Nhiều Vương hầu muốn nắm vững uy quyền Quốc gia bèn tước hết khí giới của thần dân, cũng có vị giữ lại từng phe từng nhóm ở các Đô thị. Một số Vương hầu lại tự gây những mối ác cảm trong dân chúng. Số khác có lấy lòng những phần tử có thái độ lừng khừng khi mới lên ngôi. Vương hầu này thích xây thành đắp lũy, Vương hầu khác thích san bình địa các thành lũy cũ. Đối với những sự việc kể trên, dù chỉ có thể nhận định riêng theo tính chất của từng Quốc gia, tôi cũng xin phê bình một cách tổng quát theo tính cách tương đồng của đề tài.
Vậy tôi thiết nghĩ, một tân Chúa không bao giờ nên tước khí giới của thần dân. Trái lại, khi thấy họ không có đủ còn phải cung cấp thêm nữa. Chúa có thể tin chắc những dân mới được mang khí giới là lính của mình. Cũng nhờ thế bọn binh sĩ cũ lừng khừng sẽ trở nên trung thành, cho đến bọn khả nghi cũng vậy. Sau cùng tất cả thần dân sẽ trở thành lính của Chúa hết.
Trên thực tế, Chúa không thể nào cấp khí giới cho tất cả thần dân được, nhưng sự khoái trá của thiểu số được cấp phát khí giới sẽ giúp Chúa cai trị số dân còn lại một cách vô cùng vững vàng. Cách đối xử tuy có khác biệt, nhưng toàn thể nhân dân sẽ thông cảm và trở nên một đoàn người mang ơn Chúa. Họ không giận hờn vì họ sẽ xét biết ai được Chúa thi ân cho cầm súng là người có giá trị và phải gánh nhiều trách vụ, nhiều nguy hiểm hơn. Vì vậy nếu Chúa tước hết khí giới, họ sẽ coi như Chúa làm nhục họ. Họ sẽ nghĩ Chúa nghi lòng trung thành của họ, hoặc cho họ là bọn hèn nhát, hay phản loạn. Hai ý nghĩ ấy sẽ gây nên sự oán ghét Chúa. Sự thực Chúa bao giờ cũng phải có lính, nếu không tin dùng dân, Chúa sẽ phải tuyển mộ bọn lính đánh mướn. Giá trị bọn này thế nào, tôi đã trình bày ở một chương trên. Nếu bọn này quả giỏi thật, Chúa liệu có đủ quân số để chống những kẻ thù hùng mạnh và thanh lọc những phần tử khả nghi trong hàng ngũ thần dân không?
Vậy, tân Chúa trị vì một tân Quốc phải luyện nhân dân thành binh sĩ. Lịch sử đã có biết bao thí dụ chứng minh những sự việc trên đây. Nhưng khi Chúa vừa sáp nhập thêm Tỉnh mới vào Chính quốc, thì cần phải tước khí giới bọn quân nhân ở Tỉnh này, trừ những phần tử từ đầu đã tỏ ra trung thành với Chúa. Một thời gian sau, có dịp biến họ thành ươn hàn, yếu đuối dần đi. Để cai trị toàn lãnh thổ, Chúa chỉ cần tới lực lượng quân chính quy được dung dưỡng gần mình tại Chính quốc.
Các bậc tiền nhân mà chúng ta nên tôn sùng như hiền triết đã dạy: Nếu muốn giữ xứ Pistoie là phải gây nên trong nội bộ những cuộc tranh chấp giữa các phe nhóm và nếu muốn giữ xứ Pise, phải xây thành đắp lũy. Cho nên khi muốn đô hộ, chiếm cứ dễ dàng một xứ, tỉnh nào tiền nhân là đều lập mưu gây mối bất hòa trong nội bộ nơi đó. Kế hoạch này có lẽ đã hiệu nghiệm trong thời gian nước Ý đang ở tình trạng nghiêng ngả. Ngày nay, tôi tưởng thủ đoạn chia rẽ để dễ cai trị không có ích lợi gì nữa. Ví dụ địch quân định xâm chiếm một lãnh thổ nào khi mới tiến đến biên thùy đã thấy cảnh nổi loạn rối ren ở trong, chắc chắn xứ này sẽ thất thủ ngay, vì lúc đó phe yếu thế sẵn sàng bắt liên lạc với quân địch. Còn lại phe kia dù có mạnh mấy cũng không thể một mình đương đầu nổi.
Dân tộc Vénitiens từng hiểu những nguyên lý trên đây trong thời gian nắm quyền thống trị nhiều đô thị, đã rắp tâm dung dưỡng hai phe, phe Guelfes và phe Gibelins. Tuy không bao giờ thúc đẩy hai phe chống đối nhau đến đổ máu, nhưng thường xuyên gây mối bất hòa giữa hai phe, với mục đích phá vỡ sự đoàn kết của họ để họ không đủ sức mạnh chống lại mình. Nhưng rốt cuộc kinh nghiệm cho ta thấy thủ đoạn ấy không mang lại kết quả tốt đẹp. Bởi vì, sau khi người Vénitiens bị một phen bại trận trước thành Vaila, một vài xứ dưới quyền đô hộ của họ đã phấn khởi, mạnh bạo nổi dậy tranh thủ lại nền độc lập. Những phương cách đó tố cáo sự yếu kém của một Quốc gia. Một Vương quốc lớn mạnh không bao giờ nên tạo ra những cuộc tranh chấp, rối ren chia rẽ giữa các bè phái. Những thủ đoạn này chỉ dùng được trong thời bình để dễ cầm đầu, sai khiến nhân dân. Đến khi chiến tranh bùng nổ, thủ đoạn này không phải là một kế hoạch bảo đảm thành công.
YOU ARE READING
Quân Vương - Thuật trị nước
NonfiksiQuân vương- Thuật chính trị , có thể ví như cẩm nang dành cho kẻ thừa tự còn non trẻ của một Italia suy tàn, trước khi kẻ ấy bước lên ngai vàng bị lãng quên. Thực chất, đó là tâm thư của ông dành riêng cho vị quân chủ, chứ không nhằm truyền bá rộng...