239 24 1
                                    



Rồi thằng Mân lớn hơn một chút, nó học được của ba nó cái tính quyết đoán. Cũng năng nổ giúp anh Kỳ nom chăm nhà cửa sớm chiều. Năm đó giải phóng rồi, anh Kỳ thì do tai nạn chiến tranh nên cũng chẳng làm được việc gì nặng nhọc. Được cái hồi còn khỏe mạnh cũng lập được chiến công, nên nhà nước có cấp chút tiền gạo cho hai ba con. Mà nước ta cũng mới yên bình, sau chiến tranh dân vẫn còn đói kém nên lâu lâu họ mới cấp.

Anh Kỳ kể. Hồi đó ảnh non lắm, mà có mấy anh chị trong đội mến, chỉ dẫn nên lanh. Tại ba má ảnh đều đi làm cách mạng hi sinh cả ngoài chiến trường, ngoại ảnh già lúc chạy nạn bà cũng qua đời, không có nơi tựa nương nên xin mãi mới được làm lính. Ban đầu chỉ đi đưa thư, mà ảnh hăng hái quá thế là được cho vào đội thám thính. Không biết ảnh có đùa không chứ nghe như thật. Lúc ảnh bị thương về lại làng ai cũng tiếc.

Mà thằng Mân càng lớn càng ít nói. Có buổi chiều ba nó cũng chịu khó xuống bếp. Quanh năm đói nghèo ăn khoai với bắp là chủ yếu. Được bữa hôm đó bác Tích cho con cá, anh Kỳ đợi nó đi học về rồi ngồi cùng ăn.

Thằng Mân vừa bước vô nhà là ảnh vội chống cái nạng ra xách giùm nó quyển vở với cây bút vàng vàng. "Để ba cất cho, xuống bếp ăn cơm đi, nay bác Tích ổng cho được con cá ngon lắm."

Nó im im. Cũng lại ngồi. Anh Kỳ đi cất vở cho nó rồi quay lại. Ảnh gắp miếng cá bỏ vào bát nó, nó cũng ăn không nói gì. Rồi ảnh mới mỉm mỉm, cười hiền với con.

"Ủa nay có chuyện gì khiến thằng Mân của ba không vui hả?"

"Con muốn nghỉ học."

Anh Kỳ dừng ăn. Ảnh sững người, đặt bát xuống bàn cau mày hỏi: "Sao lại nghỉ?"

"Thấy nhà mình cực quá giờ làm gì đủ tiền cho con theo. Con học tới lớp 9 biết cái chữ là được rồi ba." Nó nói, mặt nó trở nên sầm lại, có chút buồn bã lắng lo.

Anh Kỳ không biết thằng Mân buồn do thấy ảnh khổ quá. Ảnh khăng khăng: "Ba lo được. Cứ học tiếp đi."

Mân nó đâm ra cáu. Thằng nhỏ chỉ biết có mỗi nó thương ba hơn là thương chính mình, chứ ba Kỳ của nó chẳng bao giờ nghĩ thương cho bản thân. Nó nhớ đến cảnh ảnh thì như đó mà suốt ngày chống nạng làm đủ thứ việc quá sức, rồi nó đưa ánh mắt cương quyết dòm ảnh. "Con không muốn đi học nữa."

Anh Kỳ tức tối quăng đôi đũa xuống bàn, ảnh gằn giọng: "Ba bảo mày học thì mày cứ học đi, con nít hơi đâu lo chuyện ba mày khổ."

Thằng Mân quơ đũa đứng dậy, đem bát ra ngoài sau rửa rồi lại vào úp lên kệ. Nó biết anh Kỳ lặng thinh dòm nó nãy giờ, nó chỉ im lìm rồi xong xuôi lên trước nằm ngủ.

Tối đó hai ba con ảnh nằm cạnh nhau trên chiếc giường tre bé xíu, chỉ đủ cho cả hai đặt mỗi cái lưng lên, xoay người một cái là lại kêu lên tiếng cót két. Ảnh nằm nghe tiếng thở đều đều của thằng Mân mà nghĩ nó ngủ rồi. Ảnh mới dám thở dài, gác tay lên trán suy nghĩ chuyện lúc trưa. Ảnh cũng định bụng đi vay đốn vay đáo đủ người lo cho nó ăn học, chứ tiền nhà nước phụ cấp cho ảnh cũng đâu có bao nhiêu. Mà giờ thằng Mân nói cũng đúng, nhưng ảnh vẫn quả quyết nuôi nó lớn ăn học thành tài đường hoàng. Nó học cũng giỏi, giờ nghỉ thì khổ nó mai này.

Nửa đêm anh Kỳ lại trở mình. Trời chuyển gió thổi vù vù, kéo theo vài hạt mưa bụi. Mỗi lần thế là chiếc cẳng ảnh lại đau nhức, nằm trằn trọc mãi đến gần sáng mới thiếp đi được.

...

Sáng.

Anh Kỳ nghĩ chắc thằng Mân sợ nên nghe lời, mới chưng hửng ảnh đã dậy sớm xuống nấu miếng cháo. Hôm qua cũng làm quá với nó nên thôi nay còn chút gạo để dành đó ảnh mang ra nấu luôn. Bỏ thêm mấy cọng rau thơm ngoài bờ rào vừa ngắt ngọn nữa thì nồi cháo thơm nức mũi. Ảnh trở lên nhà gọi nó dậy. Cái mái tranh gió thổi mùa bão là muốn bay, nhà thì có hai gian, dưới nhà bếp trên nhà khách, làm gì có phòng ngủ riêng, giường cứ đặt tạm cạnh cánh cửa chính của nhà.

Trời cũng hết sớm rồi mà thằng Mân vẫn chưa dậy, đâm ra ảnh không quen, chẳng biết tối qua trời gió quá nó có bị lạnh rồi bệnh không. Lên thấy thằng Mân vẫn nằm, dậy rồi đó mà nó không chịu thay đồ đi học. Anh Kỳ mới lại giục: "Dậy đi học đi chứ Mân. Sớm nữa đâu mà nằm đó."

Thằng Mân lặng phắc, nó không cựa quậy gì, vờ như chưa tỉnh ngủ.

Anh Kỳ biết con mình xem ra quyết tâm bỏ học rồi. Ảnh quay lại bếp cầm cây chổi lá lên, đánh vào mông nó. Mân bị giật mình, nó la đau.

"Ba sao lại đánh con?"

"Mày có dậy đi học cho tao không?"

Mặt mày thằng Mân nhăn nhó, như nền đất lô nhô chai lì bởi những vết đi lại dưới nhà. Nó cúi cúi cái mặt.

"Con nói rồi, con không đi học nữa."

Anh Kỳ đánh cũng không có mạnh, chỉ là ảnh biết thằng Mân đau là đau trong lòng, tại trước giờ ảnh đâu đánh nó lần nào! Ảnh thở dài, ngồi xuống cái ghế nhỏ phía sau lưng. "Tao nói mày nghe, mày ráng mày học đi ba lo được, rồi mai mốt thành tài mới có tương lai. Chứ bây giờ nghỉ về làm cái gì? Nhà có cái miếng đất nhỏ bằng lỗ mũi ngoài kia, trồng được chút khoai bắp ăn qua ngày chứ mấy con. Rồi tao còn cưới vợ cho mày nữa."

Nó nhìn ba nó, ổng mới ba mốt tuổi mà nói chuyện cứ y như ông già. Mà nó cũng hiểu, ba nó khổ đó giờ riết rồi không già mặt thì cũng già tánh. Nó bảo: "Con ở với ba mãi, như ba vậy chứ lấy vợ chi."

"Thanh niên trai tráng mày không lấy cháu đâu tao bồng?"

Thằng Mân đứng bật dậy, thò chân vô đôi dép lào xỏ ngón mòn đến trơn tru dẹp lép, nó giận dỗi đi mặc đồ rồi xách bút vở trên tay. "Ba cũng thanh niên trai tráng đó mà cũng côi cút mãi một mình, ba không nhặt con về chắc giờ cũng lủi thủi chứ có ai lấy ba đâu." Rồi nó bỏ đi học.

Anh Kỳ nghe nó nói mà lòng có chút buồn, ảnh biết ý nó bảo ảnh tật nguyền thì sao mà cưới được vợ. Ảnh thấy nó nói cũng đúng, không có nó chắc giờ ảnh lại còn tệ hơn.

Ảnh xuống nhà, thấy nồi cháo còn nguyên mà bát đựng cháo múc sẵn cho thằng Mân ăn cũng muốn nguội lạnh. Anh Kỳ biết nó không động vào, đem cái bụng đói đi học luôn rồi. Thế là bữa sáng ảnh cũng không thấy đói, mang nồi bỏ lên bếp lửa còn chút than âm ấm, bát cháo đổ lại nồi rồi ảnh cầm ra đằng sau rửa. Mân nó càng lớn sao càng khó bảo quá.

------

Anh KỳNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ