Các em mười ba tuổi nhỉ. Tóm lại, độ tuổi là gì vậy?
Chắc các em vẫn chưa quên "vụ sát hại gia đình năm người ở thành phố T". Trong suốt dịp nghỉ hè, mỗi ngày hung thủ lại trộn một ít thuốc vẫn được nhắc đến trong truyện trinh thám vào bữa tối của gia đình, sau đó ghi lại triệu chứng của từng người lên blog. Tuy nhiên, thấy triệu chứng nhẹ hơn mình tưởng tượng, hung thủ không hài lòng bèn bỏ kali xyanua vào món cà ri để sát hại bố mẹ, ông bà và cậu em trai học lớp Bốn. Hung thủ là học sinh lớp Bảy, khi ấy mười ba tuổi, là chị cả. Câu cuối cùng hung thủ đăng trên blog là: "Dù gì thì rốt cuộc kali xyanua vẫn hiệu quả nhất!" Đài báo đã đưa tin về vụ này không biết bao nhiêu ngày.
"Vụ án Lunacy?" Như em Sone nói, các em đều nhớ vụ án đó bằng cái tên này. Luna trong thần thoại La Mã có nghĩa là mặt trăng hoặc nữ thần mặt trăng. Tương đương với Selene trong thần thoại Hy Lạp. "Em không biết." Không sao. Còn "lunacy" lại có nghĩa thần kinh bất ổn, rối loạn tâm thần, hoặc những hành vi điên rồ. Vì cô bé hung thủ dùng cái tên này trên blog nên các phương tiện truyền thông gán luôn cái tên Lunacy cho vụ án, thậm chí còn dựng nên thuyết đa nhân cách là "một cô bé trầm lặng biến thành nữ thần Lunacy điên loạn", xôn xao đến buồn cười. Án phạt dành cho cô bé ấy như thế nào à, có bao nhiêu người trong số các em ở đây biết được điều đó? Vụ án được gán cho cái tên hoành tráng ấy, do hung thủ vị thành niên nên chân dung và tên thật đều bị giấu, chỉ góc khuất trong tâm hồn cô bé là bị phóng đại bởi tính chất tàn bạo của vụ việc và những suy đoán mà thôi. Vụ án cứ vậy chìm vào quên lãng mà chẳng ai biết được sự thật cốt yếu. Đưa tin như vậy có được không? Cách truyền thông đưa tin về vụ này chỉ khiến một bộ phận những đứa trẻ có tâm hồn tăm tối khắc ghi vào đầu sự tồn tại của những kẻ ác lập dị không có tính người như Lunacy, hay khiến những đứa trẻ trầm uất sùng bái bọn tội phạm điên rồ. Cô nghĩ nếu không công khai chân dung và tên tuổi vì chúng là trẻ vị thành niên thì cũng đừng công khai cái tên mà chúng sung sướng tự đặt làm gì. Trên blog xưng Lunacy mà tên thật lại được công khai là cậu bé A, cô bé A thì cứ làm mờ phần đó đi và đặt một cái tên giả đáng xấu hổ khác như "kẻ đần độn" hay "kẻ ị bậy" cho xong. Còn vụ sát thương trẻ nhỏ tại thành phố K, dù không công khai chữ ký viết tay ấy thì cũng chỉ cần cười khẩy rằng: "Hắn đã phiên âm Hán tự thật đỉnh cho một cái tên tầm thường. Chắc muốn khoe có thể viết được chữ Hán khó đây."
Các em đang tưởng tượng cô bé tự gọi mình là Lunacy ấy trông như thế nào à? Bình tĩnh suy nghĩ nhé. Một cô bé xinh đẹp có tự gọi mình là Lunacy không? Nếu không công bố ảnh thì có thể công bố tranh chân dung đã cố tình tô đậm đường nhân trung hoặc nếp nhăn khi cười. Chỉ cần làm cho thật giống con người là được. Càng đối xử đặc biệt, càng làm ầm ĩ thì những tên tội phạm vị thành niên kia càng tự huyễn hoặc bản thân. Rồi những đứa trẻ ngốc nghếch ngưỡng mộ bọn chúng cũng tăng lên theo. Nếu ngay từ đầu biết hung thủ là trẻ vị thành niên thì nhiệm vụ của người lớn là chỉ nói về vụ án ở mức tối thiểu, nghiêm khắc quở trách sự ngu xuẩn của những đứa trẻ quá huyễn hoặc bản thân. Cô bé phạm tội chỉ phải ngồi viết tập làm văn ở một tổ chức hỗ trợ trẻ em hay gì đó rồi vài năm sau lại có thể quay về xã hội với khuôn mặt ngây thơ vô tội.
BẠN ĐANG ĐỌC
THÚ TỘI
TerrorCảnh sát nhận định đây là vụ tai nạn nhưng Moriguchi biết ai đã sát hại con gái mình - kẻ ở ngay trong lớp học do mình chủ nhiệm. Moriguchi bắt đầu kế hoạch báo thù của riêng cô "Một câu chuyện tâm lý kinh dị, ớn lạnh, thuyết phục, gây bất ngờ khôn...