Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (22/9/1829), vua là
con thứ 2 của Thiệu Trị (Nguyễn Hiến Tổ), thân mẫu là là bà Phạm Thị Hằng (sau được tôn phong là Thái hậu Từ Dũ).
Do các vua triều Nguyễn chỉ đặt một niên hiệu trong thời gian trị vì của mình nên sử sách thường gọi theo niên hiệu chứ không gọi theo xưng
hiệu, hay miếu hiệu như vua các triều đại trước.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên nối ngôi từ tháng 10 năm Đinh Mùi (1847), đặt niên hiệu là Tự Đức, làm vua đến tháng 6 năm Quý Mùi (1883) thì băng hà, thọ 54 tuổi. Triều đình đặt miếu hiệu là "Anh Hoàng đế", thụy hiệu là Nguyễn Dực Tông.
Theo sử sách triều Nguyễn, năm lên 14 tuổi, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được phong tước Phước Tuy công, được mọi người kính phục về sự hiếu nghĩa, chăm chỉ, ham học... Theo thông lệ truyền thống, người kế vị ngôi báu là hoàng tử cả của vua, thế nhưng với hoàng đế Thiệu Trị thì đây là nỗi lo lắng lớn của ông.
Người con trưởng của vua là Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Bảo, lười biếng, thiếu tài năng, kém đức hạnh, chỉ ham chơi bời, ca xướng; mặc dù được vua cha quan tâm, nhắc nhở phải biết tu chí, rèn luyện đạo đức, học vấn nhưng "sinh con ai khá dễ sinh lòng", Hồng Bảo vẫn chứng nào tật đấy, không có thay đổi, sửa chữa gì. Thậm chí khi nhà vua lâm trọng bệnh vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), các hoàng tử, hoàng thân, đại thần lo lắng túc trực bên long sàng thì riêng Hồng Bảo lại vắng mặt bởi đang mải mê ở chốn ca lâu.
Biết không thể phó thác trọng trách lớn lao cho người con như vậy, vua Thiệu Trị truyền gọi các đại thần là Trương Đăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào chầu và có lời di huấn rằng: "Ta nối nghiệp lớn đã 7 năm, ngày đêm lo lắng không dám thong thả vui
chơi, mấy lâu se mình, hôm nay mệt lắm! Ta lo nghiệp lớn của tổ tiên phó thác, nên phải chọn người nối nghiệp để yên xã tắc. Trong mấy
người con của ta, Hồng Bảo tuy lớn nhưng là thứ xuất (con vợ thứ), mà lại ngu độn, ít học, chỉ ham chơi, nối nghiệp không được.
Con thứ hai là Phước Tuy công, thông minh, ham học, giống như ta, đáng nối nghiệp vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để lại trong long đồng. Các ngươi phải tuân theo đó, đừng trái mệnh ta".
Các đại thần đều cúi đầu vâng mệnh. Sau đó Thiệu Trị cho gọi con thứ là Phước Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm vào trao cho ấn, kiếm. Nghe
tin đó, Hồng Bảo vội cưỡi ngựa dẫn theo thân binh của mình kéo đến
hoàng cung, quan Tham tri bộ Lại là Phạm Thế Lịch đem 3.000 quân hổ bôn giữ cửa Ngọ Môn ngăn lại.
Khi Hồng Bảo đến cửa Ngọ Môn, có lệnh truyền ra nói rằng chỉ cho một mình vào trong cấm điện. Đến nơi, Hồng Bảo quỳ trước giường vua
khóc mà nói: "Thánh thượng đã hứa truyền ngôi cho con, ai cũng công nhận con là Thái tử. Nay con phạm tội bất hiếu, xin ơn trời lượng bể tha cho".
Vua Thiệu Trị buồn rầu phán rằng: "Thiên hạ là của đức Cao hoàng (Gia Long), kế đến đức Thánh Tổ (Minh Mạng) truyền lại cho ta. Ta đã định
truyền cho mi, thường khuyên mi tu tỉnh, thế mà mi cờ bạc, hát xướng. Thần khí rất trọng, ta không thể lấy tình riêng mà bỏ nghĩa chung được".
Thấy Hồng Bảo vẫn nấn ná, khóc lóc quỳ lạy bên giường ngự, Phạm Thế Lịch và Võ Văn Giải đưa mắt lệnh cho quân ngự lâm bắt Hồng Bảo giam vào hậu cung.
Chuyện lạ trong lễ đăng quang...
Ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), vua Thiệu Trị qua đời tại điện Cần Chánh, thọ 41 tuổi. Triều đình đặt thụy hiệu cho ông là "Thiệu thiên Long
vận Chí thiện Thuần hiếu Khoan minh Duệ đoán Văn trị Vũ công Thánh triết Chương Hoàng đế", miếu hiệu là Nguyễn Hiến Tổ.Ngay ngày hôm ấy, các hoàng thân, văn võ bá quan họp nghe tuyên đọc di chiếu, Hoàng tử thứ hai là Phước Tuy công khóc lạy lĩnh mạng nhận ngôi báu.
Tuy nhiên lễ lên ngôi của Nguyễn Phúc Thì cũng không được suôn sẻ, khi bản di chiếu được đọc lên, Hồng Bảo phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, ngã vật ra trước điện đình, quần thần phải vội vàng đỡ dậy dìu vào hàng để nghi lễ đăng quang được hoàn tất.
Trong bản tuyên chiếu lên ngôi của Phước Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm cho biết, kể từ tháng Giêng năm sau (tức năm Mậu Thân 1848) sẽ là năm Tự Đức thứ nhất. Sau đó tờ chiếu của vua Thiệu Trị được
đưa cho Tôn nhân phủ và các đình thần ký tên vào, riêng Hồng Bảo nhất định không chịu ký, thúc đầu vào tường làm máu chảy chan hòa. Quan đại thần Phạm Văn Nghị phải đến khuyên giải mãi, thậm chí khóc mà nói
rằng: "Xin điện hạ nghĩ lại, di chiếu của đức Tiên hoàng, điện hạ không ký cũng không được, xin ký để cho yên xã tắc và để cho đức Tiên
hoàng yên ổn dưới cửu tuyền".Nói hai, ba lần Hồng Bảo mới chịu ký.
Một chuyện lạ nữa không thể không nhắc đến, đó là bấy giờ có hoang tin nói rằng Nguyễn Phúc Hồng Nhậm không phải là con của Thiệu Trị mà là con của Trương Đăng Quế, do vị đại thần này dan díu mờ ám với Nhất giai phi Phạm Thị Hằng (sau này đã được tôn làm Thái hậu Từ Dũ), bởi vậy Trương Đăng Quế lập kế đưa con mình lên ngôi. Chuyện này là
vô căn cứ, bởi bà hoàng Phạm Thị Hằng nhập cung khi mới lên 14 tuổi, làm vợ Thiệu Trị khi ông vẫn còn là Hoàng trưởng tử, hơn nữa bà nổi
tiếng là đức hạnh, đoan trang, rất được vua sủng ái. Thậm chí trước khi mất, Thiệu Trị còn để lại di chiếu tôn bà làm Hoàng hậu và lời căn dặn
rằng: "Ta tiếc là không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài. Trong mấy đứa con của ta, Hồng Bảo lớn tuổi nhưng ít chữ, lại ham vui,
việc triều chính không thể giao phó vào tay nó. Hồng Nhậm là đứa con ta tin tưởng hơn cả, phi hãy giúp nó trông nom triều chính như đã giúp ta.
Ngoài ra mọi việc trong nội cung, phi hãy lo sao cho chu tất, chớ phụ lòng của trẫm".
Tuy nhiên tin đồn thất thiệt đó cũng gây ít nhiều tâm lý nghi ngờ, hơn nữa khi vua Thiệu Trị băng hà, mọi chuyện điều hành sự vụ trong lúc rối
ren đó đều do Trương Đăng Quế chủ trì. Do đó một số đại thần lấy làm ngờ vực, điều này dẫn đến chuyện có người không chịu lạy tân hoàng
đế trong lễ lên ngôi. Sách Quốc sử di biên có đoạn cho biết như sau:
"Mùa đông, tháng 10, ngày 5, Hoàng tử Phúc Tuy công lên ngôi Hoàng
đế. Trước đó, Trương Đăng Quế định kế trong cung, ngoài triều đều lấy làm ngờ. Đến lúc Hoàng tử Nhậm lên ngôi, có người không chịu xếp vào
ban thứ (đến lạy mừng). Võ thần Hà Văn Chương tuốt gươm ốp việc xếp ban thứ nói rằng: "Lúc tiên đế sắp mất, đã lập sẵn Thái tử. Chúng ta
phụng chiếu tôn phò, ai không theo chiếu chỉ, đã có phép nước". Bấy giờ cả đình thần đều xếp ban thứ lạy mừng".
Theo sử sách ghi lại, trong suốt 36 năm trị vì, vua Tự Đức rất coi trọng bổn phận làm con, luôn tuân thủ rất nghiêm "lịch làm việc – lịch làm con" do mình tự đặt ra. Vào các ngày chẵn, ông cùng tùy tùng vào hậu cung vấn an sức khỏe mẫu hậu, chỉ các ngày lẻ thì thiết triều hoặc lo việc triều đình, cứ như thế suốt 36 năm không sai ngày nào.
Lịch sử còn ghi lại chuyện Tự Đức có lần ra ngoài đi săn không thể về cung đúng giờ thăm mẹ, ngay khi đặt chân vào cung, Tự Đức đã dâng mâm son trên có một chiếc roi mây, quỳ trước mặt mẹ xin chịu đánh đến khi mẹ tha cho mới đứng dậy.Mẫu hậu Từ Dũ hẳn là người mẹ hạnh phúc nhất vì có một người con dù ngồi trên ngôi cao nhưng luôn giữ đúng bổn phận, luôn tôn kính và chăm sóc, tình cảm với người sinh thành. Hiện vẫn còn một cuốn sách do chính Tự Đức ghi lại tên là "Từ huấn lục" chép lại nghiêm ngắn những lời mẫu hậu Từ Dũ truyền dạy mà người con trai Tự Đức thấy đáng lưu tâm.
Cuốn sách này vua luôn mang trong mình, khi rảnh lại mang ra nghiền ngẫm.Bà Từ Dũ vốn là một người rất quan tâm, chăm lo đến đời sống muôn dân. Tuy sống trong cung cấm nhưng nhiều việc bên ngoài bà vẫn nắm rõ. Chính bà nhiều lần đã khuyên con trai xem xét việc giảm thuế cho dân những năm mất mùa, đói kém. May mắn cho vị mẫu hậu nhân từ là có một người con chí hiếu nên những lời ngọc của bà nhanh chóng được Tự Đức áp dụng, mang lại tiếng thơm cho vương triều.
Phụng sự mẹ tận đạo làm con nhưng chính vị vua này cũng ghi danh trong lịch sử là vị vua tuyệt tự. Đây cũng là điều đau khổ nhất của ông vì theo quan niệm của Nho giáo "Bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại" (có 3
điều bất hiếu, không có con là điều nặng nhất). Tự Đức suốt 36 năm trị vì, với hoàng phi Lệ Thiên Anh (sau khi mất mới phong làm hoàng hậu) không có mụn con nào. Với nhiều cung phi khác, Tự Đức cũng thất bại
trong việc có con nối dõi. Nguyên nhân do vua lúc bé bị bệnh đậu mùa nên không thể có con. Ông vua chí hiếu này đành nhận ba người cháu
làm con nuôi để truyền ngôi là Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái (tức vua Dục Đức), Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (tức vua Đồng
Khánh) và Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Đăng (tức vua Kiến Phúc).
Cũng vì không có con nên Tự Đức đã phải làm một việc xưa nay hiếm có vị vua nào phải làm: tự viết văn bia cho mình. Thông thường, con phải
dựng văn bia cho cha nhưng vì hoàn cảnh riêng mà ông vua tài hoa này phải tự mình làm điều đó. Ngày nay, văn bia nặng trên 20 tấn do Tự Đức
viết vẫn còn ở Khiêm Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Tự Đức – vị vua cực giỏi văn thơ nhưng thi văn đỗ... cuối bảng
Tự Đức được ghi nhận là ông vua uyên thâm nhất triều Nguyễn. Ông rất
chăm lo việc khoa bảng, thi cử và đặt ra các khoa thi nhằm chọn lấy
người có tài văn học ra làm quan.
Tự Đức là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Đêm nào ông cũng xem sách đến khuya. Ông làm nhiều thơ băng chữ
Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm
để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như Luận Ngữ diễn ca, Thập điều, Tự học diễn ca...Tự Đức cũng có một thú vui tao nhã là giao thiệp, đối họa
thi phú với những nhà thơ, học giả đương thời.
Tự Đức còn là ông vua yêu thích lịch sử , chính trị, tự tay vua còn phê nhiều lời bình luân trong bộ sử lớn Khâm Định Việt Sử Thông Giám
Cương Mục, từ đời thượng cổ cho tới hết thời nhà Hậu Lê. Vua cũng rất yêu nghệ thuật, là người chỉ đạo để các nghệ sĩ đương thời soạn
những vở tuồng lớn Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy... Nghệ thuật kiến trúc cũng được vua Tự Đức say mê nghiên cứu và ứng
dụng, tiêu biểu nhất chính là lăng vua. Chính nhà vua đã "chuẩn định" mô thức xây dựng lăng, trong khuôn viên trọng khoảng 12 ha, gần 50 công
trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp cao thấp hơn nhau chừng 10m. Các hệ thống bậc cấp lát đá thanh, các
lối đi quanh co lát gạch bát tràng đã nối tất cả các công trình kiến trúc lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi.Thế nhưng bên cạnh tất cả những miêu tả về con người tài hoa ấy cũng có một câu chuyện nhỏ vui vui cho thấy sự đánh giá về tài văn thơ của nhà vua khác hẳn bình thường.
Bản thân vua cũng thường tự hào về tài văn chương của mình. Vua thường nói: "Trẫm không đi thi nhưng nếu đi thi nhất định trẫm sẽ đỗ Trạng nguyên".
Thấy mọi người không có vẻ tán đồng, Tự Đức liền nghĩ ra một cách, ông cùng một số vị đại khoa làm một bài luận rồi rọc phách gửi sang
nhờ vua Thanh lập ban giám khảo chấm giúp. Tự tin nghĩ thế nào mình cũng đỗ đầu nhưng hoá ra bài văn của Tự Đức xếp cuối; trong bài của
ông có lời phê rằng: "Bài này tỏ ra tác giả là một người học rộng, khí phách, không phải là người thường nhưng là người không có tài mấy!".
Thực ra câu chuyện này chỉ là một nét chấm phá cho bức tranh miêu tả
vị vua tài hoa thêm phần sinh động chứ tài năng của vua Tự Đức thì đã được cả người đương thời và hậu thế công nhận và trân trọng.
Song Minh
YOU ARE READING
Edit Vương triều Tự Đức
Historical FictionLink:http://santruyen.com/vuong-trieu-tu-duc.html