Lời Giới Thiệu Của Raymond Aron

49 0 0
                                    


Trong kho tàng chứa đựng những văn thư được xếp vào loại "bất tử", quyển sách nhỏ này có một địa vị riêng biệt, và có lẽ là độc đáo nữa. Ta có thể ruồng bỏ coi như một "thiên tiểu luận ác nghiệt" viết ra do mối cảm hứng của một bộ óc vô liêm sĩ ưa gây rối. Ta cũng có thể coi đó là một áng văn chương tuyệt tác về chính trị. Nhưng từ xưa đến nay, khi đã cầm quyển sách, độc giả không thể không đọc cho kỹ từ đầu đến cuối, không thể lơ đễnh gạt bỏ nó được. Cuốn sách này không còn tính chất mới mẻ nữa - cũng như nhiều tác phẩm bất hủ khác - nhưng nó vẫn giữ đủ quyền năng làm ngây ngất trí óc ta. Tôi biết như vậy, nhưng tôi không chắc là mình hiểu vì sao.

Trong trí tôi nảy ra câu trả lời: Cuốn Quân Vương là cuốn sách có tính chất có minh bạch hiển nhiên làm chói mắt mọi người và các học giả cũng như những độc giả tầm thường chỉ phí công khi muốn tìm hiểu sự huyền bí của nó, tác giả Machiavel muốn nói lên những gì? Ông muốn giáo huấn Vua hay là nhân dân? Ông đứng về phe nào? Phe độc tài chuyên chế hay phe Cộng hòa? Hay là ông chẳng ở phe nào cả?

Ngày nay ta không còn có thể chấp nhận lời diễn giảng độc ác, nhưng thiên lệch của triết gia J. J. Rousseau.

Ông này đã viết trong một đoạn cước chú ở cuốn Xã Ước (Contrat Social) rằng: Machiavel là một người lương thiện và một công dân tốt, nhưng khi mang thân phục vụ cho triều đình họ Medicis, dưới sự áp chế của chính quyền, ông buộc phải trá hình tình yêu, tự do của ông. Riêng việc ông chọn một nhân vật ghê tởm khả ố (Borgia César) làm vai chính chứng tỏ thâm ý của ông. Sau khi đối chiếu, so sanh những tư tưởng trái ngược nhau của cuốn Quân Vương này và những cuốn Discours sur Tite Live và Histoire de Florence, ta sẽ thấy rõ ông là một chính trị gia uyên thâm và các độc giả cứu xét một cách hời hợt, với thành kiến thiên lệch những tác phẩm của ông. Triều đình La Mã cấm ngặt không cho sách của ông được phát hành, bởi vì ông ta quá rõ cái triều đình ấy.

Không, không hề có sự trái ngược giữa hai cuốn Quân Vương và Les Discours sur Tite Live. Machiavel yêu quý tự do và ông không giấu diếm gì mối tình cảm đó. Nhưng nếu muốn lập một quốc gia mới, hoặc đánh đuổi hết bọn xâm lăng dã man ra khỏi đất nước thì nền tự do của một dân tộc hư hỏng thối nát cũng bất lực trước việc này. Ai lý luận theo thuyết Aristote để phân tách kỹ càng những phương cách duy trì một chế độ chuyên chế tàn bạo, họ sẽ không ưa gì chế độ này và ghét thêm những âm mưu của những kẻ làm suy đồi đạo lý phong tục của dân chúng địa phương để mong dễ bề đặt ách thống trị ác ôn.

Để tìm hiểu thực nghĩa của cuốn Quân Vương và chủ tâm tối hậu của Machiavel không thể kết thúc vội vàng như vậy được. Ta tìm hiểu bằng biện chứng pháp. Đáp một câu hỏi tức là lại gây thêm những câu hỏi khác, rồi lẩn quan có lẽ ta lại trở lại điểm xuất phát, trở lại câu hỏi đầu tiên, mỗi lần nhắc lại, nó trở nên tế nhị thêm lên. Machiavel con người của huyết thống cao quý ưa chuộng tự do và oán ghét độc tài chuyên chế - nhưng ông có nhiều kinh nghiệm nhờ đọc sử và nhờ hành động, ông hiểu biết dòng biến chuyển của cuộc đời, tính chất bất nhất của quần chúng, căn bản mong manh của chính quyền. Không ảo tưởng, không thành kiến, ông khảo sát tất cả các chế độ chính quyền, chia sắp thành loại, đặt ra những định luật - những định luật khoa học chớ không phải là những định luật đạo đức - và mỗi lãnh thổ phải được chiếm cứ hoặc được cai trị theo định luật đó. Nếu có phải vì thực ông chỉ chú trọng vào những lãnh thổ mới chiếm cùng những lãnh thổ suy nhược và nếu vì ông hơi tỏ vẻ ngưỡng mộ César Borgia cùng những thủ đoạn của hắn, như chúng ta đã chê trách ông, thì thật là nhầm to. Một ông thầy thuốc cũng vậy, mất nhiều thì giờ để nghiên cứu các bệnh tật hơn là để nghiên cứu một cơ thể khỏe mạnh. Thật vậy, nghiên cứu những căn bệnh lý thú hơn là một cơ thể lành mạnh nhiều. Đáng lưu ý hơn nữa là vì có bệnh thì mới mời thầy. Lý thú hơn là khi có bệnh phát sinh thì thầy thuốc mới chịu tìm kiếm, khám phá ra những giềng mối điều hành của các cơ năng trong cơ thể con người. Vậy đã có ai chê trách ông thầy thuốc thích bệnh tật hơn là sức khỏe đâu? Nói cho cùng, lỗi đâu phải tại Machiavel, nếu tình trạng phong hóa dân tộc Ý Đại Lợi thời đó đúng như ông tả cả.

Quân Vương - Thuật trị nướcWhere stories live. Discover now