Hồi thứ ba: Phù thủy thu binh

20 0 0
                                    

Một năm sau khi Phạm Đình Sơn mất, nhằm vào năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi ba 1782, tại trấn Sơn Tây xảy ra hạn hán vào tháng tư kèm với nạn hoàng trùng châu chấu. Nạn đói cũng theo đó mà tràn tới.

Ban đầu, nồi cơm không còn trắng như thường nữa, mà độn lẫn những dong, những khoai, những chuối. Dần dà, cũng chẳng còn cơm. Hai bữa cơm một ngày dần thay bằng một bữa, rồi thì hai ngày một bữa. Trâu bò đều phải cầm cố cho nhà giàu, gà, vịt thưa dần vì được bán đi hoặc thịt ăn dần.

Rồi đến mèo, chó, người ta không thể để nuôi nữa, cũng phải mang ra thịt ăn. Chỉ vài tháng sau, không còn lấy một con chó con mèo nào trong làng, vì nhà nào thương lắm, tiếc lắm cũng đành thịt ăn, nếu không sẽ bị trộm bắt mất.

Người ta đổ ra sông đánh cá, bắt tép, mà những thứ ấy cũng lay lắt khi được khi không. Ruột sắt lại, người ta hè nhau ra đồng bắt chuột. Rồi chuột cũng cạn dần. Thường thì chẳng ai dám động đến cá trê gần bãi tha ma vì ghê cá trê ăn thịt người chết, nhưng vốn dĩ cơn đói mạnh hơn nỗi sợ, cá trê mả rốt lại cũng chui vào bụng.

Cuộc sống của người dân lúc này chỉ xoay quanh chuyện ăn và ăn. Sáng dậy hỏi hôm nay có gì ăn, tối đi ngủ nghĩ mai có chết đói không.

Chúa Trịnh cứu đói bằng cách bắt ép nhà giàu phải nộp thóc gạo để phát chẩn. Nhưng dân vẫn đói mà các quan được mùa to. Gạo phát chẩn được trích một phần trộn lẫn mùn cưa phát cho dân chúng, phần còn lại các quan giữ lại bán kiếm lời. Nhà giàu thì tha hồ thu về trâu, bò với giá chỉ bằng một nửa bình thường. Rốt lại, nước chảy chỗ trũng, chỉ có dân nghèo là khổ mà thôi.

Thời buổi đó, mỗi ngày trong trấn có rất nhiều người chết, một phần là dân của trấn, phần khác là những người hành khất xin ăn từ các vùng nông thôn hẻo lánh hơn. Thực ra họ chỉ đi ngang qua đấy, vì mục đích của họ là kinh thành.

Mặc dù kinh thành không dễ sống hơn, nhưng ở đó có lương thực, có lúa gạo, khoai sắn, may ra bòn được chút gì. Ngồi im thì đằng nào cũng chết, chi bằng tha phương mà tìm cơ hội sống mong manh. Người đói giống như nước chảy từ các khe nhỏ về khe lớn, từ khe lớn về suối, từ suối đổ về sông, từ sông đổ ra biển. Kinh thành chính là biển lớn mà họ trông chờ, Tam Dương cũng là một khe suối nhỏ trong dòng chảy ấy.

Càng ngày, người đói tràn về càng nhiều, người chết dọc đường nhiều không kể xiết. Quan trong huyện ngay từ tháng năm đã cho đào một cái hố vuông mỗi cạnh ba trượng, sâu một trượng, lệnh cho tất cả mọi người phải tránh xa trong vòng một dặm. Dân chúng vốn đã trải qua nhiều trận đối đầu truyền tai nhau rằng cái hố đó dành để chôn người chết, quan cấm đến gần thứ nhất là nhằm tránh dịch, thứ hai là để lòng dân khỏi hoang mang.

Huyện Tam Dương nổi tiếng vì mỗi khi xuất hiện người chết đói đều có những chuẩn bị chu đáo khiến cho dịch bệnh do tử thi gây ra chưa bao giờ bùng phát ở nơi đây. Cũng vì chuyện này mà quan huyện được triều đình khen thưởng nhiều lần.

Khi ấy Phạm Đình Quyết đang lang thang xin ăn ở chợ huyện Cốc Dương. Cái hố chôn người cách Cốc Dương không đến năm dặm.

Quyết năm ấy tròn mười ba tuổi, trước tình cảnh như vậy, hắn đã cầm chắc chết đói, điều đó cũng hiển nhiên như việc hắn là một kẻ ăn mày. Từ hơn một tháng nay, chẳng có ai cho Quyết một hào một cốc hay chút gì ăn được. Hắn buộc phải ăn đủ thứ. Ban đầu hắn bẻ trộm chuối, thêm chút rau tập tàng. Rồi thì cỏ, hoa, rễ cây, côn trùng, đôi khi cả giun đất hắn cũng phải cố nhét cho đầy bụng. Quyết còn rình ngựa quan lại hoặc nhà giàu đại tiện thì bới tìm những hạt ngô chưa tiêu hóa hết trong đống phân để cầm cự.

Đại Nam Dị TruyệnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ