CHƯƠNG 1: Ở LÀNG

120 4 0
                                    

Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.

Tuy vậy, cho đến năm lên tám, tôi vẫn tưởng tôi có mẹ cũng như mọi đứa trẻ khác, vì mỗi khi tôi khóc thì luôn luôn có một người đàn bà dịu dàng ôm tôi vào lòng, âu yếm ru, khiến cho nước mắt tôi ngừng chảy.

Mỗi khi tôi lên giường ngủ, cũng có một người đàn bà đến hôn tôi. Và khi gió rét tháng chạp trát những bông hoa tuyết vào cửa kính trắng xóa, bà ấy vừa ấp ủ chân tôi trong đôi bàn tay trìu mến của bà, vừa hát cho tôi nghe một bài hát mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ điệu và lõm bõm vài lời ca.

Khi tôi chăn con bò sữa ở ven đường đầy cỏ, hoặc ở những đám cây hoang, lá dại mà gặp một trận mưa dông bất ngờ đổ xuống, thì bà chạy đến đón tôi, bắt tôi núp trong chiếc váy len của bà và túm váy lên che đầu che vai cho tôi cẩn thận.

Mỗi lần có chuyện gây gổ với bạn bè thì bà dỗ tôi, bảo tôi kể cho bà nghe những nỗi bực bội chất chứa trong lòng và hầu như lúc nào bà cũng tìm được những lời thích hợp để an ủi tôi, hoặc tỏ ra đồng tình với tôi.

Qua những việc ấy, và bao nhiêu việc khác nữa, từ giọng nói, cách nhìn, cái vuốt ve cho đến những lời trách mắng ôn tồn, tôi yên trí bà là mẹ tôi.

Tôi được biết bà không phải là mẹ đẻ, mà chỉ là mẹ nuôi, như thế này đây.

Làng tôi gọi là làng Chavanon. Nói cho đúng thì đó là cái làng ở đó tôi lớn lên, tôi sống thời thơ ấu, chứ tôi làm gì có quê hương, có nơi chôn rau cắt rốn, cũng như tôi đã không có cha có mẹ gì cả. Làng Chavanon là một trong những làng nghèo nàn nhất ở miền Trung nước Pháp.

Không nghèo vì dân làng chây lười, mà chính vì nó ở vào một vùng đất đai cằn cỗi. Đất mặt rất mỏng, muốn mùa màng tốt, phải có phân, vôi, mà những thứ này trong vùng quá hiếm. Vì thế, người ta thấy ít những cánh đồng trồng trọt mà nhan nhản những đám cỏ hôi, cây dại. Hết những đám ấy thì là địa hạt của những lăngdơ.

Trên các lăngdơ cao ấy, gió lạnh thổi rát làm táp những lùm cây thưa thớt cành nhánh vặn vẹo quay cuồng.

Muốn thấy cây cối xanh tốt thì phải rời bỏ cao nguyên, xuống các thung lũng cạnh sông, ở đấy có những cây dẻ cao to và những cây sồi vạm vỡ.

Cái nhà tôi sống những năm đầu của tuổi thơ ấu dựng trong một thung lũng như thế, trên bờ con suối nước chảy xiết đổ vào một phụ lưu của sông Loire.

Cho đến năm lên tám, tôi chưa hề thấy đàn ông trong nhà, tuy má tôi không phải là góa bụa. Chồng bà vốn là thợ đá đi làm ăn ở Paris như phần đông những người thợ khác trong vùng. Từ ngày tôi bắt đầu hiểu biết sự việc chung quanh mình thì tôi chưa thấy ông ta về làng lần nào. Thỉnh thoảng có bạn bè về quê, ông ta mới nhắn tin về:

"Này, bác Barberin, bác giai vẫn được mạnh khỏe đấy! Bác ấy nhờ tôi tin cho bác biết là công việc làm ăn khá lắm và bác ấy gửi cho bác số tiền này đây. Bác đếm đi chứ!"

Chỉ có thế thôi. Chừng ấy tin tức, má Barberin cũng cho là đủ rồi: ông chồng mạnh khỏe; ông làm ra tiền, kiếm ăn được, còn gì nữa! Đừng tưởng ông Barberin ở Paris lâu thế là vì có điều bất hòa với vợ. Không hề có chuyện như thế. Ông ta ở lại Paris là do công việc làm ăn bắt buộc, thế thôi. Lúc già, ông sẽ trở về ở với vợ. Với số tiền dành dụm được, đến ngày tuổi già sức yếu, vợ chồng không lo lâm vào cảnh cơ hàn.

KHÔNG GIA ĐÌNH - HECTOR MALOTNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ