Nói tới đoàn quân phụ trợ, ta liên tưởng ngay tới một bọn binh sĩ vô ích. Khi cầu cứu với một vị Chúa khác, vị này mới mang quân đến giúp ta bảo vệ non sông. Ví dụ trong cuộc tranh chấp với xứ Ferrare, Giáo hoàng Jules II đã thất vọng với bộ mặt hèn yếu của đoàn quân thuê mướn, liền quay sang ký kết hiệp ước với vua Ferdinand nước Y Pha Nho để mượn quân sang giúp. Nhưng đạo quân viễn chinh đi giúp nước khác như kiểu này, chỉ tốt đối với chính Chủ soái của họ và chỉ đem lợi lại cho người này mà thôi. Còn những kẻ cầu cứu tới họ sẽ thiệt hại vô cùng. Nếu đoàn quân đó thua, thì nước mình vẫn là nước bại trận. Nếu đoàn quân đó thắng mình sẽ trở nên tù nhân của đoàn quân này.
Trong lịch sử cổ thời, đầy dãy những biến cố như trên đây. Nhưng tôi cần phải kể một trường hợp tiêu biểu vừa xảy ra: trường hợp Đức Giáo hoàng Jules II. Khi muốn chiếm xứ Ferrare, Ngài đã vô cùng khờ dại tự đặt mình trong tay một ngoại bang. Nhưng thật may mắn cho Ngài, có một đệ tam biến cố xảy ra đã giảm bớt tai họa do sự quyết định sai lầm của Ngài. Đúng lúc đạo quân cứu trợ ngoại nhân bị quân địch đánh tan ở thành Ravenne, bất ngờ đạo quân Thụy Sĩ vừa kéo đến đánh bại được địch quân. Nhờ đó Ngài thoát khỏi cảnh kìm hãm, như một tù nhân giữa một bên là địch quân, một bên là bọn quân ngoại bang đến cứu trợ (Ngài thắng trận là nhờ ở đạo quân Thụy Sĩ chứ không phải nhờ ở bọn quân cứu trợ, vì chính bọn quân này đã bị địch quân đánh bại). Dân Florentins vì không quân lực nên dẫn mười ngàn quân Pháp vào đất Ý để chiếm thành Pise cho họ; họ đã tự mang họa vào thân. Hoàng đế Constantinople khi xưa, để chống lại lân bang, đã gọi mười ngàn quân Thổ vào đất Hy Lạp. Sau khi chấm dứt chiến tranh bọn này lại không muốn rời khỏi Hy Lạp. Đó là bước đầu cuộc xâm lăng xứ này bởi bọn vô đạo.
Tóm lại chỉ có vị Chúa nào khờ khạo, chiến mà không muốn thắng, thì mới cầu cứu tới đoàn quân cứu trợ ngoại nhân. Bọn này còn nguy hiểm bằng mấy bọn quân thuê mướn. Dùng bọn họ ta thấy thua thiệt trước không sao thắng được, vì họ là một đoàn quân có hệ thống tổ chức hẳn hòi, đã quen tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp của họ hơn ta. Còn bọn quân thuê mướn sau khi thắng trận, họ có muốn làm hại ta cũng phải mất nhiều thời gian, họ còn phải chờ lâu may ra mới có cơ hội thuận tiện, bởi vì đoàn quân đó ô hợp, không có hệ thống cơ ngũ chặt chẽ. Vả lại chính ta tuyển dụng họ dần dần và trả lương bổng trực tiếp cho họ. Chức vị chỉ huy bọn ô hợp này cố nhiên ta đã đặt một đệ tam cá nhân. Vị chỉ huy này không thể một sớm một chiều gây đủ uy tín có thể lôi cuốn họ vào con đường nguy hại cho ta được. Rốt cuộc, đối với bọn quân thuê mướn, điều nguy hiểm nhất cho ta là sự lười biếng và hèn nhát khi lâm trận. Còn đối với bọn ngoại nhân cứu trợ, điều nguy hiểm nhất lại là sự can trường của bọn này.
Vậy, một vị Chúa có trí óc khôn ngoan, phải tránh sự ỷ lại vào hai loại quân nói trên và phải quyết tâm chấp nhận trước, thà thua trận với quân sĩ của mình còn hơn thắng trận nhờ quân ngoại bang. Và phải nhận định, một chiến thắng do lực lượng kẻ khác mang tới cho ta là một chiến thắng giả tạo.
Đến đây ta có thể đem trường hợp và hành vi của César Borgia ra phân tích, xem có giống trường hợp trên không? Vị Công tước này, khi tấn công xứ Romagne với một đoàn quân phụ trợ toàn người Pháp, hạ hai thanh trì Imola và Fali dễ như không. Nhưng sau đó ông thấy ngay rằng bọn quân này không thể tin cậy được. Ông quyết định thuê mướn quân của bọn Osini và Vitelli, nghĩ rằng bọn này ít nguy hiểm hơn. Về sau ông lại thấy rõ bọn mới này có thái độ khả nghi, tỏ vẻ vô lương và rất có thể gây nguy hại hơn nữa, ông bèn sa thải hết và quyết tự lập một đoàn quân hoàn toàn của riêng ông. Sau đó người ta mới thấy tình thế trong nước khác hẳn. Uy danh ông nổi bật hơn trong thời gian ông dùng mấy hạng quân phụ trợ của người Pháp và quân thuê mướn của bọn Osini và Vitelli. Từ đó, toàn thể quân sĩ chỉ đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp duy nhất của ông. Uy danh càng cao lên, thiên hạ lại càng e sợ ông, bởi vì ông thực sự là chúa tể của các lực lượng riêng do ông lập nên.
YOU ARE READING
Quân Vương - Thuật trị nước
Kurgu OlmayanQuân vương- Thuật chính trị , có thể ví như cẩm nang dành cho kẻ thừa tự còn non trẻ của một Italia suy tàn, trước khi kẻ ấy bước lên ngai vàng bị lãng quên. Thực chất, đó là tâm thư của ông dành riêng cho vị quân chủ, chứ không nhằm truyền bá rộng...