NỖI ĐAU MUỘN MÀNG

29 6 11
                                    

Từ ngày ông ngoại tôi đi về nơi xa, tôi đắm chìm vào vực sâu tội lỗi. Không phải vì tôi làm chuyện phi pháp nào, mà chỉ là tôi không cảm nhận được nỗi đau mất mát, dù biết ông mình đã về với cõi vĩnh hằng. Sự thiếu hụt cảm xúc này khiến tôi phải tự hỏi liệu có phải đạo đức của mình méo mó và lệch lạc hay không. Tôi chẳng thể hiểu tại sao bản thân lại không khóc lóc, không xót thương cho chính ông ngoại của mình.

Chiều tà hôm ấy, ông tôi trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nhỏ ở quê, nơi cái nắng hè gay gắt chiếu rọi vào gian phòng khách, làm nổi bật lên những vết nứt trên bức tường đã ngả màu. Ngày đó cách sinh nhật của tôi chín ngày, một con số ngẫu nhiên mà tôi cứ mãi ám ảnh. 

Khi nhận được cuộc gọi báo tin dữ từ em gái, tôi còn đang ngồi làm việc tại văn phòng. Không khí ngột ngạt, yên lặng đến lạ thường khiến tôi cảm giác như thời gian ngừng lại. Câu nói "Ông ngoại mất rồi" cứ lặp đi lặp lại trong đầu, nhưng tôi không cảm thấy gì, đáy lòng bình tĩnh đến đáng sợ. Giống như một con robot được lập trình sẵn, tôi ghi nhớ lời thông báo ấy và bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi về quê. Tệ thật, tôi tiếp nhận mọi thứ dễ dàng tới mức, hệt như khi tôi nghe mẹ than vãn: “Mẹ ốm rồi”. Sự thờ ơ của tôi trong khoảnh khắc này chẳng khác nào loài bò sát máu lạnh, lặng yên nhìn cái chết của đồng loại.

Não tôi lúc ấy chỉ suy nghĩ đến một việc là làm cách nào để xoay sở tiền xăng xe về quê, khi trên người chỉ còn vài đồng lẻ. Xin sếp về sớm hơn giờ tan ca thường lệ, tôi gọi điện thoại khắp nơi để hỏi vay tiền. Bạn bè tôi không hỏi lý do vì sao, chúng chỉ hỏi: “Cần bao nhiêu?”.

Tôi vay mỗi người vài trăm, tổng hơn một triệu. Một triệu ấy đủ để tôi gọi taxi về quê ngay tức khắc. Nhưng không! Tôi chậm rãi về phòng trọ, báo với bạn cùng phòng chuyện ông tôi đã mất, rồi thản nhiên ăn uống, sau đó tắm rửa và dọn dẹp nơi mình vẫn đang ở mỗi ngày. Ngắm nhìn mình trong gương, đôi mắt tôi vẫn bình thản đến lạ thường, không hề có vẻ đau thương cùng một giọt nước mắt. Sự bình thản này, trái ngược hoàn toàn với không khí tang lễ nơi tôi sắp tới, nó làm tôi càng cảm thấy hoang mang hơn bao giờ hết. Giữa đám đông, nếu bạn khác biệt thì bạn chính là kẻ lập dị, lạc loài,...

Tôi rời phòng về quê ngay khi trời vừa buông sợi nắng đầu tiên. Trên chiếc xe taxi đã cũ mèm, động cơ kêu rên ồ ồ, tôi mệt mỏi vì vừa phải dậy sớm, vừa phải đi một chặng đường dài. Đôi lúc, tôi cố gắng kéo tâm trạng mình trùng xuống thật sâu để có thể khóc. Vậy mà cuối cùng, chẳng có giọt nước mắt nào nghe theo điều khiển của tôi. Cảm giác này như một trò thử thách tâm lý, buộc tôi phải đối diện với sự lạnh lùng của chính nội tâm mình.

Phải nói rằng, ông ngoại tôi là một người thầy giáo quá ư liêm khiết và tận tâm với nghề. Cái chết của ông khiến cho bà con lối xóm tiếc thương vô cùng. Thậm chí, tới cả đồng nghiệp của các con ông và cả những lứa học sinh đầu tiên mà ông dạy cũng bỏ thời gian tới viếng. Ai ai cũng khóc, không khóc thì đôi mắt, gò má và đầu mũi cũng cay cay ửng hồng vì phải kìm nén cảm xúc. Riêng tôi, kể từ khi bước xuống taxi, đã cảm thấy mình thật khác người, thật máu lạnh với gương mặt trắng phấn. Khác biệt này như một lằn ranh rõ rệt ngăn cách giữa tôi và tất cả những người xung quanh trong suốt quá trình diễn ra tang lễ.

Đoá Hoa Bất TửNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ