Extra | 11. Hoa hồng xanh

164 13 10
                                    

Dù có xê dịch tới bất cứ đâu trên khắp Châu Âu này, Michael Kaiser cũng dám chắc một điều rằng anh không bao giờ thèm sống ở Ý.

Là một công dân Đức tiêu chuẩn, luôn quen với nề nếp khắc kỉ, trật tự từ sâu trong dòng máu, chỉ sau một tuần đặt chân tới Ý, anh đã thấy quá nhiều thứ làm anh phật lòng. Đầu tiên phải kể đến nắng nóng. Thời tiết ở khu vực Địa Trung Hải này thật quá ngưỡng chịu đựng của con người. Kaiser quen sống nơi khí hậu phương Bắc lạnh lẽo và mưa phùn, nên chuyển qua một nơi Mặt Trời đổ lửa mười tiếng mỗi ngày, anh chỉ muốn ở lì trong homestay, thay vì làm một cái xác ướp đi lại ngoài phố. Nắng đỉnh đầu chói chang lóa mắt đến mức dù cố chấp ra đường ngắm cảnh, thì ngước lên cũng chẳng trông thấy gì hết ngoài một màu vàng sáng lòa tiêu cự. Bởi đặc thù khí hậu oi bức gần như quanh năm, kéo theo thói quen sinh hoạt của người dân đất nước này cũng mang nhiều khác biệt. Có một thuật ngữ "Siesta" phổ biến trong tiếng Latin, nghĩa là 'giấc ngủ trưa' ở văn hóa những nước ven Địa Trung Hải. Bởi vì nắng trời đến giữa ngày càng gắt tới đỉnh điểm, nên mấy nước như Tây Ban Nha, Ý và Hi Lạp đều sẽ hoãn lại các hoạt động để ở trong nhà nghỉ trưa tránh nóng. Với một người quen sống nhịp sinh hoạt cường độ cao không có nghỉ trưa như Đức và một số nước công nghiệp khác, thì đây quả là sự trễ nải không chấp nhận được. Hàng quán uể oải không buồn tiếp khách, những cửa hiệu cũng đóng cửa ban ngày, cần cái gì đều không mua được. Thế mà khôi hài là tầm 5-6 giờ chiều, lại đúng giờ mọi hoạt động nghỉ hết như các nước đàn anh lao động quần quật kia. Kaiser - một công dân thuộc nước có nền kinh tế lớn nhất Liên minh, cảm thấy đang phải gánh nợ cho một loạt mấy quốc gia vừa nghèo vừa lười biếng.

Dịch vụ của Ý thì tệ đến mức Kaiser muốn cãi nhau rất nhiều lần nhưng phải cố tỏ ra mình là người văn minh. Không một ngày nào, anh được đi chuyến tàu, hay bus công cộng mà nó tới đúng giờ. Nếu trên hệ thống đề 9:00 xe số này tới trạm, thì phải thong thả cộng dôi ra năm, mười phút nữa vì ai biết được cái xe đó lạc trôi tận chốn nào. Còn đổi sang gọi Uber thì có khi xe còn chẳng tới luôn. Người sống kỉ luật đúng giờ như anh không biết phải diễn tả cuộc sống quái đản này thế nào mới đủ thể hiện sự khó chịu trong lòng nữa.

Vậy mà sau khi tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng Cử nhân Nghệ thuật từ trường Mĩ thuật top 1 Đức, giảng viên chính của anh lại tư vấn tương lai anh nên sang Ý theo học những bằng cấp cao hơn. Bởi Ý nói chung và Florence nói riêng, chính là cái nôi của nền Phục Hưng mĩ lệ. Nếu Kaiser thực sự muốn tập trung vào phát triển phong cách Phục Hưng và Baroque, thì anh nên tới Accademia di Belle Arti di Firenze - Học viện Mĩ thuật hàng đầu của Ý tại Florence để tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu. Tài năng và tiếng tăm của anh hiện giờ đủ cho anh kiếm được học bổng, thậm chí được giữ lại bồi dưỡng để ngày càng trở nên rực rỡ như viên ngọc sáng giá trong giới hàn lâm. Thực ra, Kaiser cũng suy nghĩ rất nhiều về tương lai kiêu hãnh rộng mở được vẽ ra ấy, nhưng chỉ ít ngày tới du lãm, tiếp xúc với sinh hoạt và cư dân đất nước này, anh lại thấy phiền lòng.

Hiện tại, Kaiser chưa có ý định sớm học lên bằng cấp tiếp theo. Anh vẫn còn muốn đi và vẽ thêm nhiều trải nghiệm. Có những chuyện trong lòng không phải một sớm một chiều mà nguôi ngoai, thậm chí trêu ngươi tồn tại mãi. Kaiser cũng có những thứ muốn làm trước, dù anh chưa bao giờ nói ra.

KaiNess | Hải GiácNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ