Thế nào gọi là nhớ? Thế nào gọi là quên? Theo như những gì tâm lý học đã nghiên cứu, có những loại kí ức khiến con người dễ nhớ và nhớ lâu hơn hết thảy mọi thứ. Ví dụ như thế này: tôi có một người bạn học chung lớp. Hằng ngày, cô ấy đều đến trường học tập đầy đủ như bao học sinh chăm ngoan khác. Đồng phục mà cô ấy mặc cũng giống như của tôi, vì chúng tôi học chung trường, là áo sơ mi xinh xắn và quần tây gọn gàng. Một ngày nọ đẹp trời, quần cô ấy bị rách. Điều đó chỉ được tự mình cô ấy khám phá ra khi tình cờ, cô ấy quay mông vào tầm nhìn của mẹ mình để rửa chân. Tuyệt vời làm sao, trong cả ngàn kí ức mà cô ấy muốn nhớ và không muốn nhớ, đó lại là điều mà cô ấy nhớ nhất. Đến cả chúng tôi – những người đã khám phá ra chuyện đó từ lúc cô ấy tình cờ quay mông vào tầm nhìn của chúng tôi để leo lên xe đạp chạy về nhà – còn không nhớ nổi nữa là.
Vậy đấy, chuyện chỉ có vậy thôi. Tôi đơn giản chỉ muốn nói rằng những kí ức tồi tệ thường là thứ khiến con người nhớ mãi không quên và có xu hướng đem ra nhớ lại để cố quên. Cũng như tôi vậy, trong cả ngàn kí ức đẹp đẽ về tôi và cậu ấy, điều khiến tôi nhớ nhất lại là ngày mà chúng tôi chia tay.
Ngày ấy nắng nhẹ, gió thổi thoang thoảng rất sảng khoái. Tôi và cậu ấy cùng ngồi với nhau như thường lệ vào khoảng thời gian từ lúc tan học đến lúc bắt đầu lớp học thêm. Tôi và cậu ấy nói về rất nhiều chuyện, chủ yếu là về chuyện thi đại học. Thật ra, ngày ấy đã là ngày gần cuối của chuỗi ngày tụng văn niệm lý của chúng tôi, chỉ còn khoảng một tuần nữa là chúng tôi sẽ chính thức sa chân vào cái đấu trường sinh tử trong truyền thuyết, nơi mà khảo sát cho thấy cứ có vài trăm đứa thi vào là chỉ có vài chục đứa đậu, phần lớn đều không phải là dân thành phố. Nỗi lo ngày một tăng trong giới học sinh nơi tụ điểm của hàng loạt những trường đại học có tiếng của cả nước để dân số các tỉnh đổ xô vào ôn thi, thi đậu, thi rớt, quay về. Nỗi lo ấy vô cùng đơn giản: dân thành phố không được cộng điểm còn dân ngoại tỉnh thì được cộng đến 0,5 đến 1,5 điểm, thậm chí là hơn thế nữa. Nhìn dân thành phố chảnh chảnh thế thôi chứ thật ra khi thi, chúng nó lo thấy bà. Cái cảm giác khi mà thi chung với những đứa được cộng điểm cũng giống như cái cảm giác thấy thằng bồ mình học bài chung với con bạn thân của nó vậy. Ức chế vô cùng luôn!!! Nhưng chuyện ấy chỉ là một vấn đề nho nhỏ trong một đống vấn đề to lớn khác mà lũ học sinh thành phố chúng tôi buộc phải nghĩ đến trong kì thi đại học thôi. Chuyện phải nghĩ đến trước khi thi đại học cũng nhiều thật đấy. Nhưng biết làm sao được, là con người không có nghĩa là ngừng suy nghĩ. Vì khi ngừng suy nghĩ, ta sẽ đánh mất bản năng gốc gác của chính con người.
Nghe có vẻ cao sang, thần thánh nhưng đó là những gì tôi cà cậu ấy vẫn luôn bàn với nhau. Thật ra, đó là chuyện mà ai cũng bàn với nhau, tôi và cậu ấy chẳng qua là nghe ké rồi ra vẻ như đang bàn mà thôi. Thật khổ! Thi đại học thật khổ! Chia tay nhau cũng thật khổ!
"Mày với nó có yêu nhau méo đâu mà chia tay" – lý trí của tôi nói với tôi như vậy.
Đồ phản chủ, tao chỉ dùng từ ngữ gây hiểu nhầm cho độc giả vậy tôi, chứ tao thừa biết, cái từ chia tay ấy thật ra là đang nói đến ngày cận kề ngày thi tốt nghiệp. Các bạn biết không, cái ngày cô hiệu trường đánh lên tiếng trống báo hiệu tiễn vong lũ học trò 12, chúng tôi cũng chẳng buồn khóc vì biết ngày mai lại vẫn tiếp tục vác mông lên trường mà học cả thôi. Mục tiêu ôn thi tốt nghiệp ấy mà...
Thế nhưng mà vẫn có đứa khóc. Nhờ có hiệu ứng lan truyền, cả trường khóc luôn. Thật ra, lúc nghe cô hiệu trưởng phát biểu, tôi cũng cảm thấy hơi hơi xúc động, cũng muốn ôm chân cô mà gào thét "Cô ơi, em sợ rớt đại học quá, cô cho tụi em chơi trò ném bóng nước đi". Tôi và đám bạn cùng lớp cứ ngồi nhìn nhau cười hiền, trông đợi xem đứa nào khóc trước. Cuối cùng, thằng tổ trưởng tổ 3 lớp D5 lại là đứa khóc đầu tiên, gây nên thảm cảnh khóc than cho toàn bộ cộng đồng lớp 12. Cũng tại nó đẹp trai, nên ai cũng nhìn nó mà bắt chước. Trông nó khóc thảm thương như vậy, bạn tôi cũng khóc theo. Lẽ ra tôi cũng đã hùa khóc theo rồi... chỉ tiếc, tuyến lệ hoạt động tệ quá, tôi khóc không nổi. Cuối cùng, tôi chỉ có thể nhìn lũ bạn tôi khóc, đặt tay lên vai nó vỗ vỗ vài cái an ủi rồi cười nhạo "Bố thắng rồi nhá".
...
...
Và ngày tốt nghiệp kết thúc.
...
...
Chúng tôi lại dắt tay nhau đi ôn thi tốt nghiệp, đi ôn thi đại học cùng nhau. Thật ra, tôi cũng muốn kể cái gì đó liên quan đến khoảng thời gian này lắm nhưng thú thật, lúc nào cũng đập đầu vào tập sách mà học thì chẳng có chuyện gì vui để mà kể cả. Mọi người cứ tự hoài niệm về cái thời ôn thi tốt nghiệp của mình đi... chẳng có gì đáng nhớ đâu, vì chúng ta chỉ lo học mà thôi. Thi tốt nghiệp xong rồi, ngày chia tay thật sự mới đến. Lớp chúng tôi tổ chức liên hoan mừng thắng lợi thành công. Dù giỏi, khá hay trung bình, đậu cũng là đậu. Ăn liên hoan lớp tôi cũng chẳng có gì sang, chỉ đặt đồ ăn mang vào lớp rồi giành nhau đớp lấy đớp để. Cô chủ nhiệm khiển trách cũng nhiều, nhưng do hễ có hơi đồ ăn vào là lại trỗi máu liều, chúng tôi chẳng quan tâm mấy đến sự hiện diện của cô. Xin lỗi cô nhiều.
Lớp tôi tuy chỉ là một cái sở thú quy mô nhỏ trong trường nhưng sự đoàn kết phải tính vào dạng quy mô lớn. Lớp tôi lúc nào cũng vậy, có thưởng giành nhau, chia nhau chịu phạt. Có lẽ vì thấy được điều ấy nên mụ lớp trưởng cũng chẳng muốn rời lớp tôi tí nào, mặc dù trong lớp toàn thành phần cặn bã không thôi. Tại sao có những người gia cảnh tốt, nhà có điều kiện cực tốt lại không muốn sống một cuộc sống hợp với hoàn cảnh như vậy mà cứ thích đâm đầu vào tệ nạn, vào những cái lỗ đen không đáy của xã hội nhỉ?!! Có lẽ vì chỉ khi ở đó, họ mới tìm được chút niềm vui hiếm hoi của cuộc đời mình. Đối với Chương mà nói, cái lớp tôi như cái ổ tệ nạn xã hội, như cái ổ mụn nhọt cóc gớm ghiếc mà không ai muốn dính vào. Thế nhưng, giữa rừng hoa thơm ngát tởm lợm, bốc mùi kia, cậu ấy lại chọn chúng tôi. Nhờ có cậu ấy, lớp tôi đạt được nhiều thành tích đáng kể: nào là lớp có lớp trưởng đẹp trai nhất này, lớp có lớp trưởng học giỏi nhất này, lớp có kiện tướng thể thao của trường này, ..., lớp vô dụng nhất này và đấy là danh hiệu duy nhất chúng tôi có được mà không nhờ đến lớp trưởng.
Thật khổ, lớp trưởng gì đâu mà giỏi thế.
Nhưng câu chuyện của tao sẽ không quay quanh mày đâu Chương à, vì đối với tao, mày chỉ là một con mụ điên nhiều chuyện, không tể nào sánh bằng Khanh – vợ tao được.
HCM, 30/6/2015
Tặng các bạn bài River - AKB48 :3 khúc đầu nghe có hơi tởm nhưng qua khúc tởm rồi thì lại thấy ghiền, lời bài hát cũng là điều mà mình muốn gửi gắm đến các bạn :))) Các bạn 97 à, thi tốt nhé >"<
BẠN ĐANG ĐỌC
Trò mèo cuối cấp
Novela JuvenilTrò mèo cuối cấp là tập hợp những trò hại não kinh dị Mỹ của lũ học sinh lớp 12 rảnh rỗi, bệnh hoạn trong những ngày cuối cấp với mục tiêu chính là phá banh trường bằng mọi thủ đoạn được các thầy cô chấp nhận. Trò mèo cuối cấp là tên của phong trào...