Hồi 02: Dinh thự Bách Hợp và oan hồn trinh nữ.

354 51 5
                                    

Tại một ngọn đồi thông hoang vu ở Đà Lạt vào 3 tháng trước.

Trương Gia Mẫn kéo cao cổ chiếc áo dạ dày dặn rồi cô xoa xoa đôi bàn tay lạnh ngắt của mình vào nhau.

Mùa này Đà Lạt thật là lạnh, lạnh đến mức khiến cho hơi thở cô phả ra phảng phất một làn khói trắng mờ đục. Cô không hề có ý định du lịch vào thời điểm cao nguyên rét giá thế này, nhưng cô phải đến đây vì bài báo mà mình vô tình đọc được trên mạng, nó mang lại cho cô một cảm giác hết sức lạ lùng mà trước đây chưa hề cảm thấy.

Một nguồn cảm hứng mới, có lẽ...

Sẽ thật là tuyệt vời nếu tận dụng được nguồn cảm hứng này cho bức tranh kế tiếp của mình, và rồi cái tên Trương Gia Mẫn sẽ lại thêm lần nữa được vang danh trong giới họa sĩ Việt Nam.

Cô muốn như vậy và cô phải đạt được như vậy!

Đó là lí do vì sao bây giờ Trương Gia Mẫn có mặt tại đây, đứng trước ngôi dinh thự bị bỏ hoang suốt 64 năm dài mang tên Bách Hợp này.

Hình ảnh ngoài đời thật của nó coi bộ còn âm u hoang tàn hơn những gì bài báo nọ thể hiện. Với những bờ tường bong tróc, loang lổ như thể sẽ sập xuống bất cứ lúc nào, những mảng rong rêu và dây leo đeo bám đầy khắp là nơi trú ngụ hoàn hảo cho đám côn trùng đủ loại, bằng chứng là bọn chúng đang kêu lên những thanh âm hết sức rùng rợn như đang tấu bài ca đón chào kẻ xấu số Trương Gia Mẫn bước vào.

Dinh thự này thật quá to lớn, đứng trước nó, Trương Gia Mẫn nhỏ bé không khác nào một chú kiến con khiến cho cô không khỏi tưởng tượng về một thời huy hoàng đã qua của nó.

Nằm trên đỉnh đồi thông vắng vẻ với những rặng thông già vây quanh bầu bạn suốt nhiều năm, nhìn vào ngôi dinh thự, Trương Gia Mẫn bất giác cảm thấy một nỗi cô liêu sâu sắc. Tại nơi đây, nó đã bỏ qua biết bao nhiêu sự kiện lịch sử và phát triển của xã hội trong suốt ngần ấy năm dài. Vẫn lặng lẽ, cổ kính và mang cho người ta vô số lời đồn đoán đáng sợ.

Tất cả đều xoay quanh một oan hồn trinh nữ mang tên Nguyễn Thương Nga.

Nàng thiếu nữ là chủ nhân của ngôi dinh thự với vẻ đẹp trong trắng còn hơn cả những đóa bách hợp vốn là loài hoa mà nàng vô cùng yêu thích.

Xinh đẹp và giàu có bậc nhất Đà Lạt vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Nguyễn Thương Nga kiêu hãnh trở thành người đẹp mà biết bao nhiêu chàng trai si mê khao khát. Nhưng ở đời chẳng phải vẫn thường có câu "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" hay sao?

Vậy nên vào một chiều mưa buồn năm nàng 23 tuổi tử thần đã gọi tên nàng...

Không ai biết lí do vì sao chỉ sau một đêm ngắn ngủi Nguyễn Thương Nga lại qua đời, chỉ là cái chết bất đắc kỳ tử của nàng con gái đẹp nhất cao nguyên Đà Lạt ấy đã khiến cho hàng trăm trái tim đàn ông tan vỡ.

Họ khóc thương cho nàng, họ tiếc nuối cho nàng, nhưng cũng chính họ đã bỏ nàng nằm lại một mình cô độc ở ngôi mộ đằng sau dinh thự Bách Hợp.

Ngôi mộ của một người con gái yểu mệnh còn trinh trắng.

Nhưng kể từ đó trở đi, cứ vào mỗi độ trăng lên, người nào vô tình ngang qua dinh thự Bách Hợp đều cho rằng đã trông thấy hồn ma của nàng vẫn còn vất vưởng ở nơi đây! Thường lang thang qua các dãy hành lang, có khi lại ngồi trên bệ cửa sổ, hoặc cũng có lúc nàng đứng dưới hiên nhà hướng nhìn theo họ với đôi mắt và khuôn miệng bị khâu lại bằng chỉ đỏ.

[BHTT-KINH DỊ-VIỆT] NGƯỜI ĐẸP ĐÊM TRĂNG - TG: CAM LAINơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ