A. MỞ BÀI
Thạch Lam, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, thuở nhỏ chủ yếu sống ở quê ngoại trong một gia đình công chức đông anh em. Ông là một gương mặt đặc biệt và vô cùng độc đáo của nhóm Tự Lực văn đoàn nổi tiếng nhưng nếu xét lại cả giai đoạn văn học 1930 – 1945, người con của Cẩm Giàng xứng đáng đứng vào hàng những cây bút xuất sắc nhất. Giữa rừng tác phẩm lãng mạn lâm li bi đát của những cốt truyện tình cảm éo le và trắc trở thì tác phẩm của Thạch Lam lại là những truyện không có cốt truyện, nhẹ nhàng sâu lắng, giàu chất trữ tình như một bài thơ nhưng cũng đậm chất hiện thực bởi ngòi bút ấy hướng tới những kiếp người khổ đau, bị lãng quên trong xã hội mà tác phẩm "Hai đứa trẻ" (in ở tập "Nắng trong vườn" năm 1938) là tiêu biểu cho lối hành văn ấy, đặc biệt là trích đoạn [...] gửi gắm tư tưởng nhân đạo [...] một cách kín đáo nhẹ nhàng.
B. THÂN BÀI
● Khái quát vị trí đoạn trích:
Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống và truyện ngắn "Hai đứa trẻ" cũng là lát cắt trong mảnh ký ức tuổi thơ sâu đậm của tác giả. Bằng cách kể chuyện theo diễn biến thời gian dưới đôi mắt quan sát và trái tim nhạy cảm của cô bé Liên, phố huyện nghèo đã hiện lên trong ba cảnh: cảnh chiều nhập nhoạng, cảnh đêm, và cảnh khuya khoắt đen kịt của màn đêm. Đoạn trích trên nằm ở [...], với bối cảnh câu chuyện là một phố huyện nghèo nàn, xơ xác, có đường tàu đi qua, một ga xép, một cái chợ nhỏ bé nằm giữa thôn xóm và cánh đồng. Thời gian là một buổi chiều muộn và cảnh đầu hôm cho đến lúc chuyến tàu chạy qua. Hai đứa trẻ ngồi trong một ngôi hàng xén nhỏ nhoi ngắm nhìn cảnh vật và cố thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua.
● Phân tích:
1. LÚC CHIỀU TÀN
● Bức tranh thiên nhiên phố huyện:
Mở đầu là một câu văn đầy chất thơ: "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru." Phép điệp từ "chiều" lặp lại như lời gọi báo, như bước đi chậm mà nhẹ nhàng xâm lấn của cảnh chiều lên phố huyện.
● Âm thanh:
Trước hết là âm thanh trong cảnh ngày tàn. Đó là âm thanh của tiếng muỗi trong cửa hàng, xa hơn là tiếng ếch nhái râm ran ngoài đồng ruộng. Và phủ trùm lên cả phố huyện là tiếng trống thu không: "từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều". Những âm thanh được tái hiện rõ rệt từ không gian vắng đủ để nghe thấy tiếng muỗi vo ve đến những âm thanh của ếch nhái ngoài đồng ruộng theo gió đưa vào và cuối cùng là tiếng trống báo hiệu thời gian vang vọng khắp phố huyện cho thấy cảnh chiều quê yên ả, tĩnh lặng đến lạ; vừa thân quen trong tâm trí người Việt về một miền quê, một vùng làng mạc trong trẻo mà bình dị, nhưng ta cứ thấy có gì đó thiếu thiếu, buồn bã đến nao lòng.
● Hình ảnh không gian:
Tiếp đến là màu sắc trong cảnh chiều tàn. Đó là sắc màu rực "như hòn than sắp tàn" tới từ phương Tây phản chiếu lên những đám mây ánh hồng. Và xa xa, dãy tre đen cắt hình rõ rệt trên nền trời. Bằng thủ pháp ngược sáng trong điện ảnh, ánh sáng rực rỡ cuối cùng của ngày đang tàn đi, sắc màu cứ giảm dần đi, từ "đỏ" sang "hồng" và cuối cùng là màu "đen" vẽ nên một bức tranh hoàng hôn day dứt chút huy hoàng của ngày cũ trước lúc tàn lụi. Cùng âm thanh tiếng trống, sắc màu đã tô điểm thêm bước chân của thời gian. Bóng đêm xâm lấn dần, phủ trùm dần lên cảnh sắc phố huyện. Đẹp đấy nhưng sao cũng tiếc nuối bâng khuâng, hụt hẫng quá chừng!
BẠN ĐANG ĐỌC
「Ngữ văn」 Bứt phá 9+ lớp 11 彡 Nghị luận văn học
NonfiksiTóm tắt: Bạn muốn bứt phá điểm 9+ môn Ngữ văn phần nghị luận văn học nhưng cứ mãi loay hoay chưa biết cách? Đừng lo, bạn đã đến đúng nơi rồi đấy (˵ •̀ ᴗ - ˵ ) Lưu ý: Đa số các bài phân tích dưới đây đều được mình sưu tầm hoặc tự tay chấp bút và chún...