắn áo, xin được xuống dưới tác chiến, lão Trần cầm đầu phái Xả Lĩnh mấy năm, biết rõ thời buổi này không còn như thời Tống Giang, muốn làm kẻ dưới phục tùng không thể chỉ nhờ vào cái lỗ miệng, ngoài trọng nghĩa khinh tài, còn phải tiên phong đi đầu, đồng cam cộng khổ, lúc đào mồ cần đích thân xông xáo, không ngại hiểm nguy, phải tỏ rõ bản lĩnh hơn người trước mặt thuộc hạ thì cái ghế thủ lĩnh này mới ngồi vững được. Lão lập tức chọn ra hai ba chục tên tay chân thân thủ nhanh nhẹn, rồi đích thân dẫn đầu, bắt thang rết leo xuống vực.

Độc vật dưới vực sâu có thể chỉ là sợ ánh sáng, hoặc tạm thời bị vôi bột xua đuổi, nên tạm náu vào ngõ ngách nào đó, giờ để cả đoàn cùng vào địa cung vận chuyển bảo vật e vẫn còn quá sớm, chỉ đành dẫn nhóm quân cảm tử tinh nhuệ xuống trước quét sạch hiểm họa ẩn nấp nơi đáy vực.

Mấy chục người dùng móc thừng mềm và thang rết xuyên qua lớp mây mù tụt xuống vách đá, thang tre quẹt qua làm đất đá trong các khe nứt rơi lả tả. Khoảng cách giữa hai bên vách đá khá hẹp khiến âm thanh bị bưng kín, một viên đá nhỏ rơi xuống cũng có thể phát ra tiếng động rất lớn, lỗ tai người nào người nấy lùng bùng tiếng vọng đá rơi. Vách đá rêu xanh trơn trượt, dây leo chằng chịt, chỉ lơ là một chút là có thể trượt chân rơi xưống, hoặc chẳng may thang rết bị tuột thì cả bọn coi như mất mạng. Một thử thách khảo nghiệm cả tinh thần lẫn thể lực, song đám trộm đều là những tên bạt mạng, theo thủ lĩnh nín thở ngậm tăm, lẳng lặng leo xuống đáy vực.

Càng đi sâu vào lớp sương mây, ánh sáng càng tù mù, hai bên vách đá ướt đẫm nước, khí lạnh bức người, toán trộm ước chừng địa cung đã ở không xa, âm khí càng lúc càng nặng nề, mộ cổ táng lớn chắc nằm ngay trước mắt, tinh thần cả bọn phấn chấn hẳn lên. Thời đó phương thức thắp sáng trong núi chủ yếu chỉ có đốt đuốc bằng tre hoặc nhựa cây, đèn bão dùng dầu hỏa là thứ xa xỉ không phải ai cũng có tiền dùng. Vậy mà dân trộm mộ không chỉ sắm được đèn bão, đèn măng sông, còn tậu được cả đèn mỏ từ tay chủ hầm mỏ Đông Dương, tóm lại là đa dạng muôn vẻ, không trang bị đồng nhất. Bấy giờ đèn mỏ đèn bão mỗi người đeo bên mình đều được bật lên, bỗng chốc trên vách núi ẩm thấp mịt mùng như có đến mấy chục con đom đóm lập lòe nhấp nhô lên xuống.

Lão Trần có cặp dạ nhãn nên không cần đèn cũng chẳng cần đuốc, là người đầu tiên xuống vực, cũng là người chạm đáy trước tiên. Khe nứt trong núi Bình Sơn càng xuống sâu càng chật hẹp, chỗ hẹp nhất hai người đứng không đủ cựa mình, gọi là đã tới đáy, chứ thực ra vết cắt trong lòng núi vẫn còn kéo dài xuống dưới nữa.

Một hang động đá vôi rất lớn lộ ra trong khe núi, lòng hang sâu rộng, chỉ nghe gió dữ rít gào, tuy tầm nhìn bị hạn chế nhưng vẫn có thể cảm nhận không khí tối tăm nặng nề hết sức bên trong. Ngay phía dưới khe nứt là một tòa điện thờ sừng sững thâm nghiêm, lợp ngói lưu ly như vảy cá, nằm lọt thỏm vào lòng hang, bên trên mái ngói phủ đầy vôi bột vừa ném xuống, bên dưới rui mộc lộ ra cả. Trên nóc hang đóng một lớp sương thủy ngân, xem ra trước đây trong địa cung từng có rất nhiều thứ này, nhưng đến nay đã bốc hơi hết qua khe nứt, chỉ để lại vô vàn những đốm đen sì loang lổ. Lão Trần rón rén bước trên thanh rui mộc, tới một nơi chắc chắn bèn dừng lại cất tiếng hú gọi Trại Hoạt Hầu và Địa Lý Băng.

Ma Thổi Đèn Tập 7: Thi vương Tương TâyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ