Ở những chương trên, tôi đã đặc biệt kê cứu tính chất của mỗi loại lãnh thổ, mà từ đầu tôi nêu lên. Tôi đã cố giảng giải được phần nào nguyên lý của những cuộc thịnh suy, cùng phơi bày mưu kế những kẻ tìm cách chiếm đoạt và gìn giữ đất đai. Đến đây, phải cứu xét thêm trên bình diện tổng quát, những nguy cơ gặp phải và các phương kế khả dĩ thi hành khi cần.
Như trên đã thường nói, đã là một vị Chúa công phải trị vì trên một nền tảng thật kiên cố, nếu không rất dễ đổ nhào. Những căn bản chính yếu cho bất cứ một chính quyền Quốc gia nào, mới cũ hay hỗn tạp, đều là: pháp luật hoàn mỹ, quân lực hùng mạnh. Ở đâu quân lực yếu hèn không thể có pháp luật hoàn hảo được. Và nếu đã có quân lực mạnh thì có thêm luật pháp tốt là một điều rất hợp lý.
Trong chương này, tôi xin để riêng vấn đề pháp luật, chỉ đề cập tới vấn đề quân lực. Một vị Chúa công muốn bảo toàn đất đai Vương quốc phải có một đạo quân hoặc từ nhân dân trong nước, hoặc thuê mướn ngoại nhân, hoặc chỉ là đoàn quân phụ vệ, hoặc đoàn quân ô hợp đủ các thứ trên. Đoàn quân thuê mướn ngoại nhân và đoàn quân phụ vệ không những chỉ là đám binh sĩ vô giá trị, mà còn có thể là mối hậu họa nguy hiểm nữa. Một nhà lãnh đạo đặt nền tảng chính quyền trên bọn quân thuê mướn chẳng bao giờ có địa vị vững mạnh được. Đám quân này luôn luôn chia rẽ nhau, nhiều dục vọng, vô kỷ luật, kém lòng trung thành, anh hùng rơm lúc ở nhà, ra mặt trận là một lũ hèn nhát trước quân thù. Đối với Thượng đế, họ là lũ bất kính, đối với người, họ là bọn vô lương. Tuy là Chúa, ta cũng chẳng trì hoãn được vận suy đến, hay quân thù khởi cuộc tấn công. Bọn quân này thời bình đang tay phá hại tiền tài của Chúa, gặp thời chiến chúng sẽ không ngăn được kẻ thù tới cướp phá. Sở dĩ có tình trạng này, là vì chúng nào có tình nghĩa, hy vọng gì ở tương lai, với đồng lương ít ỏi của Chúa ban cho để gắn mình vào vị trí hiện tại. Như thế có đủ cho chúng hy sinh tính mạng cho Chúa không? Chúng chỉ sống dưới trướng của Chúa những lúc không có chiến tranh. Một khi chiến tranh bùng nổ, chúng lại muốn trốn tránh hay đào ngũ. Sự kiện này rất dễ hiểu, cứ lấy hiện trạng suy sụp nước Ý làm tỉ dụ. Trong một thời gian quá dài, các chính quyền đã ỷ lại vào lực lượng đội quân đánh thuê. Trong thời gian đó cũng có lúc chúng lập được một vài chiến công nho nhỏ trong nội bộ. Đến khi có quân ngoại xâm tấn công, chúng lộ nguyên chân tướng. Thế nên, Vua Charles nước Pháp khi tiến đánh nước Ý, chỉ mang theo một đoàn chiến sĩ thư sinh cũng đủ chiến thắng. Có người cho rằng người Ý mất nước vì họ có quá nhiều tội lỗi. Nhưng đó không phải là những tội mà họ nghĩ (lỗi đối với Thiên Chúa) mà là những lỗi lầm đã kể ở trên. Tóm lại tất cả tội lỗi đều do các vị Chúa công kế tiếp gây nên, rồi cũng chính các vị ấy gánh chịu, tất cả những hậu quả đớn đau hơn hết.
Thâm ý tôi là muốn trình bày cặn kẽ tất cả những tai họa do sự dùng loại binh sĩ này. Các cấp sĩ quan chỉ huy bọn quân đánh mướn này cũng có người có tài về binh pháp, cũng có hạng rất kém. Nếu họ có tài, ta lại càng không nên tin cậy bởi vì họ luôn luôn cố gắng gây uy thế cá nhân. Như thế họ đã hại ta, tuy chính ta là chủ họ, hoặc họ tự ý gây hấn tiêu diệt những kẻ khác không theo ý muốn của ta. Nếu họ vô tài, uy thế ta lại càng suy sụp nhanh hơn. Nói như thế, tất có người hỏi rằng, vị chỉ huy một binh lực thuê mướn hay chánh quy nào mà chả xử trí như vậy? Tôi sẽ trả lời: Phàm cuộc chiến tranh nào cũng do Vua Chúa trị vì trên một Vương quốc hoặc do Chính phủ cai trị một nước Cộng hòa chủ trương. Nếu là Vương quốc thì chính Chúa công phải đích thân ra mặt trận chỉ huy quân sĩ. Nếu là nước Cộng hòa, Chính phủ sẽ cử một công dân ra giữ trách nhiệm điều khiển chiến sự. Người này không đủ tài ba thì thay thế người khác. Nếu người giữ trọng trách chỉ huy có đủ tài năng can trường, chỉ việc kiềm chế họ trong vòng luật pháp là họ không dám hành động trái đường lối do Chính phủ vạch ra. Kinh nghiệm lịch sử cho ta thấy, chỉ có các Vương quốc hay Cộng hòa Dân quốc có chiến thuật đào luyện quân lực sẵn sàng mới hoàn tất được mỹ mãn những việc lớn. Còn bọn quân đánh thuê chỉ luôn luôn gây thêm đau khổ và thiệt hại. Hơn nữa, một Dân quốc có quân lực của chính mình, sẽ khó bị rơi vào vòng kiềm tỏa độc tài của một công dân hơn là Dân quốc đó có một đoàn quân đánh thuê.
YOU ARE READING
Quân Vương - Thuật trị nước
Non-FictionQuân vương- Thuật chính trị , có thể ví như cẩm nang dành cho kẻ thừa tự còn non trẻ của một Italia suy tàn, trước khi kẻ ấy bước lên ngai vàng bị lãng quên. Thực chất, đó là tâm thư của ông dành riêng cho vị quân chủ, chứ không nhằm truyền bá rộng...