Tựa sách: Cuốn theo chiều gió
Tác giả: Magarit Mitchell
Một tác phẩm văn học kinh điển.
Như đã đề cập, đây tác phẩm "kinh điển" có sức ảnh hưởng và sống qua mấy thế kỉ nên tôi sẽ không đề cập đến cốt truyện và nhân vật. Phần lớn bài viết này sẽ là những phần tôi bị ấn tượng trong quá trình đọc.
1. Chiến tranh thật tàn khốc.
Đó là điều mà ai cũng biết nhưng có mấy ai thật sự thấu hiểu? Thế giới vẫn đang trong thời bình và "chiến tranh" chỉ hiện trong sách lịch sử, truyện hay qua lời kể. Tôi được học rằng "chiến tranh" đi kèm theo từ "khốc liệt", "mất mát", "tan nhà nát cửa", "hi sinh",... tôi cũng được dạy về "lòng yêu nước", tinh thần anh dũng của các chiến sĩ yêu quê hương, sự quả cảm của các bà mẹ Việt Nam anh hùng,... Nhưng cái "chiến tranh" đề cập trong sách lại làm tôi ngẫm nghĩ.
Câu chuyện diễn biến trong thời chiến khi cuộc nội chiến tại Mỹ xảy ra để chấm dứt chế độ nô lệ, hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước. Đa số người ta chỉ quan tâm đến kết quả mà không để ý quá trình, qua nhân vật Scarlett, tôi nhận ra cái tai hại to lớn của thời chiến.
Chiến tranh có bản chất lấy chính trị là mục đích, bạo lực vũ trang là phương thức. Dùng bạo lực để thực hiện mục đích chính trị. Rồi liên bang miền Nam đầu hàng, đồn điền bị cướp bóc, thành phố bị tàn phá, tài sản mất, người thân bạn bè cũng chạy nạn. "Chấm dứt chế độ nô lệ", thật nhân đạo làm sao! Khi người da trắng phía Bắc nước Mỹ nhằm đoạt lại nhân quyền cho người da đen, được cho là cấp bậc thấp trong xã hội lúc bấy giờ, để rồi chính những người da màu trở nên huênh hoang, có những hành vi ghê tởm, vô nhân tính đối với phụ nữ quý tộc da trắng và những ai đứng lên phản kháng lại thì ngay lập tức bắt giam. Phóng khích nô lệ là đúng, vậy còn bảo vệ quyền lợi cho người da trắng thì sao?
Hậu chiến tranh cũng không tốt đẹp hơn chiến tranh là bao.
2. Mọi vết thương được chữa lành theo thời gian ?
Ví như việc ta vô tình bị lưỡi dao bén nhọn cắt vào tay, nó rướm máu, nó đau rát, nó gây bất tiện, nó liền lại, nó thành sẹo , nhưng nó không mất đi. Vì nó chưa mất đi, nên con người vẫn giữ cái thói cũ từ sinh thời. Hậu chiến tranh, cuộc sống đói khổ nhưng các gia đình quý tộc luôn giữ cái "danh giá" của họ. Họ giữ khư khư những gì họ được dạy từ nhỏ, lễ tiết, nhân phẩm, cái tôi.
Còn như Scarlett thì khác, đều mà cô trải qua, ví như là mất cả tay, khi đó dẫu có lành lại thì cũng chẳng thể nào quay về như xưa được. Cô mất đi tự do, mất chỗ dựa vào người thân, nhà không người làm, không tiền bạc, bị đe dọa về tính mạng và sắp mất đi nhà cửa. Hoàn cảnh đó tựa như vết thương sâu đang hoại tử, hoặc là cắt bỏ để sống tiếp hoặc là ngồi khóc lóc rồi chết. Scarlett đã phải vứt bỏ luân lí để sinh tồn.
Điều đó không sai chỉ là cái giá quá đắt. Rồi thì vết thương lành nhưng liệu có chấp nhận cái sẹo xấu xí đấy không? Sự thay đổi đắng cay là thế. Một khi đã thay đổi thì không thể nào quay về được.
3. Chấp niệm
Bạn có thể giết họ nhưng không thể giết được những gì họ tin.
Chính là ý niệm cố chấp tồn tại trong lòng người, là sự day dứt khi đánh mất điều gì đó, là những mong muốn mà không thể thực hiện được; hay là niềm tin đặt ra để bám víu vào, sợ khi niềm tin này sập đổ, bản thân cũng không tự đứng dậy được.
Mỗi người đều có chấp niệm khó buông bỏ và nhân vật trong truyện cũng tồn tại những chấp niệm riêng, không ai giống ai.
Với Scarlett, ảo tưởng về con người cũ kí ức cũ không buông bỏ rung động thời trẻ vì đã không thể có được Ashley.
Cũng giống như những người khác vậy có lẽ họ không thể buông bỏ được vì hai chữ "nếu như", vì niềm tin rằng mình có hoặc đã từng có khả năng thay đổi cục diện.
Dù niềm tin có đúng có sai, vui lẫn buồn hay khiến ta mang ảo tưởng, chúng vẫn giúp ta sống.
4. Ám ảnh
"Cuốn theo chiều gió". Mưa đi đường mưa, Gió đi đường gió. Cùng nhau đi một đoạn. Gió tan mưa cũng tạnh.
Qủa là xứng là một kiệt tác. Mặc dù lời dịch vẫn còn vài chỗ sai sót, một số chi tiết mà tôi chưa hiểu nhưng quyển sách này đã mở mang cho tôi rất nhiều điều.
Tôi thích nó và cũng ghét nó.
Thích vì những trải nghiệm tuyệt vời từ những diễn biến và lối viết khôn lường của tác giả. Nó vừa thúc đẩy, gây tò mò khó dứt vừa đòi hỏi phải quan sát từng diễn biến tâm trạng của nhân vật mới hiểu được. Phải kiên nhẫn lắm mới đọc hết quyển sách dày như vậy mà không bỏ sót câu chữ nào.
Ghét vì nó quá đáng. Nhiều lúc tôi đọc mà tôi tức vì tác giả phũ thẳng tay khiến tâm trạng tôi biến đổi như nhân vật trong truyện vậy, đọc một tình huống trái ngược với mong muốn của mình, viết quá thực tế cũng rất đau lòng.
Dẫu sao thì tôi cũng đánh giá cao quyển sách này, không dễ gì để viết ra một tác phẩm sống qua bao thời đại. Và nó tái hiện những cái ngưỡng cửa, những sự lựa chọn, những bước ngoặt mà con người ai cũng phải trải qua dù là ở thời đại nào. Qua những thái độ và hành vi của nhân vật chính mà mỗi người tự nghiệm cho mình bài học riêng. Có khi ở thời điểm này ta không hiểu lí do nhân vật làm thế hoặc ta không tán đồng với các quyết định của họ rồi cũng có lúc khi ta trưởng thành hơn và đọc lại, ta sẽ lại hiểu các nhân vật thêm một chút.
Chốt " Cuốn theo chiều gió" hay mới có nhiều người đọc, đừng ngại chữ nhiều mà nản, không chừng đọc rồi khó dứt đó nha.
24-08-2019