Chương 23: Phương Cách Tránh Nịnh Thần

2 0 0
                                    


Tôi không bỏ qua hay cố ý lãng quên một vấn đề quan trọng, mà các Chúa ít khi đề phòng nếu không khôn ngoan và suy xét kỹ: đó là bọn nịnh thần, triều đình nào cũng có đầy dẫy. Bản tính con người thích tâng bóc, nịnh bợ nhau, nên không ai tránh khỏi những "côn trùng dịch hạch" ấy được. Muốn chống lại nó, phải gặp điều nguy hiểm khác, là Chúa cảm thấy hình như mình bị khinh rẻ. Không có cách gì để đề phòng những lời xiểm nịnh, khác hơn là Chúa cứ chịu nghe những kẻ nói thật, và đừng tỏ ra phật ý. Nhưng khốn nỗi, nói thật quá, lại mang tội xúc phạm đến sự tôn kính đối với Chúa. Thế nên Chúa phải chọn phuơng sách thứ ba, là chọn lựa quanh mình một bọn hiền nhân, cho bọn này quyền tự do trình bày tất cả sự thật trong phạm vi những vấn đề Chúa đặt ra, tuyệt nhiên không được ra khỏi phạm vi đó. Khi ấy Chúa phải hỏi han cặn kẽ và lắng nghe ý kiến của họ. Sau đó, Chúa tự mình phán đoán theo cách riêng. Đối với từng người đã trình bày những lời khuyến cáo, Chúa phải xử sự cách nào để họ cảm thấy thoải mái, thích thú, sau khi đã được tự do đàm đạo với Chúa về một việc nào đó. Ngoài những người nói trên, Chúa không nên nghe theo một người nào khác nữa. Sau khi xét định, Ngài phải cương quyết theo đuổi công cuộc thi hành cho đến cùng. Chúa nào xử sự khác đường lối ấy, là đã bị bọn nịnh thần chôn vùi sự nghiệp. Nếu cùng một vấn đề, Chúa lại hỏi ý kiến lung tung của nhiều kẻ dị đồng, để luôn luôn thay đổi ý kiến, như thế Ngài sẽ không còn được tôn trọng.

Trên đề tài này, tôi muốn kể một tỷ dụ đương thời Dom Luca, cận thần của đương kim Hoàng đế Maximilien, đã bình phẩm Ngài rằng: Hoàng đế chẳng nghe lời khuyên của ai, Ngài cũng chẳng làm theo ý riêng của mình. Thật thế, Hoàng đế Maximilien là người rất kín đáo, không cho ai biết những dự định của Ngài và cũng chẳng hỏi ý kiến ai cả. Nhưng lúc thi hành, nếu bị bọn cận thần phản đối, Ngài bãi bỏ ngay. Cho nên hôm nay Ngài làm việc này, ngày mai lại phá bỏ, không ai hiểu Ngài muốn gì, định làm gì và không ai tin ở những quyết định của Ngài nữa.

Vậy Vương hầu lúc nào cũng nên trưng cầu các ý kiến, nhưng chỉ khi nào tự Ngài muốn hỏi chứ không do kẻ khác áp lực được. Ngài còn nên làm cho cụt hứng kẻ nào thích đưa lời khuyến cáo khi không hỏi tới. Còn về phần Ngài, chính Ngài phải thường hỏi, và phải kiên nhẫn nghe cho thấu triệt tất cả những sự thật. Đôi khi Ngài cũng tỏ vẻ phẫn nộ kẻ nào vì quá sợ sệt, không chịu nói hết lời. Nếu phê bình một Vương hầu có tiếng khôn ngoan, là nhờ những bộ óc của bọn cận thần, thì thật nhầm to. Một định luật chung bất hủ là nếu Vương hầu có trí óc u ám thì chẳng ai khuyên bảo được điều gì hay cả. Trừ khi Ngài nhất nhất ỷ lại hoàn toàn vào một cận thần khôn ngoan lỗi lạc, để y nắm trọn quyền hành cai trị. Hiện tượng này chắc chắn có, nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian; vì một cận thần như vậy sẽ dần dần truất hết quyền hành của nhà Vua trong một thời gian ngắn. Mặt khác nếu nhà Vua hỏi ý kiến lung tung nhiều người, chẳng bao giờ Ngài thấy họ gặp nhau trong sự hòa hợp cả. Vậy nhà Vua phải là người có óc xét đoán minh mẫn mới thống nhất được tư tưởng của họ. Trong đám cố vấn, người nào trong thâm tâm cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình. Nhà Vua khó lòng hoán cải và hiểu thấu được. Muốn thay đổi họ cũng chẳng tìm được ai hơn. Con người đến cùng ai cũng lộ nguyên hình với tính tình ác độc, nếu không bắt buộc họ phải làm người lương thiện hoàn hảo.

Vì thế, tôi kết luận: những lời khuyến cáo hay, của bất cứ ai, đều được thúc đẩy do trí khôn ngoan, sáng suốt của Chúa, chứ không phải nhờ những lời khuyến cáo ấy Chúa mới trở nên khôn ngoan sáng suốt.

Quân Vương - Thuật trị nướcWhere stories live. Discover now