Sự ra đi đột ngột và cái chết quá thảm khốc của tiểu thư đài các mang biệt danh "Thược dược đen" đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa và ám ảnh. Gần 70 năm trôi qua, đây vẫn là một trong những vụ án tang thương nhất thế kỷ XX.
LTS: Elizabeth Short có biệt danh là "thược dược đen" vì cô có niềm yêu thích với sắc đen huyền bí và hay cài một bông thược dược trên tóc. Cô là một nữ diễn viên xinh đẹp nhưng không có một vai diễn nào để đời. Cô đột ngột trở nên nổi tiếng và trở thành cảm hứng cho hàng chục quyển sách, phim ảnh... sau khi bị sát hại dã man. Gần 70 năm trôi qua, cái chết của "thược dược đen" vẫn là một vụ án ám ảnh nhất thế kỷ XX.
Thi thể bị rạch nát
Sáng ngày 15/1/1947, không khí lạnh lẽo và u ám, một phụ nữ tên là Betty Bersinger đang đi dọc con phố ở trung tâm Los Angeles (Mỹ) với cô con gái 3 tuổi thì bà nhận thấy có cái gì đó bất thường ở phía trước. Thoạt nhìn, bà Betty nghĩ rằng cái hình thù trắng trắng nằm ngay cạnh lối đi là một ma nơ canh bị vỡ. Tuy nhiên khi tiến lại gần hơn, bà rùng mình hoảng sợ khi phát hiện đó là một thi thể phụ nữ đã bị rạch nát, mặt mũi đã bị biến dạng méo mó.
Cảnh tượng rùng rợn trước mắt khiến bà vội che mắt đứa con nhỏ rồi chạy đến một nhà gần đó để báo cảnh sát. Hai thám tử, Harry Hansen và Finis Brown, được phái đến hiện trường ở đại lộ Norton, nằm giữa phố 39 và Coliseum. Khi đến nơi, phóng viên báo chí và những người hiếu kỳ đã bất cẩn giẫm đạp xung quanh khu vực và xóa mất bằng chứng vụ án.
Do thi thể nạn nhân và đám cỏ xung quanh không dính tí máu nào cùng với những giọt sương bên dưới thi thể nên hai thám tử xác định rằng nạn nhân đã bị giết ở nơi khác và bị lôi đến khu vực này vào khoảng 2 giờ sáng, lúc này nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Bên cạnh đó, họ còn phát hiện được một bao xi măng dính máu và một dấu chân giữa những vệt lốp ô tô, ngay gần hiện trường vụ án.Sau khi thực hiện khám nghiệm, cảnh sát xác định nạn nhân là một phụ nữ trẻ cao khoảng 1m67, tóc nâu, mắt xanh nhạt. Phần mặt của nạn nhân bị sưng phù với nhiều mảng thịt bị xẻo ở mọi chỗ. Trên cổ tay và mắt cá chân thi thể còn có nhiều vết xước chứng tỏ nạn nhân đã bị trói trước khi chết.
Mặc dù hộp sọ của nạn nhân không bị vỡ nhưng cảnh sát phát hiện những vết méo ở mặt trước, tụ máu ở phần bên phải hộp sọ, cho thấy nạn nhân đã bị đánh nhiều nhát vào đầu bằng gậy bóng chày. Kinh khủng nhất là nạn nhân đã bị hãm hiếp, thậm chí còn bị ép nuốt rác rưởi và nhiều thứ nhơ bẩn trước khi chết. Kết luận giám định cho biết nạn nhân chết vì ngạt thở và xuất huyết sau khi bị rạch mép và chấn thương mạnh ở sọ não.
Đáng chú ý hơn cả là dòng chữ được viết bằng son môi đỏ trên thi thể nạn nhân có nội dung: "BD AVENGER" (Người trả thù Black dahlia - Thược dược đen). Sau khi gọi nhân viên điều tra hạt Los Angeles đến đưa xác nạn nhân về, hai thám tử Harry Hansen và Finis Brown đau đầu với nhiệm vụ nan giải: xác định danh tính nạn nhân.
Nạn nhân xấu số là ai?
Vụ án với nhiều chi tiết quá man rợ đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với người dân nước Mỹ lúc bấy giờ. Lúc đó, cảnh sát và báo chí đang có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Phóng viên lấy tin tức từ cảnh sát, cảnh sát dùng báo chí để lan truyền thông tin để từ đó nhờ người dân giúp tìm ra manh mối giải quyết vụ án.
Các thám tử đã đưa cho tờ Los Angeles Examiner dấu vân tay của nạn nhân. Các phóng viên đã dùng một loại máy là tiền thân của máy fax để gửi bản phóng to dấu vân tay cho trụ sở Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Oasinhtơn. Kỹ thuật viên FBI đã so dấu vân tay này với 104 triệu dấu vân tay có trong kho hồ sơ và nhanh chóng phát hiện ra đó là dấu vân tay của một người tên là Elizabeth Short.
Dấu vân tay của Short từng được lưu lại khi cô đảm nhiệm một công việc ở phòng thư từ trong một căn cứ quân sự đóng tại California. Ngoài ra nó còn được lưu trữ trong hồ sơ vì cô uống rượu khi chưa đủ tuổi ở Barbara.
Elizabeth Short sinh ngày 29/7/1924 tại Massachusettes. Sở hữu cặp mắt xanh nước biển, mũi hếch nhỏ nhắn, cặp hông đầy đặn. Cô vốn xuất thân là một gia đình khá giả. Cha cô là ông Cleo Short, chủ một doanh nghiệp xây dựng có tiếng ở Hyde Park, bang Massachusetts.Tuy nhiên, do gặp phải cuộc suy thoái kinh tế của Mỹ năm 1929, đã khiến công ty ông phá sản. Đó là lí do khiến ông bỏ rơi gia đình gồm vợ và 5 người con thơ dại.