Lúc vừa nãy ở phía bên này mấy người lần đầu về núi trong đoàn ai cũng tò mò, nhìn nhóm kia khởi hành đi cúng đêm cảm thấy hâm mộ dữ lắm. Nhưng bây giờ đến lượt mình lên đường thì mới biết là không phải trải nghiệm nào cũng chỉ toàn những điều tốt đẹp. Ở đây toàn bộ là dân bám trụ Sài Gòn đã lâu, tuy phần đông là người lao động nhưng nói về độ linh hoạt quen thuộc với núi cao rừng sâu thì chỉ bằng con số không tròn trĩnh.
Chưa kể lần này di chuyển ban đêm, sơ sẩy liền phải trả giá. Đường chánh lên núi còn có bậc thang, phác đường rộng rãi chứ còn đường đi vào các điện nhỏ đa phần là do con người đi riết mà thành. Tiền nhân cũng không dư giả, có gì làm đó xây đắp tạm bợ, chỉ có lối nhỏ ngoằn ngoèo.
Đoàn bên Kỳ Nam đi men theo một hướng khác, tuy là nói đốt đuốc hành hương nhưng thực ra chỉ có vài người trưởng huynh phía trước là cầm đuốc đi đầu, có lẽ tựa như một nghi thức tâm linh hơn là để chiếu sáng. Năm này đã là năm nào rồi, đâu phải còn thời Nguyễn Ánh còn chưa có điện, trong đoàn cứ vài người thì đều có một cái đèn pin, loại dùng pin đại con Ó. độ sáng cũng vừa đủ soi đường. Nhưng dù thế nào thì đường núi cũng vô cùng khó đi, khó tránh va quẹt với cây lá um tùm gai nhọn hai bên, vài người trầy xước.
Khó khăn lắm mới qua được một đoạn nhỏ. Đường tối thăm thẳm thập phần đáng sợ đâu đó văng vẳng tiếng tru hú của chim thú, ai cũng bộ dáng chật vật lấm lem, còn đâu thần thái tiên phong đạo cốt vừa rồi.
Rồi bằng một công nghệ định vị thần kỳ nào đó tưởng đi trong vô vọng mà cuối cùng đoàn cũng gần đến điểm đích. Di chuyển độ hơn tuần trà thì phía đầu đoàn đột ngột chững lại làm mấy người phía sau không kịp phản ứng đổ dồn tới, trông như là đường cùng mà thực ra không phải. Lối đi tiếp theo nằm ở dưới, không phải trước mặt.
Phía trước là một con dốc đổ xuống dẫn đến một hang động đen hoắm như nuốt trôi màn đêm. Phía ngoài có mấy vồ đá lớn to bằng con xe bốn bánh xếp chồng qua lại lên nhau không biết đã từ năm tháng nào. Rễ của mấy cây Bồ Đề đã mọc sâu dầy, bám ôm theo hình thù của đá, như một cơ thể liền lạc mà phát triển thành thân cao chục mét. Cơn gió lớn lùa qua tán cây, rào rạc ồn ào như đón chào mấy sinh vật nhỏ bé phía dưới. Đời người trăm năm, cây đứng ngàn năm, yên tĩnh mà nhìn.
Bên mé trái men theo sườn núi lại có một vách đá thẳng đứng cao như tòa nhà mấy tầng thả dây leo chằng chịt, nếu ở đó có thêm con thác nhỏ chắc là đẹp lắm. Trước hang là hai tảng đá khổng lồ hình thù tựa như hai cái bánh ú tựa đầu vào nhau khéo léo như định mệnh sắp đặt, chừa ra một khoản hở rộng cỡ dang tay người lớn, đủ một người thoải mái bước vào.
Hang này có tên là Ngũ Hành Động Thiêng. Ít nhất là vết sơn đỏ sờn cũ ghi trên phiến đá lớn ở ngoài đã đề như vậy, nét chữ hữu lực như khai sơn dời bể. Mấy chục năm sau này Kỳ Nam có dịp đến núi nhiều lần nhưng chẳng bao giờ tìm thấy cái hang ấy một lần nữa, cũng không nghe ai nói gì về nó, như thể như nó chưa từng tồn tại trên đời vậy. Thế mà hôm ấy nó lại nằm sừng sững giữa bóng tối.
Cả đoàn nối đuôi nhau bước vào, được độ chục mét thì hang dần rộng ra như bụng con rùa vậy. Vô trong này mới thấy sự lan toả của ánh đuốc, tỏa sáng tứ phương, đèn pin thì chỉ rọi được một hướng mà thôi. Mấy huynh đệ bắt đầu săm soi cảnh quan, làm quen dần với cái mùi ngai ngái của phân dơi thường thấy ở những thạch động ẩm ướt ven biển Kiên Giang. Trên vách hai bên nhòm thấy có mấy hình thù đục vẽ mấy con thú, vết sâu vết nông. Lớn nhất là hình Ông Rắn và Ông Hổ, trong dân gian nam bộ thì rắn và hổ là hai hình ảnh thường thấy đại diện cho thần núi, như âm và dương vậy.
Không lạ khi thấy hình ảnh sơn thần ở đây. Chỉ có lạ ở chỗ là nét đục thô cứng chỉ như họa sĩ hạng hai họa đồ nhưng không hiểu sao lại trông sống động uy mãnh như thật, nhìn mà rùng mình.
Vô đây không những không nóng không ngột ngạt mà chốc chốc lại có gió núi lùa qua mát lạnh sống lưng, có lẽ sâu tiếp bên trong động thiêng có một giếng trời nằm đâu đó. Và cái giếng ấy có lẽ nó có hình phễu làm cho không khí đi vào bên trong hang theo lực đẩy của gió núi bị nén lại hạ nhiệt độ xuống làm cho lạnh càng thêm lạnh tựa như nguyên tắc cơ bản của máy điều hòa vậy. Còn nếu không phải như thế, mấy huynh đệ ở đây cảm thấy gió thổi lạnh sống lưng từng đợt vì nguyên nhân gì, thật không dám nghĩ. Thứ khí hậu châu âu lạ lùng này làm chúng huynh đệ e ngại vô cùng.
Ngày nay chỉ nội trong Sài Gòn có thể đếm không hết những miếu Ngũ Hành vẫn còn tồn tại, khắp nam bộ càng là một con số khổng lồ. Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ thần mẫu và ngũ hành đã đi sâu từ lâu vào trong đời sống tâm linh người Việt. Động thiêng này cũng đề tên Ngũ Hành, nhưng dáng vẻ của nó thì chẳng thể phổ biến như hằng hà sa số điện thờ bên ngoài. Tựa như một chỗ phong ấn cổ xưa, nơi thần linh đã ngự nhiều tuế nguyệt, thần tích nay vẫn còn.
Năm trụ đá nằm uy nghi ở giữa chánh điện đại diện cho Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, không biết ai đó, ở năm nào đã khoác vòng cho từng trụ đá một chiếc áo bào đơn màu theo từng ngũ hành, chánh điện đơn sơ như vậy cùng hai hình thờ sơn thần tượng trưng cho Âm Dương Lưỡng Nghi.
Năm hành chia âm dương thấy thanh thuần thô sơ vậy chứ tỉ mĩ suy luận diễn hóa sẽ thấy thiên đạo bên trong hàm chứa không thể nghĩ bàn, đã đủ bao gồm càn khôn. Có tôn ti trật tự, có đạo lý tự nhiên, cũng có vi kỳ bất ý. Tử vi bát tự, kỳ môn độn giáp hay hoàng đế nội kinh bên đông y tầng tầng thâm sâu kiến thức thì cũng từ mười loại năng lượng này mà ra, đó là cái hay của tính thống nhất của triết học phương đông, thẩm thấu trên mọi phương diện đời sống.
Nên đôi khi người trẻ bây giờ thấy hình ảnh ông già bà cả cúng kiến lạy lụt ở các miếu ngũ hành năm bà, khoác áo lộng lẫy bông trái rượu thịt đầy ắp. Nhìn nó mông muội vậy chứ suy cho cùng, cũng có thể nói là họ thờ cúng thứ năng lượng bản nguyên nhất của trái đất này vậy. Chẳng qua là dân gian khoác cho nó lên thứ màu huyền hoặc lộng lẫy, hoặc gần gũi đời thường để phù hợp với đại đa số tín dân, con người bình dị đơn sơ vậy thôi.
Giữa chánh điện có một sàn đá tương đối bằng phẳng sạch sẽ, tựa như tấm phản khổng lồ vừa hay cao hơn xung quanh chừng ba tấc, nếu ngồi gói ghém một chút cũng vừa đủ nhân số một xe đò. Người Áo Đen sau một đợt cúng kiến lên nhang đèn khấn vái năm trụ đá cùng mấy trưởng huynh thì bắt đầu cho lệnh đệ tử xếp thành tả hữu nam nữ hai bên. Ở giữa bày ra một cái khay lớn, trên đó để trà nước, trầu cau, mấy chục bao thuốc lá vừa mở nắp, chuẩn bị chầu Thầy về.
Ầm! trời bỗng đánh một tiếng sấm lớn thanh âm cuốn sâu vào hang. Mùa hè năm đó hay mưa, chắc là tình cờ mà thôi. Đoàn người ngồi ngay ngắn, kính cẩn, cảm thấy có một tia thiêng liêng vừa rót vào óc.
![](https://img.wattpad.com/cover/346597427-288-k619818.jpg)
YOU ARE READING
Con Đường Bản Nguyên
Algemene fictieThể loại: Xuyên Không - Tâm Linh. Sài Gòn 1990s. Kỳ Nam kỳ ngộ xuyên không đi tìm chính mình. Ở mỗi kiếp sống đều khác nhau, có kiếp phóng túng hài hước, có kiếp tạo hoá tâm linh, cũng có kiếp vướng vào chữ tình. Mỗi đoạn ngắn ngủi nhưng khắc cốt g...